Nhóm sinh viên chia sẻ, ý tưởng cho dự án xuất phát từ mong muốn đưa khán thính giả trở về một Hà Nội trong quá khứ xa xôi, nhìn nhận lại các địa danh nổi tiếng như Hồ Gươm, phố cổ, hay ga Hàng Cỏ – những nơi đã gắn liền với các tác phẩm văn học của Thạch Lam, Nguyên Hồng, Tản Đà…
Tình yêu và sự tận tâm với Thủ Đô
“Hà Nội không chỉ là nơi sinh sống và học tập, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận trong văn học và nghệ thuật,” Ngọc Linh chia sẻ “Chúng mình muốn từ tâm huyết và đam mê, lan toả tình yêu này đến với các bạn trẻ và những ai quan tâm đến Hà Nội.”
Podcast “Kinh kỳ thuở ấy văn thơ” khai thác những địa danh gắn liền với lịch sử và văn học, và truyền tải qua cách kể chuyện mộc mạc, gần gũi. Mỗi tập là hành trình tìm hiểu một địa danh tại thủ đô. Thảo Nguyên, thành viên của dự án mong rằng podcast sẽ giúp khán giả nhận thấy Hà Nội không chỉ là cái tên, mà còn là ký ức, là linh hồn của người dân.
Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Dự án không chỉ khai thác lịch sử hay địa lý của Hà Nội, mà còn là một sự đối chiếu giữa Hà Nội xưa và nay. Từ đó, khán giả nhận thấy rằng, dù thành phố đã thay đổi nhiều, vẻ đẹp và hồn cốt của Hà Nội vẫn vẹn nguyên, trường tồn. Những con chữ xưa cũ ấy, dưới góc nhìn hiện đại, vẫn giữ nguyên giá trị, làm nổi bật vẻ đẹp bất biến của Hà Nội.
Trong một tập podcast về phố cổ Hà Nội, nhóm đã dẫn dắt người nghe qua những con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, với các trích đoạn từ “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam. Không chỉ kể lại câu chuyện của những hàng quán và cuộc sống nơi đây qua góc nhìn văn học, nhóm còn đối chiếu với Hà Nội ngày nay, để thấy rõ sự thay đổi qua từng lớp thời gian. Cách khai thác này đã giúp khán giả trẻ dễ dàng hình dung và kết nối hơn với lịch sử, văn hóa Hà Nội.
Ngoài ra, trong hai tập đặc biệt của dự án "Kinh kỳ thuở ấy văn thơ," các khách mời Nam Thi - Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa, và TS. Trần Ngọc Hiếu, Giảng viên chuyên ngành Văn học so sánh và Lý luận phê bình tác phẩm văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đem đến những góc nhìn sâu sắc về mối liên hệ giữa Hà Nội và văn hóa, qua đó càng làm sâu đậm tình yêu của thế hệ trẻ với thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hành trình chạm trái tim
Từ khi ra mắt, “Kinh kỳ thuở ấy văn thơ” đã nhận được phản ứng tích cực trên các nền tnagr phát sóng. Nhiều thính giả bày tỏ rằng, podcast không chỉ mang đến lịch sử và văn hóa Hà Nội mà còn giúp khám phá những “góc nhỏ”chưa ai biết.
Bên cạnh đó, dự án cũng nhận được sự chú ý từ các tổ chức và đơn vị chuyên môn như Tri Thức Trẻ Books. Đây là khởi đầu đầy ấn tượng của “Kinh kỳ thuở ấy văn thơ” khi bước vào lĩnh vực truyền thông và xuất bản chuyên nghiệp.
Không phải hành trình nào cũng dễ dàng
Để thực hiện được podcast, nhóm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như tìm kiếm tài liệu, phân tích văn bản, hay thậm chí là làm quen với các thiết bị ghi âm, chỉnh sửa âm thanh. Song, đây cũng là hành trình đáng nhớ của các thành viên tham gia dự án.
Một trong những thử thách với nhóm là làm sao để nội dung không quá học thuật mà vẫn giữ được tính chuyên sâu. Nhóm đã quyết định chọn lối dẫn chuyện tự nhiên, gần gũi, lồng ghép các thông tin quan trọng để tạo nên sự cân bằng giữa kiến thức và cảm xúc, kết hợp giữa hình thức phỏng vấn và hoạt cảnh nhằm đảm bảo tính sinh động và chân thực.
“Kinh kỳ thuở ấy văn thơ” không chỉ là một dự án podcast về Hà Nội mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu của người trẻ với thủ đô. Bằng cách kết hợp giữa văn học và truyền thông hiện đại, nhóm sinh viên đã thổi một luồng gió mới vào cách tiếp cận lịch sử, văn hóa.
Hành trình của “Kinh kỳ thuở ấy văn thơ” hứa hẹn sẽ đi xa hơn nữa với sự ủng hộ từ cộng đồng. Đây chính là bước đệm để người trẻ không chỉ yêu hơn những giá trị xưa cũ mà còn có trách nhiệm gìn giữ và phát huy vẻ đẹp ấy trong thời đại mới.
Theo dõi dự án và các tập phát sóng chính thức của Podcast Kinh kỳ thuở ấy văn thơ trên các nền tảng:
Youtube: KINH KỲ THUỞ ẤY VĂN THƠ
Fanpage: Kinh Kỳ Thuở Ấy Văn Thơ
TikTok: @kinhkythuoayvantho
Spotify: KINH KỲ THUỞ ẤY VĂN THƠ
Phản hồi