Danh mục Thứ Tư, 02/04/2025

Tiêu điểm \

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: “Viết vì sự phát triển của con người, đất nước, vì sự đi lên của Việt Nam”

19:20 23-03-2025
Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1976), nhà báo công tác tại Báo Quân đội nhân dân, không chỉ được biết đến là một cây bút “đi nhiều, viết khỏe” mà còn là một người am hiểu sâu sắc về đời sống quân ngũ. Ông đã phóng ngòi bút đi đến những nơi tận cùng tổ quốc, từ trên không trung dưới mặt đất, để viết lên những câu chuyện sinh động, chân thực nhất về những người lính trong thời bình

Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho nghề, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã không ngừng tìm tòi, khám phá và cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí ấn tượng như “Cuộc chiến với “ả phù dung” vùng biên ải “Những người lính phòng thủ bờ biển”, “ Hoa trên sóng”, “ Vinh quang và những giọt mồ hôi”... Nhân dịp trò chuyện cùng ông, phóng viên đã có cơ hội trao đổi về những kinh nghiệm làm nghề, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi con đường báo chí.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng. ( Ảnh: NVCC) 

PV: Ông có thể chia sẻ về cơ duyên đến với nghề báo của mình không?

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: Tôi đến với nghề báo rất vô tình. Năm 2011, khi đang là trợ lý của Phòng Chính trị, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần và nay là Cục Xe máy-Vận tải- Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật thì tôi được đồng chí Ngô Anh Thu, Phó trưởng phòng Báo QĐND Điện tử và hiện nay là Phó Tổng biên tập Báo QĐND đến gặp và mời về làm phóng viên. Tôi nhận lời và đầu năm 2012 tôi chính thức làm lính Nhà số 7. Trước đó thì tôi cũng đã viết và từng có nhiều bài in chung ở hai cuốn sách. Có lẽ đó cũng là cơ sở để tôi dám bước chân vào “làm nghề tay trái”.

PV: Khi mới bước chân vào nghề, ông đã gặp phải những khó khăn gì? Trong sự nghiệp của mình, ông đã đi rất nhiều nơi tác nghiệp tại nhiều địa điểm, đến những nơi tiền tiêu, tuyến đầu của tổ quốc không biết ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất không? 

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: Khi về báo, cái khó với tôi xuất hiện nhiều hơn. Tôi phải tự học và đọc rất nhiều để có kiến thức, kỹ năng, phương pháp của một nhà báo. Nhưng khó khó khăn lớn nhất của tôi là sự thích nghi môi trường. Môi trường làm báo rộng hơn, đa dạng hơn và cũng có nhiều cái tốt xấu đan xen đòi hỏi tôi phải thay đổi suy nghĩ, thậm chí từ bỏ những cái vốn ăn sâu trong đầu và thói quen tích lũy từ ngày nhập ngũ. Ngay cả bây giờ, đôi khi tôi vẫn chưa thích nghi được với môi trường ấy.    

Kỷ niệm làm báo thì có rất nhiều và cái nào cũng đáng nhớ cả. Ở đây tôi chỉ xin kể lại một câu chuyện về sự kiên trì của mình. Năm 2014, để phục vụ cho công việc làm báo mà chỉ huy phòng giao, tôi đã nhờ bạn bè các đơn vị sưu tầm và đưa từ nhà lên tòa soạn 1 bao sách tài liệu. Tôi phải chở bằng xe máy từ Tam Điệp - Ninh Bình lên tòa soạn, trên đường đi vô tình gặp mưa và sách bị ướt rất nhiều. Tôi phải mang nó về và phơi mất nhiều ngày mới khô. Cũng may là không phải bỏ đi cuốn nào. Vốn dĩ ham đọc nên nghề báo càng cho tôi động lực để đọc. Vì thực ra làm nghề tay trái, không qua trường lớp nên tôi phải mua sách nghiệp vụ về đọc, qua đó tìm ra phương pháp làm việc của riêng mình.  

PV: Thành tựu mà ông cảm thấy tự hào nhất trong sự nghiệp làm báo của mình là gì?

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: Nhiều người tự hào về giải thưởng báo chí. Tôi có một số giải thưởng, nhưng tôi cũng xem đó là bình thường và mang tính động viên là chính. Cái tôi tự hào nhất đó là chiến thắng mình, kiên quyết không cho mình thỏa mãn dừng lại trên “xa lộ thông tin”. Đấy là cơ sở để tôi là cho ra nhiều tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, hơi thở thực tiễn chứ không phải là sản phẩm báo chí như xu hướng mà nhiều người đang theo đuổi. 

Tự hào thứ hai là tôi có thể viết được nhiều đề tài. Có thể là tiểu phẩm, ký sự, phóng sự, chính luận, bài nghiên cứu… trên nhiều loại đề tài khác nhau, kể cả khó như khoa học công nghệ, kỹ thuật quân sự và tác chiến, nghệ thuật quân sự, nhất là khoa học ứng dụng. Tự hào thứ ba là nó cho tôi cơ hội để làm người đúng nghĩa vì nghề báo yêu cầu tôi phải làm việc liên tục, phải luôn đổi mới cách viết, cách tiếp cận vấn đề để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Bạn biết đấy, các cụ nói, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi được đi nhiều nên có nhiều “sàn khôn”. Tôi không giữ cho mình mà đưa nó lên “xa lộ thông tin” để mọi người cùng khôn. Tự hào thứ tư trong nghề báo của tôi là được độc giả tin tưởng và đón nhận. Họ đã cho tôi các góp ý với từng tác phẩm báo chí đã xuất bản. Thông qua đó tôi điều chỉnh cách viết, điều chỉnh lượng thông tin trong mỗi tác phẩm phù hợp.   

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà báo của Báo Quân đội nhân dân tham dự lễ trao giải Báo chí Toàn quốc lần thứ 3. ( Ảnh: NVCC) 

PV: Trong bối cảnh hiện nay, khi không ít nhà báo có xu hướng chạy theo dư luận hoặc mạng xã hội để thu hút sự chú ý, theo ông, làm thế nào để nhà báo vừa thể hiện được tính khách quan vừa đảm bảo trách nhiệm định hướng dư luận một cách hiệu quả?

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: So với trước đây, trình độ nhận thức xã hội đã cao hơn rất nhiều. Người dân đã hướng tới nghiên cứu luật pháp nhiều hơn. Họ nghiên cứu luật và làm theo đúng quy định pháp luật. Thế nên, việc chạy theo xu hướng các vụ như “cướp, giết, hiếp” để tăng view, tăng lượng truy cập sẽ không còn là xu thế tương lai của báo chí. 

Muốn đưa tin, viết bài một cách trung thực, khách quan thì rõ ràng nhà báo phải bám vào luật pháp, am hiểu về lĩnh vực mình được giao nhiệm vụ, bám vào các chuyên gia, sự kiện để có cái nhìn vừa toàn diện vừa có chiều sâu. Ví dụ, nhiều cán bộ ở các địa phương muốn “quảng cáo” thành tích tuyển quân nên báo là 100% công dân viết đơn nhập ngũ. Là nhà báo ít kinh nghiệm thì sẽ lấy đó làm thông tin để viết, đăng bài. Còn tôi thì khác, tôi sẽ hỏi xem họ viết đơn tình nguyện nhập ngũ ở thời điểm nào. Nếu họ viết vào tháng 12, tháng 1 của năm sau gần ngày nhận được Lệnh gọi nhập ngũ thì không đúng. Bởi lúc ấy họ đã nằm trong danh sách khám tuyển rồi, tức là họ đã đi khám tuyển lần 1, lần 2… theo quy định của luật và các văn bản dưới luật ở lĩnh vực này. Họ là đối tượng nhập ngũ theo luật định nên có viết đơn hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Bởi theo tôi, chỉ khi viết đơn tình nguyện từ lúc chưa được đưa vào danh sách mới có ý nghĩa giáo dục tuyên truyền. Từ đây, tôi phát hiện ra một thói làm việc hết sức mánh khóe của cán bộ các địa phương. Thấy công dân đã trúng tuyển thì động viên họ viết đơn tình nguyện để có thành tích và để báo cáo, khoe với cấp trên. Như vậy, nếu nhà báo chạy theo ý của họ mà viết bài là vô tình đưa thông tin chưa chính xác đến bạn đọc. Nói theo cách khác, đó là vô tình lừa dối bạn đọc. Muốn được bạn đọc yêu quý, đón nhận thì cái chính là bản thân nhà báo phải truyền tải được thông tin chính xác và thông tin định hướng một cách tích cực. Đây chính là cách tốt nhất để thực hiện chức năng cao quý của báo chí và niềm vinh hạnh của những người làm báo chân chính. 

PV: Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, ông nhận thấy báo chí đã thay đổi như thế nào và nhà báo cần những kỹ năng gì để theo kịp xu hướng báo chí đa phương tiện?

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: Thời đại số phát triển thì việc thu thập thông tin dễ dàng hơn, đa chiều hơn, nhanh hơn. Người làm báo có nhiều công cụ tiện ích để làm nghề. Nhưng nó cũng khiến nhà báo dễ thỏa hiệp và rút ngắn quá trình “sản xuất tác phẩm báo chí” bằng phương pháp copy, lấy thông tin của người khác, báo khác làm của mình. Việc này nhẹ nhàng, không mất sức. Tôi gọi đó là những “nhà báo phòng lạnh”. Đó là những bài báo thiếu đạo đức. 

Tôi nghĩ và thực hiện phương châm, viết ngắn, viết sâu, viết giản dị, dễ hiểu và viết vì sự phát triển của con người, đất nước, vì sự đi lên của Việt Nam. Thế nên tôi viết cái người ta chưa viết, khai thác cái người ta chưa đề cập. Muốn vậy tôi phải đi, phải lao vào thực tiễn phải nghe nhân vật kể và phải kiểm chứng hành động của nhân vật thì mới có cảm xúc, ý tưởng để viết. Không biết là những điều tôi nói ở trên có đúng với các nhà báo chân chính, nhiều kinh nghiệm không?

PV: Với nhiều trải nghiệm sâu sắc với nghề, ông có thể chia sẻ những bài học quý giá để giúp các nhà báo trẻ vững vàng hơn trên con đường phía trước không?

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng: Tôi nghĩ, nhà báo nên hòa mình với xã hội, quan hệ thật tốt với tất cả mọi đối tượng để lấy thông tin. Chắt lọc thông tin để viết từng thể loại cho phù hợp. Dù viết bài phê bình hay bài phản ánh, khen ngợi thì cũng phải dùng câu từ cho chính xác. Cái quý ở nhà báo là sự phát hiện ra thông tin mới, chi tiết và nhân tố mới. Cái đó giúp cho người viết báo nuôi dưỡng tình yêu với nghề. Nếu lấy mục tiêu làm báo để giàu có về kinh tế thì chẳng nên làm nghề báo. Còn nếu lấy làm báo để có nhiều bạn, để cho xã hội tốt đẹp và để trở thành một con người cống hiến thực sự thì nên theo và theo đến cùng. Tôi đang làm theo cái đó. Không biết điều ấy có là nhận thức chung của nhà báo hay không?. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Minh Đức - Vũ Phương Anh

Phản hồi