Danh mục Thứ Bảy, 28/12/2024

Tiêu điểm \

Founder/CEO Saola Books - Ân Nguyễn kể chuyện Tết qua những cuốn sách ly kỳ

17:47 26-12-2024
Tết không chỉ là thời gian để gia đình quây quần mà còn là dịp lý tưởng để khám phá giá trị truyền thống qua sách. Chia sẻ về vai trò của sách trong việc bảo tồn phong tục Tết, anh Ân Nguyễn, CEO/Founder Saola Books, nhấn mạnh sự quan trọng của không gian đọc ý nghĩa trong mùa lễ hội. 

 Founder/CEO Saola Books - Ân Nguyễn người kể chuyện Tết qua những cuốn sách ly kỳ trong buổi chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

Thưa anh, với vai trò là Founder/CEO của Saola Books, anh nghĩ thế nào về sự kết nối giữa sách và các giá trị truyền thống của Tết trong bối cảnh hiện đại?

Trước hết, tôi nghĩ rằng Tết là một dịp rất tốt để mọi người đọc sách, bởi vì chúng ta có một khoảng thời gian trống và không phải làm việc. Tết là dịp gia đình đoàn tụ, mọi người sum vầy bên nhau, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình chia sẻ những câu chuyện về năm qua cùng những bài học đã đúc kết được.

Nói về mùa Tết thì có nhiều đầu sách viết về truyền thống, lịch sử, phong tục Tết, giúp đọc giả hiểu rõ hơn về những giá trị cổ truyền. Ngoài ra, Tết cũng là dịp chúng ta có thể lắng đọng để đọc những cuốn sách về tình yêu thương, những vấn đề mà chúng ta quan tâm hoặc những người chúng ta yêu thích. Bản thân tôi thường dành khoảng 2 ngày mùa Tết chỉ để đọc sách, trong đó tôi sẽ đọc lại khoảng 2 cuốn mà mình tâm đắc nhất và khoảng 1 cuốn sách mới mà mình muốn đọc nhất năm.
 

Tiểu thuyết “Tết ở làng địa ngục” đã thành công lớn khi chuyển thể thành phim ăn khách. Anh nghĩ điều gì trong câu chuyện đã tạo nên sức hút đối với người đọc và khán giả, đặc biệt trong dịp Tết?

“Tết ở làng địa ngục” là một câu chuyện kinh dị lấy bối cảnh ngày Tết, có nhiều điểm độc đáo thu hút người xem. Thành công của tác phẩm này do tác giả Thảo Trang khéo léo khi đưa nhiều phong tục tập quán vào trong câu chuyện, cũng như cách xây dựng tâm lý nhân vật hợp lý. Khi chuyển thể thành phim, tác phẩm lại càng được nhiều người quan tâm và chia sẻ hơn.

Trang bìa cuốn sách "Tết ở làng địa ngục" phần II thu hút sự quan tâm của đọc giả. (Ảnh: NVVC)

Theo anh, việc kết hợp giữa văn hóa dân gian và thể loại văn học hiện đại (như tiểu thuyết kinh dị) có thể tạo ra một cầu nối giữa thế hệ trẻ và các giá trị truyền thống như thế nào?

Văn hóa dân gian Việt Nam có vô số thần thoại, truyền thuyết thú vị. Khi kết hợp với thể loại văn học kinh dị, những chất liệu này có thể tạo ra một câu chuyện vừa quen vừa lạ, dễ dàng thu hút sự chú ý của độc giả. Sau khi đọc các tiểu thuyết kinh dị có yếu tố văn hóa dân gian, các bạn trẻ có thể hứng thú mà tìm hiểu thêm về các tín ngưỡng, tập tục truyền thống thông qua các tài liệu nghiên cứu chính thống. Điều đó sẽ giúp thế hệ trẻ có thêm nhiều kiến thức về văn hoá dân gian cũng như phong tục tập quán của người Việt khi xưa.
 

Tết là dịp để gia đình quây quần, nhưng cũng là thời gian để người ta tìm kiếm những câu chuyện thú vị. Anh nghĩ điều gì trong sách của Saola Books có thể mang đến một không gian Tết đặc biệt cho người đọc?

Hiện tại chúng tôi mới phát hành được cuốn sách đầu tiên là Kẻ Ăn Hồn (tác giả Thảo Trang), dự kiến sắp tới sẽ có Tết Ở Làng Địa Ngục 2 (tác giả Thảo Trang) và Đại Việt Kỳ Nhân (chủ biên Tô Nghi). Tôi hy vọng Tết Ở Làng Địa Ngục 2 sẽ tiếp tục thu hút được nhiều bạn đọc để theo dõi tiếp câu chuyện ly kỳ mà tác giả Thảo Trang đã sáng tạo. Còn với Đại Việt Kỳ Nhân, dự án này sẽ tập trung vào những tranh minh hoạ các danh nhân Việt Nam, giúp người đọc hình dung rõ hơn về trang phục và diện mạo của họ.


Anh có thể chia sẻ một chút về hành trình xây dựng Saola Books và những thử thách anh gặp phải khi đưa các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là Tết, vào các tác phẩm sách hiện đại?

Saola Books được thành lập từ năm 2024 với định hướng chung là những tác phẩm có giá trị cho độc giả. Khi đưa giá trị văn hoá dân gian vào sách hay các sản phẩm văn hoá đại chúng, thử thách lớn nhất là phải tìm ra cách để người đọc tiếp nhận chúng một cách tự nhiên, không bị khô khan. Chính vì thế, tôi rất thích những tác phẩm mà tác giả lồng ghép chúng vào câu chuyện một cách khéo léo. Người ta phải yêu câu chuyện trước đã, sau đó họ sẽ tìm hiểu các yếu tố văn hoá dân gian và hiểu thêm về truyền thống của cha ông.


Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Hoàng Thúy Vân

Phản hồi