Trong những năm gần đây, thị trường buôn bán rùa quý hiếm ngày càng phát triển kể cả về số lượng, quy mô và hình thức kinh doanh. Hoạt động này diễn ra công khai từ mạng xã hội đến đời thực.
Với rất nhiều ưu điểm như giao dịch trực tuyến, khả năng kết nối từ xa và dễ dàng che giấu danh tính người dùng,… mạng xã hội đã trở thành một kênh trao đổi, buôn bán phổ biến các mặt hàng cấm, bao gồm động vật hoang dã như rùa.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua bán rùa” trên mạng xã hội Facebook, hàng loạt các nhóm như “Thế Giới Rùa Cảnh”, “Nuôi Rùa Cạn Cảnh Việt Nam”, “Cộng Đồng Rùa Nước Việt Nam”,... sẽ hiện ra, mỗi nhóm sở hữu từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên. Dù hoạt động công khai, nhưng bên trong lại có các quy tắc ngầm để lách luật.
Tại đây, các loại rùa quý hiếm được rao bán với nhiều mức giá khác nhau như rùa núi vàng, giá từ 600.000 - 900.000 đồng/con. Rùa sa nhân có giá từ 400.000 đồng/con. Có những loại rùa cỡ lớn thuộc hàng quý hiếm, mức giá có thể lên tới vài chục triệu đồng một con.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã kết nối với một người chuyên buôn bán rùa trên mạng. Người này tỏ ra sẵn sàng cung cấp thông tin về các loài rùa có sẵn, với giá dao động từ 1.500.000 đồng cho rùa Châu Phi nhỏ (size 6cm) đến 2.500.000 đồng cho các kích thước lớn hơn. Khi ngỏ ý muốn xem rùa trực tiếp, người này không ngần ngại chia sẻ địa chỉ cụ thể của cửa hàng tại Hà Nội và mời chúng tôi đến xem hàng.
Trong vai người có nhu cầu mua rùa, chúng tôi đã trực tiếp đến cửa hàng, chủ cửa hàng xác nhận chỉ còn rùa Châu Phi “baby size” với giá 1.800.000 đồng, còn nếu có nhu cầu mua kích cỡ lớn hơn sẽ phải đặt trước. Đối tượng liên tục thúc giục chúng tôi đặt cọc, đồng thời tỏ ra cảnh giác khi chúng tôi yêu cầu chụp ảnh, viện lý do rằng “dạo này có nhiều tổ chức giả mạo như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đang điều tra”. Điều này cho thấy đối tượng đã từng bị điều tra về hành vi buôn bán trái phép trước đó.
Ngoài ra, khi chúng tôi hỏi về giấy phép nuôi rùa, người bán dứt khoát trả lời: “không có giấy phép nuôi nhốt rùa”. Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán rùa của đối tượng này là bất hợp pháp bởi rùa Châu phi (sulcata) động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Khi muốn được nuôi các loại rùa quý hiếm vì mục đích thương mại thì bản thân trang trại cũng như người cung cấp, bán rùa phải được cấp phép, có đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp với cơ quan quản lý CITES cho từng cá thể rùa. Không những thế, lời khẳng định này đã cho thấy rõ sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã và sự tinh vi trong việc lách luật của người kinh doanh.
Có thể thấy, mặc dù không có giấy phép nuôi nhốt hợp pháp thế nhưng bằng những thủ thuật tinh vi, nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên trao đổi, buôn bán các loại rùa nguy cấp, đe dọa đến sự đa dạng sinh học của loài vật này.
Tuy nhiên, việc phát hiện và “bắt tại trận” các vụ buôn bán rùa quý hiện nay cũng trở nên khó khăn hơn trước, bởi những thủ đoạn tinh vi của các tay buôn. Lợi dụng “lỗ hổng” của các trang mạng xã hội, sự đa dạng về cách thức đăng tải bài viết trên các nền tảng số, cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán hay phương thức thanh toán để lách luật, dẫn đến việc kiểm soát quảng cáo buôn bán những động vật quý hiếm cũng trở nên chông gai hơn.
Trước lợi nhuận khủng của các giao dịch buôn bán bất hợp pháp này mang lại cùng ham muốn trục lợi từ trào lưu nuôi rùa cảnh của người dân, các tay buôn cũng bất chấp “truy lùng” không chỉ dừng lại ở những giống rùa quý hiếm tại Việt Nam mà còn tìm kiếm các giống rùa nguy cấp, quý hiếm trên toàn thế giới từ các quốc gia nằm ở các khu vực khác nhau tại Châu Phi, Châu Mỹ,... Sau đó, tìm cách nhập khẩu bằng nhiều con đường có thể là hợp pháp hoặc bất hợp pháp để đưa mặt hàng “xâm nhập” vào Việt Nam, rồi thực hiện mục đích buôn bán chuộc lợi, kiếm lợi nhuận về cho bản thân.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Thắng, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu việc buôn bán các giống rùa quý hiếm chương trình bảo tồn Châu Á đã thường xuyên phối hợp với cơ quan Nhà nước để tổ chức các lớp tập huấn về năng lực thực thi pháp luật bao gồm hoạt động nhận dạng rùa quý, hiếm; điều tra về buôn bán rùa và chăm sóc cứu hộ ngay từ bước đầu cũng như kết nối với trung tâm cứu hộ gần nhất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực khác nhau về vấn đề nuôi, nhốt rùa quý hiếm trái phép.
Trao đổi với PV về tình trạng này, luật sư Nguyễn Hải Linh - Công ty Luật TNHH ABA LAW cho biết: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, rùa quý hiếm thuộc danh sách động vật hoang dã, nguy cấp và cần bảo vệ. Việc buôn bán hoặc nuôi nhốt các loại rùa này nếu không có giấy phép, chứng từ hợp pháp từ cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật.”
Hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 16 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi trên.
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng lên đến 400.000.000 đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh, trường hợp vi phạm vượt mức xử lý hành chính nêu trên sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung 2017 với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp; quý, hiếm. Tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm, người bị xử phạt sẽ bị xử phạt theo các mức phạt khác nhau.
Nhóm sinh viên MĐT41
Phản hồi