Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tháng 7 năm 1965, khi mới 19 tuổi, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam và được cử sang Liên Xô học lái máy bay MiG-21. Sau hơn hai năm huấn luyện, ông trở về nước và bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đây, ông đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bầu trời miền Bắc, đánh bại những đối thủ mạnh mẽ và trở thành một trong những phi công xuất sắc nhất trong lịch sử Không quân Việt Nam.
Chia sẻ về Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát, Thiếu tướng Phạm Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết: “Ông là một trong số ít phi công chinh phục được rất nhiều loại máy bay, từ L-39, MiG-21 đến Tiêm kích bom Su-22M4 và các loại máy bay tiêm kích đa năng về sau này. Hiếm có phi công nào có thể bay được và được bay nhiều loại máy bay như vậy”.
Năm 1969, khi mới 23 tuổi, Nguyễn Đức Soát ghi chiến công đầu tiên khi bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Đến năm 1972, ông tiếp tục lập thêm 5 chiến công, nâng tổng số máy bay bị ông bắn hạ lên 6 chiếc, trong đó có những chiến công quan trọng như bắn hạ B-52, loại máy bay tưởng chừng “không thể bị bắn rơi”.
Trong hồi ký của mình, ông kể: “Ngày 23/5/1972, tôi và biên đội nhận lệnh xuất kích từ sân bay Gia Lâm. Phát hiện chiếc A-7 Mỹ gần Nam Định, tôi tấn công và bắn hạ thành công sau hai quả tên lửa. Ngày 24/6/1972, trong trận không chiến với hơn 20 chiếc F-4 của Mỹ, tôi và Ngô Duy Thư làm tan tác đội hình của họ và mỗi người bắn rơi 1 chiếc máy bay F-4. Ngày 27/6/1972, tôi bắn hạ một chiếc F-4, Thư bắn hạ chiếc còn lại, cùng lúc hai chiếc F-4 khác bị tiêu diệt tại Sơn La, tạo không khí phấn khích trong toàn quân.”.
Cũng trong năm 1972, trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ huy động B-52 ném bom rải thảm vào miền Bắc Việt Nam. Trong suốt 12 ngày đêm (18-30/12), phi công Nguyễn Đức Soát cùng đồng đội kiên cường bảo vệ bầu trời Hà Nội. Dù đối mặt với những trận đánh ác liệt và tổn thất lớn, họ quyết tâm ngăn chặn bom Mỹ rơi xuống dân. Ngày 22/12, Nguyễn Đức Soát, với vai trò Đại đội trưởng, đã cất cánh bảo vệ trận địa tên lửa, chiến đấu với 16 chiếc F-4 và hoàn thành nhiệm vụ. Trong 12 ngày, Đại đội của ông bắn rơi 5 máy bay, trong đó có 1 B-52.
“Năm 1972 là năm thật đặc biệt đối với Trung đoàn Không quân 927. Tuy là đơn vị mới được thành lập hồi đầu năm nhưng Trung đoàn đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc”, ông chia sẻ.
Ngoài những chiến công trên chiến trường, Trung tướng Nguyễn Đức Soát còn có những đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển Không quân Việt Nam. Ông không chỉ là một phi công tài ba mà còn là một nhà lãnh đạo chiến lược, góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa lực lượng không quân Việt Nam. Một trong những quyết định quan trọng của ông là tham mưu việc chuyển hướng mua máy bay từ MIG sang SU, với tầm bay xa hơn, khả năng chiến đấu linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại. Chính nhờ tầm nhìn chiến lược này, Việt Nam đã có được các dòng máy bay SU, như SU-27 và SU-30MK để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Với những thành tựu xuất sắc trong quá trình chiến đấu cũng như làm công tác chỉ huy, vào năm 1973, khi mới 27 tuổi, phi công Nguyễn Đức Soát đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trải qua 44 năm phục vụ trong quân đội, từ một người lính trẻ bắt đầu học lái máy bay MiG-21, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã trở thành một trong những phi công tài năng nhất của Không quân Việt Nam. Ông đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, bao gồm Trung tướng – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân (1997–1999); Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (1999–2002). Dù ở vị trí nào, ông luôn đặt trong lòng mục tiêu cao cả, đó là bảo vệ bầu trời và mang lại hòa bình cho đất nước, cho nhân dân.
“Trong suốt hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển của Quân chủng Phòng không - Không quân không thể thiếu đã những đóng góp to lớn đến từ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Đồng chí cũng là vị tướng duy nhất khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân vẫn tham gia vào huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường khác”. Thiếu tướng Phạm Anh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, dù đã được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng với tinh thần không ngừng nghỉ, trách nhiệm với thế hệ đi trước thì đồng chí vẫn dành trọn đời mình cho bầu trời xanh của Tổ quốc qua những trang sách.
Cách đây 4 năm, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã xuất bản cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích”, chia sẻ những suy tư về tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm công dân và những trải nghiệm của một phi công trẻ. Mới đây, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội, ông tiếp tục cho ra mắt hồi ức “Bầu trời - Trường đại học của tôi”, kể về cuộc đời và sự nghiệp của phi công chiến đấu huyền thoại, từ những trận không chiến lịch sử đến quá trình hòa giải hậu chiến với các phi công Mỹ. Cuốn sách cũng chứa đựng những câu chuyện về nghề nghiệp và tình yêu quê hương, khơi dậy động lực cho thế hệ trẻ lao động sáng tạo trong thời kỳ hòa bình.
Tuy tuổi đã cao, nhưng hơn 10 năm nay, ông vẫn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả Bom mìn Việt Nam để hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn vươn lên trong cuộc sống. Trung tướng Nguyễn Đức Soát là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, tinh thần học hỏi không ngừng và sự cống hiến không mệt mỏi cho đất nước. Từ một phi công trẻ tuổi đến khi trở thành Tư lệnh Không quân, ông đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng hiện đại của Việt Nam.
Phản hồi