Việc nhẹ, lương cao?
Sinh ra trong một gia đình gia cảnh bình thường, học hành ở mức trung bình khá, em Phạm Cát Lượng (17 tuổi, Quảng Bình) quyết định đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp THPT. “Trình độ của em không học được đại học, ở nhà không bằng cấp không biết đến bao giờ mới có tiền lo cho bản thân. Đi xuất khẩu lao động dường như là lựa chọn tốt nhất của em”. Không bằng cấp, muốn có việc làm ngay và luôn, xuất khẩu lao động là một lựa chọn không tồi.
Thế nhưng, tiền lương cao vẫn là lý do chính để những người trẻ chọn đi xuất khẩu lao động. Lượng cho biết: “Em đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan vì tiền làm hồ sơ, thủ tục và vé máy bay rẻ hơn so với các nước khác, đâu đó tầm 150 triệu. Bây giờ đi làm một tháng em được trả 50 triệu, chỉ 3 tháng là trả được tiền đi. Sau đấy thì hằng tháng trích ra một khoản ăn uống, còn lại thì gửi về nhà cho bố mẹ chi tiêu và giữ hộ”. Tiền lương 50 triệu cho một cậu bé 17 tuổi chỉ làm công việc tay chân, gấp 2-3 lần số tiền lương của một công viên chức, gấp 4-5 lần số tiền lương của người lao động ở vùng quê nghèo, là một con số đáng mơ ước.
Cũng chính vì vậy mà chị Hoàng Khánh Ly (24 tuổi, Quảng Bình) lựa chọn đi xuất khẩu lao động thay vì học đại học. Năm 2018, chị đạt 23 điểm trong kỳ thi đại học, đủ điểm đỗ ngành Sư phạm Văn trường Đại học Sư phạm Huế nhưng vì gia đình ngăn cản nên chị đành từ bỏ. “Bố mẹ mình bảo học đại học tốn kém, sau này ra trường khó tìm được việc làm, lương lại ba cọc ba đồng, thôi thì đi xuất khẩu lao động đi con. Mình đành nghe theo, vì nghĩ đến cảnh bố mẹ ở quê làm lụng vất vả cũng không đành”. Gác lại ước mơ còn dang dở, chị đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Đến nay vẫn chưa một lần trở về nhưng tiền thì đã đủ cho bố mẹ cất một căn nhà nhỏ.
Lương cao là thế nhưng ít ai biết rằng để có được đồng lương hậu hĩnh ấy họ đã phải vất vả như thế nào. “Có những ngày phải đứng trên giàn giáo cao 10m để xây tường, đổ bê tông, em thấy rất ngợp. Cứ sợ rơi xuống, có mệnh hệ gì không có ai ở bên cạnh” - Lượng chia sẻ. Những công việc lương cao đi kèm với sự vất vả và hiểm nguy tương tự. Chị Ly sau 4 năm làm việc ở nước ngoài, sức khỏe đã yếu dần dù tuổi còn trẻ: “Mình bị đau vai gáy, thoái hóa cột sống do phải bê vác nhiều và đứng phần lớn thời gian. Cộng thêm việc phải làm ca đêm nên giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn khiến sức khỏe mình đi xuống rõ rệt”. Dẫu vậy, tiền công làm ca đêm gấp đôi nên họ vẫn “cắn răng” chịu đựng.
Cứ thế, học hết cấp 3 rồi đi xuất khẩu lao động đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn với nhiều người trẻ hiện nay. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, toàn vùng Bắc Trung Bộ có hơn 10.000 lao động đi xuất khẩu, trong đó có khoảng 2.000 lao động là học sinh tốt nghiệp cấp 3. Đáng chú ý, không ít trường hợp dù học hành giỏi giang vẫn từ bỏ con đường học vấn vì bị cuốn hút bởi viễn cảnh làm giàu nhanh chóng. Tư tưởng "chỉ cần có tiền là đủ" dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ. Hệ quả là nguồn lao động tri thức cho đất nước ngày càng suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân công trong nước.
Lời cảnh tỉnh
Chuyên gia Hồ Tuấn Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cảnh báo về xu hướng ngày càng tăng của giới trẻ lựa chọn xuất khẩu lao động thay vì tiếp tục con đường học vấn. Ông cho rằng: “Khi đã lựa chọn việc xuất khẩu lao động để kiếm tiền, các bạn trẻ cũng phải xác định là đi làm thuê cho ông chủ nào đó để hình dung những khó khăn, vất vả. Tuyệt đối đừng ảo tưởng đến một xứ sở thiên đường nào đó sẽ có việc nhẹ, lương cao.”
Đồng thời, thực trạng này chỉ rõ sự bất cập trong giáo dục nhận thức cho học sinh cấp 3. Sự hấp dẫn của tri thức không đủ sức giữ chân các em, giảng đường đại học trở thành nơi chỉ “tốn tiền”. Và Việt Nam trở thành thị trường lao động kém hấp dẫn, ít cơ hội việc làm, đồng lương “bèo bọt”.
Ngoài những vấn đề về lao động và giáo dục, thực trạng giới trẻ chọn xuất khẩu lao động còn phản ánh một khoảng trống trong việc xây dựng các chính sách phát triển nghề nghiệp bền vững tại Việt Nam. Dù thị trường lao động trong nước đang thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, nhưng nhiều bạn trẻ lại cảm thấy không có đủ cơ hội để phát triển.
Các ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao chưa thực sự thu hút hoặc không được đánh giá đúng mức. Điều này khiến họ dễ dàng bị cuốn vào viễn cảnh làm giàu nhanh chóng từ việc đi lao động ở nước ngoài mà không nhận thức đầy đủ về những khó khăn, thử thách mà họ sẽ phải đối mặt. Việc này đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, cần có những giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường giáo dục và tạo cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho giới trẻ ngay trong nước.
Phản hồi