Đến hẹn lại…chen
Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Đền Hùng là điểm đến của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh về dâng hương, vãn cảnh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm ngày 16/4, khắp nẻo đường dẫn về khu trung tâm lễ hội đều chật cứng. Tại khu vực cổng chính dẫn lên các đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Chen chúc trong đám đông gần nửa giờ đồng hồ, bạn Việt Hoàng (21 tuổi,) bơ phờ nói: “Muốn đi không được, quay về cũng không xong, 30 phút chỉ nhích được 10m đi theo dòng người, chỉ sợ bị đẩy ngã.”
Mặc dù ban tổ chức đã có sự chuẩn bị kỹ, song dòng người liên tục đổ về khu vực đền Hùng làm xảy ra ùn tắc, rơi vào tình trạng hỗn loạn. Do mật độ quá đông, ngột ngạt, nhiều trẻ em đi cùng gia đình tỏ ra mệt mỏi, bỏ cuộc giữa chừng, phụ nữ và người già cũng không chịu nổi trong biển người chen lấn, xô đẩy.
Bước vào bên trong di tích, hương khói mịt mù khiến nhiều người đỏ mắt. Nhưng không ít người quan niệm phải đốt cho thật nhiều, cắm thật nhiều mới thể hiện hết sự “thành tâm”, người đến sau phải cố bằng được chen vào bên trong để đặt lễ, khấn vái... Chẳng rõ bậc thánh thần có nghe thấy hết, nhưng rõ ràng, việc chen chúc hay thậm chí xô đẩy, va chạm nhau đã gây ra sự phản cảm.
Trao đổi với phóng viên, chị Hoàng Mai (37 tuổi, ở Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi năm nào cũng lên Đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ tới các Vua Hùng. Mặc dù leo cũng mệt nhưng tôi vẫn quyết tâm leo đến nơi. Ở nhà tôi cũng nhắc nhở các con là phải biết ơn ông bà, các bậc sinh thành ra mình và cội nguồn dân tộc. Vì vậy, dù đông nhưng năm nào gia đình tôi cũng đi Đền Hùng.”
Được biết, khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng phương án đón tiếp, các kế hoạch dự trù để chuẩn bị cho việc lượng khách tăng cao đột biến. Nhưng thực tế, thực trạng biển người chen lấn vẫn không thuyên giảm, bạn Việt Hoàng bày tỏ quan điểm: “Mình cũng như mọi người mong rằng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh sẽ cơi nới, mở rộng các đường lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Qua đó, tình trạng chen lấn xô đẩy sẽ được giảm.”
“Biệt đội” săn khách bủa vây
Ngoài tình trạng chen lấn, trước thời gian bước vào mùa lễ hội, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh buôn bán quanh khu vực cấm chèo kéo khách và treo băng rôn cảnh báo du khách. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp. Nhiều du khách cảm thấy bị sốc trước những chiêu trò chèo kéo, cướp khách nơi đây.
Ngày 16/4, trong vai khách du lịch đến tham quan, phóng viên được một “biệt đội” xe mời chào sau khi đã đeo bám, khi được hỏi về giá, các xe có sự chênh lệch khác nhau. Theo cách tính giá của các “cò xe” này, nếu di chuyển một mình, du khách sẽ buộc phải bỏ ra số tiền ít nhất là 10 nghìn đồng/người. Điều đáng nói, sau khi đã chấp nhận số tiền nêu trên, nhưng chỉ cần trên dọc đường có người tiềm năng, họ sẽ bắt đầu ghép khách.
Nhiều du khách liên tục bị các phương tiện xe ôm bám đuổi mời chào. Bạn Hương Ly (21 tuổi, Bắc Ninh) bức xúc nói: "Tôi cảm thấy rất khó chịu khi liên tục bị các phương tiện xe ôm chèo kéo. Nhiều người còn bám theo và ngăn không cho chúng tôi lên xe điện. Mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc dẹp bỏ hiện tượng này để khu di tích trở nên văn minh và đẹp hơn."
Cũng theo Hương Ly, có một đặc điểm chung ở các khu vực diễn ra lễ hội là bao giờ cũng có cảnh kéo khách, bán hàng rong làm lộn xộn, mất an ninh trật tự. Điều này dù ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý du khách, tuy nhiên muốn dẹp bỏ vấn nạn này không dễ. “Chỉ khi nào địa phương bố trí cho người dân có khu vực buôn bán đàng hoàng thì lúc đó mới có một lễ hội nề nếp, trật tự được.”
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Cường - Tình nguyện viên hỗ trợ tại Đền cho biết: “Trước đó, toàn đội đã được tập huấn cam kết thực hiện “5 không”: không để xảy ra ùn tắc, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, không có ăn xin, ăn mày, không có các hành vi phản cảm và không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời xung quanh đền cũng có loa phát thanh tuyên truyền và hỗ trợ người dân khi có vấn đề xảy ra. Sắp tới chính hội, chúng tôi sẽ tăng cường số lượng, quán triệt, nghiêm túc thực hiện cam kết để tránh tình trạng chèo kéo, chen lấn xảy ra.”
Những câu chuyện về chen lấn, xô đẩy hay chèo kéo khách vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại, “mổ xẻ” nhiều lần trong mỗi mùa lễ hội tại Đền Hùng. Thực trạng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" đang để lại những hình ảnh chưa đẹp vùng đất nguồn cội Phú Thọ cũng như trách nhiệm của cộng đồng và địa phương trong thời gian tới.
Phản hồi