PV: Điều gì đã khơi nguồn niềm đam mê hội họa trong Vũ, đặc biệt là thể loại tranh chân dung truyền thần?
Thế Vũ: Từ nhỏ, mình đã rất thích vẽ, thường say sưa phác họa lại những nhân vật trong truyện tranh mà mình yêu thích. Nhưng vì xuất thân từ gia đình làm nông, không ai theo đuổi nghệ thuật nên mình không có định hướng rõ ràng từ sớm. Mãi đến khi internet phát triển, mình mới tình cờ biết đến tranh chân dung truyền thần và bắt đầu thử sức. Ban đầu, chỉ đơn giản là tò mò, nhưng càng vẽ, mình càng cảm thấy gắn bó, dần nhận ra đây không chỉ là một sở thích mà còn là thế mạnh của bản thân. Phải đến khoảng năm lớp 10 - 11, mình mới thực sự ý thức được điều đó.
Dù vậy, vào thời điểm ấy, mình vẫn chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi hội họa một cách chuyên nghiệp. Khi chọn ngành học đại học, mình quyết định theo ngành Kiến trúc tại Đại học Duy Tân - Đà Nẵng, đơn giản vì nghĩ rằng nếu thích vẽ thì có lẽ sẽ hợp với ngành này. Nhưng khi bắt đầu học, mình mới nhận ra rằng bản thân không thực sự giỏi và cũng không tìm thấy sự kết nối với lĩnh vực này. Chính trong những năm đại học, khi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với hội họa, mình mới dần xác định được con đường phù hợp với bản thân.
PV: Trong rất nhiều chất liệu hội họa như bút chì, sơn dầu, màu nước..., tại sao Vũ lại chọn bút bi - một chất liệu đầy thử thách để theo đuổi?
Thế Vũ: Mình luôn bị cuốn hút bởi những điều khác biệt và đầy thử thách – và bút bi chính là chất liệu mang lại cho mình cảm giác đó. Càng khó, mình càng muốn chinh phục. Khi bắt đầu tìm hiểu, dù biết đã có nhiều người vẽ bút bi rất xuất sắc, mình vẫn muốn thử xem liệu mình có thể làm chủ chất liệu này hay không.
Điều khiến mình thực sự yêu thích bút bi chính là sự tỉ mỉ mà nó đòi hỏi. Bút bi sạch sẽ, không phải mất công gọt như bút chì, tuy nhiên thách thức ở chỗ giới hạn màu sắc, sự bất ổn của mực và nguy cơ lỗi chỉ với một cái chạm không đúng. Không như màu nước hay sơn dầu có thể pha trộn sắc độ, bút bi chỉ giới hạn trong khoảng 10 màu cố định. Người vẽ buộc phải kiểm soát lực tay một cách chính xác để tạo ra các sắc độ mong muốn. Đặc biệt, bút bi không cho phép tẩy xóa, một khi đặt bút xuống là không có cơ hội sửa sai. Một cái thở mạnh hay một lần quên lau đầu bút cũng có thể làm hỏng cả tác phẩm, nên từng nét vẽ đều phải được tính toán cẩn thận.
Thời gian đầu, mình mắc lỗi rất nhiều, thậm chí có những bức gần hoàn thiện nhưng chỉ một sơ suất nhỏ cũng phải bỏ đi. Nhưng chính những khó khăn đó lại càng khiến mình kiên trì hơn. Gần 10 năm theo đuổi đam mê này, mình đã có thể kiểm soát tốt hơn từng nét vẽ, giảm thiểu sai sót và quan trọng hơn, mình đã tìm ra những kỹ thuật riêng để khắc phục lỗi mà không cần đến tẩy xóa. Bây giờ, mỗi khi cầm bút, mình không chỉ vẽ bằng kỹ thuật, mà còn bằng sự thách thức bản thân trong từng đường nét.
Nguyễn Thế Vũ “truyền hồn” vào từng ánh mắt của nhân vật. (Ảnh: NVCC)
PV: Theo Vũ, điều gì làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của tranh chân dung truyền thần? Nếu chỉ phác họa lại chân dung nhân vật theo ảnh thì điều sáng tạo ở đây là gì?
Thế Vũ: Với mình mỗi bức tranh chân dung đều mang một dấu ấn, câu chuyện riêng, bởi từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng nụ cười đều kể một câu chuyện khác nhau. Không có đôi mắt nào giống nhau, cũng chẳng có nụ cười nào hoàn toàn trùng lặp, nên mỗi lần vẽ là một sự thể nghiệm thế giới nội tâm mới. Và mình mang những xúc cảm mình quan sát được đó lên tranh. Vẽ tranh chân dung truyền thần phải đi qua hai lớp truyền tải, lớp đầu tiên chính là phần vật lý, phần mà mình sao chép lại theo hình mẫu, khá dễ xử lý. Phần thứ hai chính là truyền thần, thần trong “thần thái”. Và cái thần của mỗi người thể hiện nhiều nhất qua đôi mắt, nhìn sâu vào đó là cả một câu chuyện. Chính điều đó yêu cầu ở người nghệ sĩ khả năng quan sát tinh tế để nắm bắt cảm xúc của nhân vật. Làm được bước khó này thì mới thực sự đạt đến trình độ “lão làng”.
PV: Điều gì làm nên sự khác biệt giữa tranh của Vũ với những họa sĩ khác?
Thế Vũ: Vẽ tranh truyền thần bằng bút bi vốn đã không phổ biến, để vẽ được nét bút đều, có chiều sâu thì lại càng khó hơn. Thay vì giống một số họa sĩ khác có cách vẽ di từng tí một, khi đó bức tranh sẽ mịn như vẽ chì nhưng mất rất nhiều thời gian và không tạo ra được sự đặc biệt của chất liệu bút bi, anh chọn kỹ thuật đan nét. Và mình cũng tự tin rằng mình đan nét rất nhiều, vì đơn giản là dành rất nhiều thời gian để luyện kỹ năng này cho thành thục. Thói quen này bắt đầu từ thời còn là sinh viên theo học ngành kiến trúc. Hồi đó, thầy dạy vẽ từng bảo mình: “Vẽ thế này thì không đậu được, về luyện nét nhiều vào”, từ đó có thời gian rảnh là mình lại lôi bút giấy ra luyện đan nét, dần dà trở thành một thói quen, cũng chính vì thế mà sau này điều đó trở thành thế mạnh của mình.
Bức tranh cô gái cầm hoa được Thế Vũ được vẽ bằng bút bi. (Ảnh: NVCC)
PV: Có lúc nào Vũ cảm thấy muốn bỏ cuộc trên con đường theo đuổi nghệ thuật hay chưa? Điều gì đã giữ chân Vũ vượt qua giai đoạn đó?
Thế Vũ: Khi dồn hết tâm huyết vào một bức tranh nhưng kết quả không như mong đợi, cảm giác thất vọng là điều khó tránh khỏi. Đôi lúc, mình thậm chí còn hoài nghi chính bản thân, cảm thấy tranh mình vẽ ra không đẹp và tự hỏi liệu có đang đi đúng hướng hay không. Nhưng rồi, khi nhìn lại chặng đường đã qua, mình nhận ra rằng nghệ thuật không chỉ là đam mê nhất thời mà là cả một hành trình dài. Nếu bây giờ mình không vẽ thì còn tệ hơn. Thay vì bỏ cuộc, mình chọn cách tìm lại cảm hứng và tiếp tục tiến về phía trước.
Để vẽ được tranh truyền thần bằng bút bi đòi hỏi sự tập trung cao độ trong thời gian dài, điều này đôi khi khiến mình kiệt sức. Vì vậy, mình phải học cách duy trì sự cân bằng, như chia nhỏ thời gian làm việc và cho bản thân những khoảng nghỉ hợp lý. Khi cảm thấy căng thẳng, mình sẽ thư giãn bằng cách nghe nhạc, chơi game hoặc đơn giản là rời khỏi bàn vẽ một lúc để tinh thần thoải mái hơn. Bên cạnh đó, tư thế ngồi cũng rất quan trọng, một chiếc ghế có tựa lưng tốt sẽ giúp mình tránh đau mỏi khi làm việc trong thời gian dài. Nhưng hơn hết, chính đam mê và sự kiên nhẫn mới là yếu tố quyết định. Nếu không đủ kiên trì, sẽ rất khó để theo đuổi bộ môn này đến cùng.
May mắn cho mình rằng trong những giai đoạn khó khăn đấy, mình được ủng hộ rất nhiều. Thông qua những video đăng tải trên mạng xã hội, mình nhận được những đơn đặt hàng trong nước và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, mình dành phần lớn thời gian trong ngày để vẽ, lặp đi lặp lại công việc đó từ năm này qua năm khác. Đúng nghĩa sống trọn vẹn với đam mê từng phút giây!
PV: Kỷ niệm nào trong quá trình vẽ tranh đã khiến Vũ xúc động và nhớ mãi? Điều đó thay đổi góc nhìn của Vũ về nghệ thuật như thế nào?
Thế Vũ: Có một kỷ niệm khiến mình nhớ mãi. Ngày ấy, mình nhận vẽ chân dung người mẹ đã khuất của một chị khách. Chị rất trân quý bức tranh ấy, nhưng rồi thời gian trôi qua, cả hai không còn liên lạc. Gần 10 năm sau, chị bất ngờ tìm lại mình. Chị kể rằng đã vô tình làm hỏng bức tranh và suốt một thời gian dài cứ cố gắng tìm kiếm mình để nhờ vẽ lại. Lúc gọi điện nói chuyện, giọng chị run run vì xúc động, tự nhiên lòng mình cũng chững lại vì khoảnh khắc ấy khiến mình nhận ra một bức tranh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật để trưng bày, ngắm nghía mà còn là một phần ký ức, một kỷ vật vô giá. Ý thức được điều đó, mình lại càng có thêm động lực để tiếp tục vẽ, không chỉ bằng kỹ thuật mà còn bằng cả cảm xúc của mình. Đặc biệt, mỗi khi đặt bút vẽ, mình luôn đặt mình vào vị trí của người nhận tranh để vẽ bằng cái tâm của mình.
PV: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nếu hội họa không mang lại thu nhập ổn định, liệu Vũ có dám theo đuổi đến cùng? Nghệ thuật với Vũ là đam mê thuần túy hay cũng phải song hành cùng thực tế cuộc sống?
Thế Vũ: Đây là câu hỏi mà hầu như ai theo đuổi nghệ thuật cũng sẽ phải đối mặt, và mình cũng không ngoại lệ. Khi mới bắt đầu, mình từng trăn trở rất nhiều, liệu đam mê có thể nuôi sống mình không, hay rồi cũng sẽ phải gác lại để chạy theo những lựa chọn an toàn hơn? Nhưng với mình, nghệ thuật không chỉ là một sở thích hay công việc, mà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Nếu chỉ vì thu nhập bấp bênh mà từ bỏ, thì có lẽ mình đã dừng lại từ lâu. Nhưng mình tin rằng, nếu thực sự yêu và dành đủ tâm huyết cho nó, sẽ luôn có cách để biến đam mê thành một con đường bền vững. Có những giai đoạn khó khăn, nhưng thay vì chấp nhận rằng “không thể”, mình chọn cách tìm ra hướng đi phù hợp để tiếp tục. Nếu chưa ổn định, thì chỉ có một cách, cố gắng đến khi nó ổn.
Đến giờ, khi nhìn lại, mình thấy biết ơn vì đã không bỏ cuộc. Cuộc sống của mình tới thời điểm hiện tại chứng minh một điều rằng nghệ thuật sẽ không bỏ lại ở phía sau nếu đủ cố gắng và tận tụy.
Chàng trai Thế Vũ say sưa với công việc “mài mực” mỗi ngày. (Ảnh: NVCC)
PV: Vũ có từng nghĩ đến việc thử nghiệm chất liệu khác ngoài bút bi không? Nếu có, Vũ có sợ rằng kỹ năng vẽ bằng bút bi của mình bị ảnh hưởng hay mọi người sẽ không còn nhớ đến Vũ với danh xưng “truyền thần bút bi” này?
Thế Vũ: Nghệ thuật đối với mình luôn là một hành trình khám phá. Bút bi là một chất liệu đặc biệt, mang đến nhiều thách thức và cũng giúp mình định hình phong cách riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình giới hạn bản thân. Mình vẫn tò mò và muốn thử nghiệm với nhiều chất liệu khác, có thể là sơn dầu, màu nước hay thậm chí là tranh kỹ thuật số. Tuy nhiên, bút bi vẫn là chất liệu mình gắn bó nhất. Việc thử nghiệm cái mới không đồng nghĩa với việc bỏ quên nó, mà chỉ là cách để làm phong phú thêm tư duy nghệ thuật của mình. Nếu một ngày nào đó, mọi người không còn nhắc đến mình với danh xưng “người vẽ truyền thần bằng bút bi”, mình cũng không buồn. Vì điều quan trọng nhất vẫn là cảm xúc và giá trị trong từng tác phẩm, chứ không chỉ là chất liệu làm nên nó.
PV: Nếu gửi một thông điệp đến những bạn trẻ đam mê hội họa, đặc biệt là tranh truyền thần, Vũ muốn nhắn nhủ điều gì?
Thế Vũ: Hãy kiên trì và đừng sợ thất bại, vì nghệ thuật là một hành trình dài mà không ai có thể chạm đến thành công ngay từ những bước đầu tiên. Vẽ mỗi ngày, thử nghiệm nhiều phong cách, tìm ra dấu ấn riêng của mình và quan trọng nhất là luôn vẽ bằng cả trái tim. Nếu thực sự đam mê hội họa, hãy cứ bước tiếp, con đường rồi sẽ dần mở ra. Với tranh truyền thần, đừng chỉ nghĩ đến việc tái hiện từng đường nét, mà hãy dùng bút để kể một câu chuyện - qua ánh mắt, qua sắc độ, qua từng chi tiết nhỏ nhất.
Cảm ơn Vũ vì những chia sẻ thú vị này!
Phản hồi