Tọa lạc trên một con đường nhỏ tại xã Viên An, huyện Ứng Hoà, Hà Nội, hơn 3 thập kỷ qua, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội đã trở thành mái ấm cho thân nhân của biết bao chiến sĩ anh dũng đã hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc.
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội được thành lập và hoạt động từ năm 1978, thực hiện hai nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng thường xuyên và điều dưỡng người có công với cách mạng, gồm các mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, thương binh, con liệt sĩ và những người có công.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Trà Giang, Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, hiện tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 37 người, ngoài ra, năm 2024, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng luân phiên gần 4000 người theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội.
Khuôn viên của Trung tâm với nhiều cây xanh, ghế ngồi và cả khu vực giúp các cụ rèn luyện thể chất.
Những người có công được nuôi dưỡng tại Trung tâm là mẹ, vợ, con và thân nhân liệt sĩ.
Nhiều điều dưỡng viên đã gắn bó với Trung tâm, với những người có công tới hàng chục năm, họ không chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu, sự biết ơn, trân trọng.
Trung tâm được trang bị phòng xem TV cùng các máy đấm bóp, mát-xa phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người được nuôi dưỡng.
11 giờ trưa, các điều dưỡng viên bắt đầu mang cơm tới từng phòng. Tất cả cặp lồng đều đã được mở sẵn.
Mỗi cặp lồng cơn được đánh dấu tên để phù hợp với khẩu phần, thói quen ăn uống của từng người.
Thân nhân liệt sĩ được nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người tuổi cao, sức khỏe yếu, nhiều người không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân đều được các điều dưỡng viên phục vụ toàn phần.
Cụ Đỗ Thị Bức (1936) – vợ liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt.
“Họ lo cho tôi từ bữa ăn, giấc ngủ, từ bước chân đi, mùa hè thì có điều hòa, đến mùa đông lại có bình nước nóng để tắm gội, đến giờ là có cơm ăn, chẳng thiếu thứ gì…”, cụ Đỗ Thị Bức chia sẻ.
“Kể mà chiến tranh qua rồi cũng có cái buồn, cũng là vì nước, vì dân, mình mất chồng nhưng đất nước được hòa bình, thống nhất như ngày nay là mừng rồi”, cụ Bức nghẹn ngào.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng ký ức về những năm tháng khốc liệt ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người, có những người mẹ, người vợ, người con vẫn mong ngóng tiền tuyến trở về, gia đình đoàn tụ, nhiều lời hứa vẫn còn dang dở chưa thể thực hiện. Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hướng về Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), với tất cả sự kính trọng và tình cảm sâu sắc nhất, chúng ta tưởng nhớ về những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nằm lại nơi chiến trường khói lửa để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc, ta biết ơn thân nhân, gia đình các liệt sĩ đã luôn kiên cường, bền bỉ trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Thế hệ trẻ ngày hôm nay luôn tự hào về truyền thống 80 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyện sống xứng đáng, sống cống hiến với sự hy sinh của cha anh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Nội dung: Yến Vy
Ảnh: Yến Vy, Thu Trang, Hoàng Việt