Tận tâm cống hiến
PV: Trong sự nghiệp nghiên cứu, đâu là những giai đoạn lịch sử quân sự Việt Nam mà Đại tá dành nhiều sự quan tâm và tâm huyết nghiên cứu nhất? Vì sao?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Trong chuyên ngành lịch sử, tôi chuyên nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam. Mặc dù ban đầu đam mê lịch sử cổ đại, đặc biệt là các triều đại Trung Quốc, nhưng khi gia nhập quân ngũ, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử trong quân đội, và đó là cơ duyên đưa tôi đến với lịch sử hiện đại.
Một sự kiện tôi dành nhiều tâm huyết là Hiệp định Genève và việc chia cắt đất nước tại vĩ tuyến 17. Tôi từng làm việc ở Đông Hà gần 9 tháng để hỗ trợ bảo vệ giới tuyến, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của các gia đình, như Vĩnh Linh, nơi cha mẹ ở miền Nam còn con cái ở miền Bắc, giúp tôi hiểu rõ hơn về hậu quả của chiến tranh và tầm quan trọng của sự thống nhất.
Bên cạnh đó, tôi luôn ghi nhớ chiến thắng Điện Biên Phủ và các trận đánh như Hàm Rồng năm 1965. Chiến thuật bắn gần, bắn trực diện đã giúp quân đội giành chiến thắng. Quyết định chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bước ngoặt quan trọng, thể hiện sự tin tưởng vào sức mạnh và khả năng của nhân dân, dẫn đến thắng lợi vang dội.
Những sự kiện này không chỉ là những mốc son trong lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng lớn để tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền lại cho thế hệ sau về ý chí, sức mạnh đoàn kết và tinh thần bất khuất của dân tộc ta.
PV: Thưa Đại tá, trong quá trình nghiên cứu lịch sử quân sự, ông đã gặp phải những khó khăn gì, đặc biệt là việc tiếp cận tài liệu và chứng cứ lịch sử?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu lịch sử quân sự là khả năng tiếp cận và xử lý nguồn tài liệu một cách chính xác. Với nhà báo, họ có lợi thế trong việc phản ánh các sự kiện ngay tại hiện trường, nhưng góc nhìn của họ thường chỉ tập trung vào một phần nhỏ của toàn cảnh chiến trận. Việc tiếp cận thông tin từ chỉ huy hay từ phía đối phương luôn là thử thách, và tài liệu từ đối phương thường rất khó tiếp cận, có thể bị che giấu hoặc bóp méo.
Một số tài liệu nội bộ, như nghị quyết, thậm chí được tạo ra với mục đích chiến thuật. Ví dụ, trong chiến dịch Mậu Thân, từng có nghị quyết giả nhằm lừa địch. Do đó, việc sàng lọc, phân tích và đối chiếu tài liệu từ nhiều nguồn là rất quan trọng. Quá trình này mất nhiều thời gian, nhưng cần thiết để tái hiện lịch sử chính xác.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ tinh thần yêu lịch sử của người dân. Họ sẵn sàng cung cấp thông tin và tài liệu quý giá, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong hành trình nghiên cứu.
Pv: Trong quá trình nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam, theo Đại tá, đâu là giá trị cốt lõi mà một nhà nghiên cứu cần giữ vững?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Trong nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam, giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phản ánh là sự hình thành và phát triển của lịch sử quân sự dựa trên nền tảng truyền thống yêu nước và sức sống mãnh liệt của dân tộc.
Dân tộc Việt Nam có lãnh thổ nhỏ bé, chỉ bằng khoảng một phần ba trăm so với Trung Quốc, nhưng truyền thống yêu nước của chúng ta đã có từ ngàn đời.
Ngoài ra, sức mạnh của quân đội không thể tách rời với sự giúp đỡ của nhân dân. Nếu quân đội bám vào dân, địch sẽ không thể làm gì được. Mỗi chiến công của quân đội ta đều gắn liền với sự hỗ trợ, hy sinh của nhân dân.
Chúng ta cũng không thể quên hơn 1 triệu liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Tổ quốc, đó là một sự hy sinh vĩ đại và đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, điều tôi luôn tâm đắc nhất là sự hy sinh vì Tổ quốc, chịu đựng vì Tổ quốc mới chính là hy sinh lớn nhất.
Kỳ vọng thế hệ trẻ
Pv: Theo ông, việc nghiên cứu lịch sử quân sự cần được tiếp tục đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Trước hết, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, việc nghiên cứu lịch sử quân sự cần được đặt trong bối cảnh nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những vấn đề cốt lõi là làm rõ vai trò của cách mạng bạo lực trong lịch sử. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đã khẳng định, các cuộc cách mạng Đông Dương không thể thành công bằng con đường hòa bình mà phải dựa vào cách mạng bạo lực. Đây là tiền đề quan trọng dẫn đến sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, nghiên cứu lịch sử quân sự cần tập trung vào việc phân tích những bài học kinh nghiệm từ quá khứ để vận dụng linh hoạt vào công cuộc xây dựng lực lượng quốc phòng hiện đại. Đồng thời, cần chú trọng đổi mới phương pháp nghiên cứu, kết hợp giữa tư liệu lịch sử truyền thống với các công nghệ tiên tiến, như dữ liệu số hóa và trí tuệ nhân tạo, để phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục một cách hiệu quả hơn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tư liệu lịch sử quân sự đối với việc giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ hiện nay?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Thế hệ trẻ ngày nay không phải không yêu thích lịch sử, thực tế, các bạn rất quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở phương pháp giảng dạy của chúng ta. Nếu cách truyền đạt quá giáo điều, máy móc, chỉ tập trung vào các con số khô khan thì rất khó để các em ghi nhớ và yêu thích. Điều quan trọng là cần kể những câu chuyện lịch sử sinh động, gần gũi và truyền cảm hứng.
Với sinh viên chuyên ngành sử học, việc nghiên cứu sâu là cần thiết. Tuy nhiên, đối với đại đa số, cần truyền đạt các giá trị cốt lõi thông qua các câu chuyện và bài học ý nghĩa.
Lịch sử quân sự nên được gắn liền với con người, không chỉ là những mốc sự kiện. Các chiến dịch lớn như Chiến dịch Bình Giã hay Mậu Thân phải được kể qua những câu chuyện của những người tham gia, giúp lịch sử trở nên gần gũi hơn.
PV: Ông kỳ vọng gì ở những thế hệ kế cận trong việc tiếp nối, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam?
Đại tá Vũ Tang Bồng: Mặc dù điều kiện sinh hoạt của quân đội hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước đây, nhưng bản chất của quân đội ta vẫn giữ nguyên, với ba nhiệm vụ chính: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, trong đó nhiệm vụ chiến đấu luôn phải là trung tâm.
Như ông cha ta đã dạy, "Nuôi quân ba năm dùng một giờ", việc xây dựng quân đội mạnh mẽ ngay từ bây giờ là điều kiện tiên quyết để bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Do đó, tôi kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và khai thác tiềm năng của mình, góp phần xây dựng một quân đội tinh gọn, mạnh mẽ và hiệu quả.
Sức mạnh quân đội là sức mạnh của đất nước, và điều quan trọng là duy trì và phát huy truyền thống yêu nước mà Bác Hồ đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước". Đây là truyền thống quý báu của dân tộc, đôi khi ẩn mình trong rương, trong hòm, nhưng mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, nó lại trỗi dậy mạnh mẽ, vượt qua mọi gian khổ và quét sạch "bè lũ bán nước, bè lũ cướp nước".
Truyền thống yêu nước ấy đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong suốt lịch sử. Thế hệ trẻ cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đó, để khi đất nước gặp thử thách, lòng yêu nước sẽ lại trở thành sức mạnh lớn lao, đưa quân đội và dân tộc ta vượt qua mọi gian nan.
Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng - Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Kỹ thuật Quân sự, Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Kháng chiến chống Pháp của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Từ năm 1972 - 1973, ông công tác tại Viện Sử học Việt Nam. Hiện nay, ông là chuyên viên cao cấp của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ông cũng là tác giả và biên soạn hơn 140 cuốn sách, nghiên cứu liên quan đến lịch sử quân sự Việt Nam. |
Phản hồi