Tổng quan về đô thị hóa ở Hà Nội
Đô thị hóa không chỉ là dịch chuyển cư dân mà còn đánh dấu những thay đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Quá trình này gắn liền với việc tập trung dân cư, tái cơ cấu lực lượng lao động và đổi mới phương thức sản xuất. Là một phần không thể tách rời của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa phản ánh bước tiến của từng giai đoạn phát triển, từ nền văn minh nông nghiệp đến công nghiệp và hậu công nghiệp. Song mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều mang dấu ấn riêng trong hành trình này.
Hà Nội là minh chứng điển hình cho sự tác động đa chiều của đô thị hóa. Những thay đổi về địa giới hành chính, tổ chức chính quyền đô thị và sự gia tăng dân số cơ học là các yếu tố then chốt định hình diện mạo mới cho Thủ đô. Chỉ tính riêng năm 2008, sau khi mở rộng địa giới, dân số Hà Nội đạt 6,4 triệu dân, kéo theo tỷ lệ đô thị hóa tăng lên gần 40%. Đến năm 2020, con số này tiến gần 50% và định hướng đến 2025 đạt 60-62%. Những con số trên không chỉ phản ánh tốc độ đô thị hóa mà còn đặt ra bài toán về quy hoạch, phát triển bền vững và quản lý đô thị hiệu quả.
Hà Nội sau giải phóng: Một đô thị nhỏ bé bước đầu chuyển mình
Sau ngày giải phóng, Hà Nội chỉ là một thành phố nhỏ gọn có diện tích 152km², bao gồm 4 quận và 4 huyện cùng vỏn vẹn 436.000 người. Khi ấy, Hà Nội mang dáng dấp của một đô thị tiêu thụ với nền công nghiệp nhỏ bé, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ văn hóa nghèo nàn chỉ đáp ứng cho lớp người giàu và giai cấp thống trị. Những khu nhà thưa thớt, tạm bợ và lụp xụp rải rác khắp các quận huyện, phản ánh thực trạng khó khăn của một đô thị chưa kịp khởi sắc.
Khu vực trung tâm như Ba Đình và Hoàn Kiếm là nơi duy nhất có phần sầm uất hơn với phố xá khang trang và mật độ dân cư đông đúc, chủ yếu tập trung quanh khu phố cổ. Ngoài ra, phần lớn các quận, huyện khác đều mang dáng dấp nông thôn, nhà cửa rải rác, không có quy hoạch rõ ràng. Cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, từ điều kiện ở đến các tiện ích cơ bản như nước sạch, hệ thống giao thông hay điện chiếu sáng.
Việc thiếu quỹ đất kết hợp với sự tập trung đông đúc tại khu vực nội thành đã biến vấn đề nhà ở thành một bài toán nan giải. Các ngôi nhà cổ kính, vốn thuộc sở hữu của tầng lớp địa chủ và thương nhân cũ, sau giải phóng đã được chia lại cho nhiều gia đình lao động, dẫn đến tình trạng chia cắt không gian sinh sống, sống chung chật chội. Nhiều người dân phải dựng những ngôi nhà lụp xụp bằng gỗ, tre, tranh nứa ở các vùng ven để ổn định cuộc sống.
Nhìn rộng hơn, chính từ hiện thực khó khăn ấy, một hành trình cải tạo và phát triển toàn diện đã được khởi động. Việc mở rộng địa giới sau này, kết hợp với các chính sách đô thị hóa, quy hoạch lại nhà ở và phát triển hạ tầng, đã dần thay đổi diện mạo Thủ đô.
Thành tựu sau 70 năm đô thị hóa
Hà Nội từ một thành phố với dân số hơn 50 vạn người vào năm 1954 đã trở thành một đô thị với hơn 8 triệu cư dân vào năm 2024. Quá trình đô thị hóa không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ công và diện mạo thành phố.
Hàng loạt khu đô thị mới như Times City, Vinhomes Riverside và Ciputra được xây dựng, tạo nên một diện mạo hiện đại và văn minh cho Thủ đô. Các dự án cải tạo khu nhà tập thể cũ cũng đã bắt đầu được triển khai, với mục tiêu thay thế những công trình xuống cấp bằng các khu nhà cao tầng tiện nghi, đảm bảo an toàn cho cư dân.
Ngoài ra, Hà Nội còn là nơi triển khai nhiều chính sách nhà ở xã hội, giúp những đối tượng thu nhập thấp có cơ hội sở hữu hoặc thuê nhà với giá hợp lý. Các khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá, Tây Nam Linh Đàm hay Kim Chung đã phần nào đáp ứng được nhu cầu nhà ở cấp bách cho một bộ phận người dân.
Những tồn đọng về vấn đề nhà ở và chỗ ở
Dẫu vậy, sau 70 năm đô thị hóa, Hà Nội vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề nhà ở, đặc biệt cho những người lao động thu nhập thấp và cư dân nhập cư.
Thành phố hiện có hơn 1.500 khu nhà tập thể cũ, tập trung tại các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Phần lớn những khu nhà này được xây dựng từ những năm 1960 -1980, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tình trạng tại khu tập thể Nghĩa Đô (Cầu Giấy) hay Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) là ví dụ điển hình. Những bức tường bong tróc, rêu mốc, thấm dột, cùng với việc người dân tự ý cơi nới “chuồng cọp” đã khiến những khu nhà này trở nên méo mó và nguy hiểm. Dù đã có nhiều dự án cải tạo được phê duyệt, tiến độ triển khai vẫn giậm chân tại chỗ do vướng mắc về bồi thường, tái định cư và sự đồng thuận giữa các bên liên quan.
Hà Nội có hàng trăm nghìn người lao động nhập cư, phần lớn là công nhân, nhân viên văn phòng và người buôn bán nhỏ. Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho nhóm đối tượng này rất lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế.
Trong khi một số dự án nhà ở xã hội được triển khai thành công, nhiều dự án khác vẫn gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao, thủ tục phức tạp và lợi nhuận thấp. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động phải thuê nhà trọ chật hẹp, không đảm bảo điều kiện sống.
Hà Nội chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị cao cấp, nhưng cũng tồn tại sự đối lập rõ nét với những khu nhà tạm bợ ở các làng ven đô hay khu ổ chuột giữa lòng thành phố. Sự bất bình đẳng về nhà ở không chỉ phản ánh khoảng cách giàu nghèo mà còn ảnh hưởng đến sự công bằng xã hội.
Việc mở rộng đô thị quá nhanh đôi khi không đi đôi với quy hoạch đồng bộ. Nhiều khu vực thiếu hạ tầng cơ bản như đường giao thông, trường học, bệnh viện, khiến chất lượng cuộc sống của cư dân không được đảm bảo.
Hướng tới tương lai bền vững
70 năm đô thị hóa đã mang lại cho Hà Nội những bước tiến vượt bậc nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Vấn đề nhà ở không chỉ là câu chuyện của một thủ đô đang phát triển, mà còn là yếu tố quyết định chất lượng sống và sự gắn bó của người dân với mảnh đất này.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ 2021-2030, thành phố đã và đang triển khai 63 dự án nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ. Riêng năm 2024, dự kiến hoàn thành 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang xây dựng (1.180 căn, 78.000 m² sàn) và 4 dự án phát triển mới (9.000 căn, 0,7 triệu m² sàn). Về cơ bản, Hà Nội có thể hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội được Chính phủ giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Tuy nhiên, các vướng mắc về thủ tục, cơ chế đầu tư và chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn đã khiến tiến độ phát triển nhà ở xã hội bị chậm lại. Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cải thiện quy trình và hỗ trợ chủ đầu tư để đảm bảo mục tiêu dài hạn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá việc đẩy mạnh sự kết nối của các khu vực, các vùng đô thị của thủ đô thông qua phát triển giao thông công cộng sẽ giúp Hà Nội giải được bài toán về nhà ở, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội. Ông phân tích, nếu các khu dân cư, thương mại, và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, xe bus… người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích dễ dàng ơn. Khi đó chất lượng cuộc sống được nâng cao, cơ hội việc làm và cả cơ hội tiếp cận với quỹ nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.
Để thực sự trở thành một đô thị đáng sống, Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là mục tiêu chung của toàn xã hội để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và nhân văn.
Phản hồi