Danh mục Thứ Hai, 31/03/2025

Tiêu điểm \

Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia: “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn”   

12:03 27-03-2025
Sáng ngày 27/03, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa với chủ đề: “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn”.
  Quang cảnh Hội thảo có sự tham gia từ các sinh viên, học viện khác nhau.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS.  Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS. Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân; GS, TS. Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân. Bên cạnh đó, tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, nhà báo đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông trên cả nước.

  Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp “phòng ngừa từ gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai trong thời gian qua”.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn hy vọng, những ý kiến trao đổi của các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ gợi mở thêm những hướng tiếp cận mới, thiết thực và hiệu quả để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục liêm chính trong toàn hệ thống chính trị và xã hội nói chung cũng như Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng.

  PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng Hội thảo.

Hội thảo nhận được 170 bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đang công tác tại nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Hội thảo đã nghe Thiếu tướng, PGS, TS. Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu khai mạc Hội thảo; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo Đề dẫn Hội thảo và nhiều tham luận, ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học.

 Thiếu tướng, PGS, TS. Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu khai mạc Hội thảo 

 

 PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Các nhà khoa học nhận định rằng, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục liêm chính gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả tích cực. Những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức lẫn hành động không chỉ lan tỏa trong xã hội mà còn thấm sâu vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng qua nhiều thời kỳ, được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đồng thời, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục liêm chính như một giải pháp phòng ngừa mang tính chiến lược, góp phần xây dựng một nền hành chính công trong sạch, minh bạch.

  Đại tá, TS. Phan Văn Bé, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an tham luận về “Vai trò của giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay ở Việt Nam”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một số lĩnh vực được nhận định vẫn còn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có nơi còn chưa đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về vai trò của công tác giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chưa hình thành được một cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ hiệu quả giáo dục liêm chính cũng như bộ tiêu chí để đo lường “liêm chính” ở các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước. Phương pháp giáo dục đạo đức liêm chính ở một số nơi vẫn còn nặng về lý thuyết, giáo điều, thiếu gắn kết với thực tiễn công vụ, khiến nội dung giảng dạy trở nên khô cứng, thiếu sức thuyết phục và chưa đủ sức lay động đến ý thức đạo đức và tinh thần trách nhiệm của người học…
Sau hơn 3 giờ làm việc với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm của các nhà khoa học, Hội thảo “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn” đã thành công tốt đẹp.

 GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết Hội thảo.

Tổng kết Hội thảo, GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính.
GS, TS. Lê Văn Lợi cho biết, kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, các cơ quan cấp trên, các ban, ngành, cơ quan hữu quan, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, góp phần tạo xung lực mới cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới.

 Ban Tổ chức Hội thảo và các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Nguyễn Thành  - CJC

Phản hồi