Danh mục Thứ Tư, 02/04/2025

Tiêu điểm \

Gieo sắc đá, gặt niềm tin

22:00 25-03-2025
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam, nghề làm tranh đá quý đang mở ra hướng đi phù hợp cho nhiều học viên - những người từng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nghề nghiệp và hòa nhập cộng đồng.

Sản phẩm tranh đá quý tại Trung tâm. (Ảnh: Thu Hằng)

Quy trình làm tranh được tổ chức bài bản, từ chọn nguyên liệu, phân loại đá theo màu sắc, mài nhỏ đến sắp đặt và đính đá theo mẫu thiết kế. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều về thể lực, phù hợp với người khuyết tật khi họ được hướng dẫn kỹ lưỡng và có thời gian rèn luyện.

Các công đoạn chế tác đá quý thủ công. (Ảnh: Thu Hằng) 

Tại xưởng tranh của trung tâm, mỗi học viên đều được phân công công việc cụ thể, phù hợp với khả năng và mức độ tiến bộ của mình. Người mới bắt đầu sẽ tập trung vào phân loại, làm sạch và nghiền nhỏ đá. Khi đã quen tay, họ được hướng dẫn cách phối màu và sắp xếp bố cục theo mẫu định sẵn. Một số học viên có năng khiếu còn được khuyến khích thử sức ở khâu sáng tạo, thiết kế hoặc xử lý chi tiết khó.

“Khác với các ngành nghề cần sức khỏe hoặc vận động linh hoạt, nghề làm tranh đá phù hợp với những bạn có khả năng quan sát, kiên trì và cẩn thận. Chúng tôi thiết kế chương trình học theo từng giai đoạn, mỗi bạn sẽ bắt đầu từ thao tác cơ bản nhất như phân loại màu đá, sau đó mới chuyển sang khâu đính và tạo hình,” anh Tân - giáo viên hướng dẫn chia sẻ.

Anh Tân giới thiệu các sản phẩm tranh tại Trung tâm. (Ảnh: Thu Hằng) 

Thông thường, học viên cần khoảng ba đến sáu tháng để nắm vững kỹ thuật cơ bản. Với những bạn có năng khiếu hoặc đam mê, thời gian có thể rút ngắn hơn. Cũng theo anh Tân, điều quan trọng không nằm ở tốc độ học mà ở sự ổn định tâm lý và niềm tin vào bản thân trong suốt quá trình rèn nghề.

Sau khi hoàn thiện, tranh đá quý được trưng bày và bán tại chính Trung tâm, tham gia các hội chợ thủ công mỹ nghệ, triển lãm nghề truyền thống và một số cửa hàng lưu niệm tại Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm cũng được giới thiệu qua kênh trực tuyến và nhận làm theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Dù quy mô chưa lớn, nhưng đầu ra ổn định đã góp phần khích lệ tinh thần học viên, đồng thời tạo ra một phần nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động đào tạo nghề.

Nghề làm tranh đá quý không chỉ giúp các học viên có thêm kỹ năng mà còn là điểm tựa tinh thần với nhiều người từng sống khép mình. Mang trong mình căn bệnh thiểu năng trí tuệ, anh Hùng từng trải qua thời gian dài sống thu mình, phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình và gần như không tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào. Gần hai năm nay, đều đặn mỗi ngày, anh đến Trung tâm từ sáng sớm, ngồi gò lưng trên sàn để đập nhỏ từng viên đá – công đoạn đầu tiên trong quy trình làm tranh đá quý.

“Ở đây có việc làm, có cô dạy, có bạn bè. Làm việc mình thấy vui, thấy mình làm được,” anh Hùng nói ngắn gọn rồi tiếp tục công việc với chiếc búa quen thuộc. Với anh, được làm việc là cách để rèn luyện bản thân và thấy mình có ích – điều trước đây anh chưa từng nghĩ đến. Việc tạo ra sản phẩm hữu ích, dù là công đoạn nhỏ, cũng giúp anh từng bước hòa nhập, có thói quen sinh hoạt đều đặn và không còn cảm giác mình bị bỏ lại phía sau.

 Anh Hùng đang tỉ mỉ đập nhỏ từng viên đá trong quá trình sản xuất. (Ảnh: Thu Hằng)

Không chỉ là nơi đào tạo kỹ năng, Trung tâm còn tạo dựng một môi trường làm việc thân thiện, nhiều hỗ trợ và tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân. Với sự đồng hành của đội ngũ giáo viên, cán bộ tâm lý và tình nguyện viên, mỗi học viên được xem như một phần của tập thể – nơi họ không bị đánh giá bởi khuyết tật mà được nhìn nhận bằng chính nỗ lực và khả năng của mình.

Từ những thao tác thủ công tỉ mỉ đến thay đổi trong cách nghĩ và hành xử, nghề tranh đá quý đang mở ra hướng đi bền vững cho người khuyết tật. Không chỉ học nghề, họ đang từng bước học cách sống tự lập, có trách nhiệm và tin vào chính mình.

Khánh Chi

Phản hồi