Danh mục Thứ Bảy, 28/12/2024

Tiêu điểm \

GenZ và chuyện "nhảy việc"

09:10 26-12-2024
“Nhảy việc”, “áp lực”, “dễ nản chí” là những từ khóa phổ biến khi đề cập đến thế hệ Gen Z trong môi trường lao động hiện nay. Tuy nhiên, quyết định rời bỏ công việc không đơn thuần là “từ bỏ” mà còn là quá trình tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn.

Thực trạng “nhảy việc” của nhân lực trẻ

Khi bước vào thị trường lao động, nhiều bạn trẻ có xu hướng thường xuyên thay đổi công việc để tìm kiếm môi trường phù hợp với kỳ vọng cá nhân. Theo nghiên cứu của ManpowerGroup năm 2024, 35% người lao động, trong đó 45% thuộc nhóm lao động trẻ (18-27 tuổi) cho biết có khả năng sẽ “nhảy việc” trong 6 tháng tới.

Hiện tượng “nhảy việc” không còn quá xa lạ nhưng đang có xu hướng gia tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt ở các bạn trẻ. Khảo sát mới nhất của Anphabe trong năm nay với sự tham gia của gần 64.000 người đi làm và 10.000 sinh viên Việt Nam; ghi nhận thời gian trung bình Gen Z dự kiến gắn bó với một công ty chỉ khoảng 2,2 năm. Con số này thấp hơn đáng kể so với Gen Y (3,2 năm) và Gen X (4,3 năm), cho thấy xu hướng "nhảy việc" của Gen Z diễn ra sớm hơn từ 1-2 năm so với các thế hệ trước.

Thời gian gắn bó của GenZ với công việc thấp hơn so với thế hệ trước
(Ảnh: Anphabe)

Anh Nguyễn Văn Sĩ, thuộc ban Quản lý Công ty cổ phần Điện tự động hóa Bình Dương cho biết thêm: “Các bạn trẻ chưa thực sự hiểu rõ bản thân mình cần gì, có những khả năng gì, cũng như mức độ đáp ứng công việc của mình đến đâu. Các bạn chưa xây dựng được lộ trình cuộc đời rõ ràng nên chưa nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Chỉ khi nhận thức được những điều đó mới có thể lập kế hoạch phát triển phù hợp. Nếu chỉ làm việc theo cảm tính hoặc vì lý do về tiền lương, sếp khó tính, mâu thuẫn với đồng nghiệp... thì dù ở bất kỳ môi trường nào, các bạn cũng dễ rơi vào trạng thái không hài lòng và dẫn đến nghỉ việc”. 

Theo anh, việc các bạn trẻ “nhảy việc” không chỉ ảnh hưởng đến trực tiếp đến sự phát triển sự nghiệp của họ mà còn tác động tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công việc, dự án mà công ty giao phó. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng nhân sự trẻ, công ty luôn cân nhắc kỹ thái độ làm việc và khả năng chịu đựng áp lực của các bạn trẻ, xem đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả lâu dài.

Với các bạn nhân viên trẻ, anh Sĩ luôn đào tạo các bạn tỉ mỉ từ kiến thức đến kỹ năng làm việc. (Ảnh: NVCC) 

Góc nhìn từ Gen Z

Hiện nay, quan điểm về “giới trẻ dễ nản chí, hay nhảy việc” vẫn là một xu hướng phổ biến trong xã hội. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là môi trường làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của người trẻ. Thế hệ trẻ hiện nay không chỉ tìm kiếm một công việc để mưu sinh mà còn mong muốn một không gian tạo cơ hội học hỏi, và phát triển bản thân. Khi môi trường làm việc thiếu tính gắn kết hoặc không tạo động lực, họ dễ cảm thấy cô đơn và mất phương hướng, dẫn đến sự rời bỏ hoặc thái độ tiêu cực trong công việc. 

Chị Lưu Minh Tú - phiên dịch viên tại công ty Nagatsu Việt Nam chia sẻ: “Lý do chính khiến tôi rời khỏi công việc gần đây nhất là do nơi làm việc chưa mang lại nhiều cơ hội giúp tôi phát triển bản thân”. Theo chị, công việc phiên dịch đòi hỏi sự chính xác và tập trung cao, nhưng môi trường làm việc lại thiếu các chương trình đào tạo bài bản và sự hỗ trợ từ cấp quản lý. Điều này khiến chị cảm thấy trì trệ và dần mất động lực. Tuy nhiên, chị Tú nhấn mạnh rằng quyết định nghỉ việc không phải là sự buông bỏ, mà là một bước ngoặt để chị làm mới bản thân và hướng tới những giá trị mà chị theo đuổi. 

Giống như chị Tú, anh Phạm Hoàng Như Ngà - nhân viên tự động hóa tại công ty Hoàng Ngân cho biết: “Trước đây, tôi từng làm trợ lý dự án cho một quỹ phi tổ chức tại miền Nam. Tuy nhiên, do môi trường làm việc chủ yếu online, việc kết nối và phối hợp công việc trở nên rất khó khăn, khiến tôi quyết định nghỉ việc”. Sự thiếu vắng những buổi gặp gỡ trực tiếp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả trao đổi ý tưởng sáng tạo và giải quyết vấn đề chung của dự án. 

Anh cho rằng, trong một công việc như vậy, việc giao tiếp trực tiếp và trao đổi trực quan giữa các thành viên là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đặc thù công việc từ xa, anh cảm thấy mình dần trở nên cô lập, thiếu đi những cơ hội học hỏi và tương tác thực tế với đồng nghiệp. Sau thời gian nỗ lực thích nghi, anh quyết định rời bỏ công việc để tìm kiếm một môi trường phù hợp hơn, nơi có thể gắn bó lâu dài và hỗ trợ anh có cơ hội kết nối và chia sẻ ý tưởng với những người đồng nghiệp sáng tạo khác.

Anh Ngà chia sẻ rằng, môi trường làm việc trước đây khiến anh cảm thấy trì trệ, không thể kết nối với mọi người (Ảnh: Cẩm Tú) 

Trong buổi trao đổi với báo Vietnamnet, Thạc sĩ tâm lý Trần Thùy Dương - chuyên viên tham vấn tâm lý với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần nhận định: “Theo tôi, việc xuất hiện quan điểm người trẻ dễ nản chí dựa trên cách Gen Z thể hiện bản thân. Nhiều người cho rằng khi bộc lộ cảm xúc hay nói về những vấn đề cá nhân, họ thể hiện sự yếu đuối, chịu đựng kém hơn so với thế hệ trước. Thực tế, chẳng ai chưa từng đối mặt với áp lực hay cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, khác với thế hệ trước, vốn thường dồn nén và tự giải quyết vấn đề, giới trẻ hiện nay đang làm tốt hơn trong việc nhận thức rằng "khi tôi không ổn, tôi có quyền nói ra”.

Thạc sĩ, Chuyên viên tham vấn tâm lý Trần Thuỳ Dương trong buổi dạy tâm lý cho các sinh viên. Ảnh: Trần Thùy Dương/ Báo Vietnamnet 

Trong buổi chia sẻ, Th.S Trần Thùy Dương đề xuất một số giải pháp giúp người trẻ vượt qua áp lực công việc hiệu quả hơn. Trong đó có việc nhận diện và hiểu rõ bản thân, đặc biệt là thông qua “lòng tự tôn” (self-esteem) giúp mỗi cá nhân đánh giá và hiểu giá trị của mình một cách sâu sắc. Áp lực, thực chất là cảm xúc mà chúng ta tạo ra khi đối mặt với khó khăn. Khi tin vào khả năng và bản lĩnh của mình, áp lực sẽ được kiểm soát và giải quyết một cách hiệu quả. 

Bên cạnh đó, các công ty có thể triển khai các chương trình huấn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp hay quản lý thời gian sẽ giúp người trẻ không chỉ đối mặt tốt hơn với áp lực mà còn tăng cường khả năng thích nghi và xử lý công việc hiệu quả. Khi có những chương trình đào tạo bài bản và môi trường hỗ trợ, họ sẽ cảm thấy được thấu hiểu và có thêm động lực để phát triển bản thân. Đồng thời, sự hỗ trợ từ lãnh đạo và đồng nghiệp là đòn bẩy xây dựng một không gian làm việc lành mạnh, nơi mọi người đều có thể phát triển một cách bền vững và hài hòa.

Như vậy, xã hội cần tạo điều kiện hỗ trợ người trẻ, xây dựng môi trường làm việc tích cực và trao cơ hội để họ phát huy năng lực. Khi đó, tiềm năng và sự nhiệt huyết của thế hệ trẻ mới được khai thác tối đa, góp phần mang lại giá trị lớn lao cho cộng đồng và xã hội.

 Cẩm Tú - Thu Hường - Báo in K42

Phản hồi