Mảnh ghép văn hóa đang dần bị giới trẻ lãng quên
Âm nhạc truyền thống như ca trù, quan họ, và các thể loại nghệ thuật dân gian khác là một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, giới trẻ ngày nay lại có xu hướng khám phá và tiếp cận nhiều thể loại âm nhạc mới mẻ và đa dạng hơn.
Khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh được đăng tải trên Báo Nhà Báo & Công Luận, đã chỉ ra những kết quả đáng chú ý liên quan đến “Thị hiếu âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trẻ hiện nay”, đó là: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam không thu hút được giới trẻ một phần là do giá trị nghệ thuật của nó cao và khó cảm nhận được, các bạn trẻ sẽ dễ bị thu hút bởi những yếu tố âm nhạc dễ nghe và cuốn hút (như nhạc Kpop, nhạc sàn, hay remix… – PV), họ sẽ ít để ý đến các giá trị nghệ thuật sâu bên trong một tác phẩm. Mặt khác, âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng đang thiếu sự linh hoạt, sáng tạo để có thể phù hợp với các giai đoạn mới mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi riêng biệt”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bạn Phạm Ngọc Bảo, 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội chia sẻ với PV: “Hồi mới theo đuổi nghệ thuật, người nhà hay bảo mấy thứ mình làm không “truyền thống”, không có giá trị lâu dài. Họ hay nói: “Làm nghệ thuật hiện đại chỉ toàn sao chép, chẳng giữ được bản sắc dân tộc”. Nghe vậy, mình buồn và hụt hẫng lắm.”
Nguyên nhân của định kiến này có thể đến từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông, khiến cho các nền văn hóa nước ngoài dễ dàng xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc. Sự hấp dẫn của những giai điệu mới mẻ, phong cách trình diễn sôi động đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, khiến họ có phần xa rời những giá trị văn hóa truyền thống.
Cầu nối đưa âm nhạc truyền thống vang xa
Giới trẻ hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, điều này đặt ra câu hỏi liệu họ có đang lãng quên di sản quý báu này hay không? Thực tế, ta có thể nhận thấy rằng, thay vì quên lãng, thế hệ trẻ ngày nay đang nỗ lực giữ gìn và làm mới những giá trị ấy một cách sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Họ không chỉ trân trọng cội nguồn mà còn sáng tạo nên sự kết hợp mới mẻ, mang hơi thở hiện đại, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa.
Những làn điệu ca trù, câu quan họ mượt mà, hay giai điệu cải lương sâu lắng không chỉ được yêu thích mà còn được giới trẻ kế thừa và sáng tạo. Từ việc tham gia các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống đến việc đưa âm nhạc xưa lên sân khấu hiện đại, họ đang thổi vào đó hơi thở mới, làm sống dậy những giá trị quý báu tưởng chừng bị lãng quên.
Là một người trẻ, Trần Đức Tài, 20 tuổi, Cố vấn Ban Chuyên môn cho CLB Nhạc cụ Truyền thống FTIC tại Đại học FPT cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật của truyền thống khác như Chầu văn, Quan họ. Sau khi tìm hiểu sâu về âm nhạc truyền thống tìm thấy được đam mê để phát triển loại hình nghệ thuật đấy trong mình, và cứ thế đi theo con đường để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống.”
Hiện nay, tại nhiều trường đại học, sự phát triển mạnh mẽ của các CLB và hội nhóm âm nhạc truyền thống đã thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên. Nổi bật là CLB Nhạc cụ Truyền thống FTIC - Trường Đại học FPT, nơi chủ yếu tập trung vào hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, CLB cũng tổ chức các chương trình âm nhạc đặc sắc, tại đây mỗi thành viên được biểu diễn những tác phẩm truyền thống để mang đến cho các bạn sinh viên những trải nghiệm âm nhạc sâu sắc và đầy cảm hứng.
Với tư cách là Cố vấn của CLB Nhạc cụ Truyền thống FTIC, Đức Tài cũng chia sẻ thêm: “Câu lạc bộ không chỉ chơi những bài nhạc cổ hay dân ca mà chúng tôi cũng kết hợp với những bài hiện đại như Lạc Trôi, Tình yêu màu nắng… Tôi cho rằng đó là sự kết hợp giữa thế hệ cũ và nay, những cái xưa và mới để thúc đẩy sự sáng tạo của các bạn trẻ hiện nay.”
Sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại
Gần đây, giới trẻ đã có nhiều cơ hội để khám phá âm nhạc truyền thống thông qua các chương trình thực tế và những sản phẩm nghệ thuật sáng tạo từ các nghệ sĩ. Trong đó, chương trình Rap Việt đã mang đến những trải nghiệm độc đáo trong hai mùa vừa qua. Nổi bật ở mùa 3 là hình ảnh Long Nón Lá biểu diễn đầy ấn tượng trên nền nhạc dân gian, tạo nên một không gian âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn.
Tiếp nối thành công đó, Rap Việt mùa 4 đã chinh phục khán giả với màn trình diễn đầy sáng tạo của Tiêu Minh Phụng, khi anh tài tình kết hợp nhạc rap với âm hưởng vọng cổ, mang đến một trải nghiệm âm nhạc độc đáo và cuốn hút. Sự kết hợp này không chỉ khơi dậy niềm đam mê khám phá điệu hò vọng cổ trong lòng nhiều người mà còn làm sống dậy những giá trị văn hóa truyền thống.
Một điểm nhấn nổi bật không thể không nhắc đến là bản phối mới đầy sáng tạo của ca khúc huyền thoại "Trống cơm" được thể hiện bởi ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, Tự Long và Cường Seven trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai". "Trống cơm" không chỉ là một bài dân ca Bắc Bộ nổi tiếng, mà còn là ký ức đẹp đẽ của biết bao thế hệ.
Qua bàn tay tài tình của ba nghệ sĩ, phiên bản mới này đã khéo léo kết hợp những âm hưởng truyền thống với phong cách hiện đại, thổi một làn gió mới vào tác phẩm kinh điển. Giờ đây, khán giả không chỉ có một mà đến hai phiên bản của "Trống cơm" để thưởng thức, mở ra một hành trình âm nhạc phong phú và đầy cảm xúc.
Những nỗ lực đáng trân trọng từ những gương mặt trẻ đã không chỉ giữ gìn các di sản quý báu, mà còn thổi hồn vào đó những sắc thái mới mẻ, làm khơi dậy nét đẹp tiềm ẩn của âm điệu xưa cũ trong bức tranh sống động hiện đại. Chính sự giao thoa này đã biến âm nhạc truyền thống từ một ký ức lịch sử trở thành nguồn cảm hứng sống động, nối liền quá khứ với tương lai, kết hợp hài hòa những giá trị xưa cũ với nét độc đáo của thời đại mới.
Phản hồi