Danh mục Chủ Nhật, 29/09/2024

Tiêu điểm \

Sai lầm trong lựa chọn ngành nghề: Hậu quả và giải pháp

22:00 10-06-2024
Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn ngành học theo phong trào, mong muốn của gia đình hoặc áp lực từ môi trường xã hội. Điều này vô tình dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên lựa chọn sai ngành, gây ảnh hưởng lớn đến tương lai.

Vào mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện về việc chọn ngành, trường Đại học luôn trở thành đề tài nóng, nhận được sự quan tâm của hầu hết các sĩ tử ôn thi trung học phổ thông Quốc gia. 

Theo khảo sát của một Trung tâm dự báo nhân lực, năm 2019, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành mà mình chọn học; 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ; 75% thiếu hiểu biết và đặc biệt có tới 60% tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học. Thậm chí, nhiều bạn học sinh không khai phá được giá trị thực sự của bản thân, dễ bị lôi kéo bởi những xu hướng nghề nghiệp phổ biến: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing,... dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường. 

Học sinh đến các buổi tư vấn hướng nghiệp để có thông tin chi tiết, đầy đủ hơn về ngành nghề lựa chọn. (Ảnh: CLB Mạch Nguồn Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Một khảo sát khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy 65,4% sinh viên năm thứ nhất chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không có định hướng sau tốt nghiệp. Bởi vậy, khi làm việc trong ngành không phù hợp với sở thích, kỹ năng và giá trị cá nhân, các bạn trẻ mất niềm vui và hứng thú trong công việc hàng ngày. 

Nhật Quang (23 tuổi, Nam Định) đã tốt nghiệp Đại học được một năm nhưng chưa tìm được công việc đúng theo lĩnh vực Hóa học và Môi trường. “Trước đây mình lựa chọn ngành học này vì điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia, không như ý muốn. Bốn năm học Đại học, điểm các môn của mình không cao, đi thực tập mấy lần đều không đạt kết quả tốt. Mình ra trường với tấm bằng trung bình, tìm các công việc đúng chuyên ngành nhưng mức lương không như kỳ vọng, thậm chí phải làm thêm hai việc khác để đủ nuôi sống bản thân”.

Tự nhận thấy bản thân không phù hợp với lĩnh vực theo học, Quang luôn gặp khó khăn trong quá trình làm việc: “Mình cảm thấy hiệu suất làm việc không đảm bảo, khi nhận công việc cấp trên giao thì không hoàn thành, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để tiến xa hơn trong lĩnh vực chuyên môn và gặp khó khăn trong việc thăng tiến và thay đổi sự nghiệp”, Quang nói. Sau sáu tháng làm việc, Quang quyết định tạm dừng công việc hiện tại và học thêm về nhiếp ảnh với hy vọng tìm kiếm được sự lựa chọn phù hợp hơn hơn với bản thân. 

Tương tự, Minh Thu (25 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm công việc tư vấn bất động sản dù trước đây theo học ngành Du lịch. Thu tâm sự: “Khi học phổ thông, tôi lựa chọn ngành này theo phong trào chứ không có định hướng cụ thể. Sau khi học xong năm thứ nhất, tôi không có hứng thú học tập, càng phân vân và lo lắng không biết có nên đổi sang ngành học khác hay không”.

Lo sợ nếu lựa chọn lại sẽ mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, Minh Thu quyết định theo học hết bốn năm Đại học, ra trường với tấm bằng Khá, tìm rất nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực Du lịch nhưng thu nhập không như ý muốn. Thu đành quyết định chuyển sang làm bất động sản. “Trước đây mình cứ nghĩ chọn bừa ngành học kiểu gì ra trường cũng có việc làm, nhưng bây giờ mình hiểu rằng việc chạy theo xu hướng của xã hội, chọn sai ngành sẽ không phát huy được hết năng lực của bản thân ”, Thu cho biết.

Mùa tuyển sinh 2024 đang đến gần, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến cáo để học sinh tránh mắc phải những sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp. Trao đổi với PV về vấn đề này, TS Nguyễn Nữ Mỹ Hà (Giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh) nhận định: “Các trường đại học cần cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ về các ngành học và cơ hội nghề nghiệp sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về hướng đi của mình. Đồng thời, việc tổ chức các buổi thảo luận, workshop và sự kiện liên quan đến ngành nghề cũng cung cấp kiến thức về các lĩnh vực mà họ quan tâm”.

TS Nguyễn Nữ Mỹ Hà chia sẻ về những giải pháp giảm thiểu tỷ lệ sinh viên lựa chọn sai ngành. (Ảnh: NVCC)  

TS Mỹ Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của công tác hỗ trợ sinh viên xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển kỹ năng, lập kế hoạch dài hạn, tăng cường tư vấn, hoạt động khám phá ngành nghề, xây dựng kế hoạch sự nghiệp, cung cấp thông tin và hỗ trợ về thay đổi ngành, giúp sinh viên giảm thiểu tình trạng chọn sai ngành.

TS Nguyễn Thị Như Huế (Phó Trưởng ban Quản lý Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có kinh nghiệm nhiều năm phụ trách giải đáp những thắc mắc về thông tin tuyển sinh, những kiến thức, kinh nghiệm trong việc chọn ngành, chọn trường.“Sinh viên cần dành thời gian để tự tìm hiểu về bản thân, bao gồm sở thích, kỹ năng, giá trị và mục tiêu sự nghiệp để hiểu rõ hơn về những gì mình thực sự muốn và phù hợp. Từ đó, mỗi cá nhân có thể tìm kiếm sự tư vấn từ gia đình, bạn bè, giáo viên và những người có kinh nghiệm để có cái nhìn khách quan và chi tiết hơn về lựa chọn ngành học”, TS Như Huế chia sẻ.

TS Như Huế đưa ra quan điểm về vai trò của nhà trường đối với việc lựa chọn ngành học của sinh viên hiện nay. (Ảnh: NVCC) 

Về phía ban lãnh đạo nhà trường, TS Như Huế khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, kiến tập trong lĩnh vực mà sinh viên theo học. Nhà trường có thể xây dựng các mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để cung cấp cơ hội thực tập, chia sẻ thông tin về các ngành nghề và cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng và thực tế hơn về ngành nghề mình muốn theo đuổi.

“Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chọn sai ngành cũng mang lại những hậu quả tiêu cực. Đôi khi, nó có thể mở ra cơ hội khám phá những mối quan tâm mới và là bước tiến cho sự phát triển cá nhân. Quan trọng là làm thế nào để bạn đối diện và học hỏi từ những trải nghiệm này”, TS Huế nhấn mạnh.

Thắm Nguyễn - MĐT CLC K41

Phản hồi