Danh mục Thứ Năm, 05/12/2024

Tiêu điểm \

Phát huy vai trò của báo chí về thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị

13:00 28-11-2024
Sáng ngày 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm khoa học “Vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị”. Toạ đàm do Viện Báo chí - Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phối hợp tổ chức cùng Friedrich Ebert Stiftung (FES). Thông qua Toạ đàm, vai trò, trách nhiệm của báo chí về thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị tại Việt Nam được nhấn mạnh.

Tọa đàm đánh dấu sự khởi đầu cho hợp tác giữa Viện Báo chí - Truyền thông và Viện FES trong nỗ lực chung thúc đẩy truyền thông bình đẳng giới và bình đẳng giới trong chính trị trên báo chí, truyền thông. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, năng lực nghiên cứu và giảng dạy về bình đẳng giới và nhạy cảm giới trong truyền thông, đặc biệt là vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. 

Quang cảnh Toạ đàm khoa học với chủ đề “Vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị”.

Tại Toạ đàm khoa học, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung quan trọng: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị; Vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị: Thực trạng và những vấn đề đặt ra; Định hướng, giải pháp và khuyến nghị thúc đẩy vai trò của báo chí thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị ở Việt Nam thời gian tới.

Nhận thức tầm quan trọng của báo chí trong đẩy mạnh và phát huy tính dân chủ, gần 50 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo đã được gửi về Toạ đàm. Các tham luận đã nêu rõ báo chí có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy nhận thức cộng đồng hướng tới bình đẳng giới trong chính trị. 

PGS.TS Lê Thu Hà nhấn mạnh vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị.

Mặc dù báo chí Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc phản ánh các vấn đề về bình đẳng giới, song mức độ và chất lượng thông tin vẫn còn hạn chế. Số lượng tin, bài chuyên sâu còn ít, trong khi cách thức thể hiện và nội dung bài viết đôi khi vẫn còn chứa đựng định kiến giới. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra những thách thức mới cho báo chí trong việc truyền tải thông điệp về bình đẳng giới và bình đẳng giới trong chính trị.

Các ý kiến tại toạ đàm không chỉ đánh giá thực trạng và những thách thức hiện nay mà còn đề xuất các định hướng và giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí. Để phát huy hiệu lực của báo chí về bình đẳng giới trong chính trị tại Việt Nam hiện nay, các cơ quan báo chí cần tăng cường sản xuất các sản phẩm báo chí về bình đẳng giới trong chính trị, khai thác các tấm gương phụ nữ tiêu biểu tham gia chính trị để truyền cảm hứng cho xã hội, xây dựng các mô hình hay cách làm hiệu quả của phụ nữ trong hệ thống chính trị; nghiêm khắc kỷ luật, lên án đối với hành vi bất bình đẳng giới đối với phụ nữ tham gia chính trị…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Toạ đàm khoa học. 

Ngoài ra, Toạ đàm cũng đem đến cơ hội quý báu cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên của Viện trau dồi kiến thức và kỹ năng, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Trần Phương - CJC

Phản hồi