Tinh thần YOLO (You Only Live Once - bạn chỉ có một lần để sống) những năm gần đây được nhiều bạn trẻ gen Z áp dụng trong cách sống. Về mặt tích cực, lối sống cổ vũ sự hết mình, sống cho thật ý nghĩa, trọn vẹn của người trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn lại dựa vào quan điểm “chỉ có một lần để sống” mà sống một cách vô trách nhiệm, “vô tổ chức”, thích thì làm, không thích thì không làm.
Gen Z và “văn hoá nghỉ làm”
Những năm gần đây, trên mạng xã hội bắt đầu "dấy" lên những câu chuyện về các bạn trẻ và văn hóa “thích thì nghỉ”. Chúng ta có thể dễ dàng thấy hàng trăm hội nhóm với hàng ngàn thành viên bày tỏ quan điểm và tranh luận sôi nổi trên các bài đăng về vấn đề “nghỉ làm”.
Theo anh Dũng (1988, quản lý nhà hàng tại Hà Nội), là người trực tiếp tuyển dụng và trao đổi với các bạn trẻ gen Z: “Tuyển dụng các bạn trẻ rất dễ, dễ vào nhưng cũng rất dễ ‘out’, vì các bạn chưa xác định được mục đích công việc một cách rõ ràng, đi làm chỉ là đi làm thôi. Khi mà có vướng bận về việc cá nhân hoặc không thấy vui, không thấy ổn, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ”.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt trong khi các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn bao gồm: Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%).
Con số trên đã cho thấy, khác với thế hệ cũ, thế hệ Z là thế hệ cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc. Họ sống trong xã hội hiện đại, khi ý kiến cá nhân ngày càng được xem trọng và ai cũng có thể bày tỏ cảm xúc cá nhân lên mạng xã hội một cách thoải mái nên gen Z dễ nhạy cảm, thậm chí là dễ tổn thương.
Là một sinh viên đang đi làm thêm, bạn Trà My (2003, sinh viên năm ba tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thổ lộ: “Tất nhiên làm về công việc gì, mọi người cũng sẽ dễ bị mệt mỏi về tinh thần cũng như sức khỏe. Khi đi làm thì mình dễ bị áp lực từ phía các anh chị quản lý, vì công việc anh chị giao khá nhiều và có những lời nói hơi khó nghe.”
Hay như bạn Ngọc Ánh (2003, Hà Nội) cho biết: “Mình từng có khoảng thời gian áp lực khi tiếp xúc với khách hàng, với sếp hay có những đêm mình phải thức rất khuya để hoàn thành hết KPI của một ngày.”
Những câu trách móc của cấp trên, nhu cầu “khó tính" của khách hàng, lượng công việc dày đặc,...đều tác động lớn đến các bạn trẻ. Gen Z nếu không tìm được những người truyền cảm hứng và trao động lực thì rất khó để phát huy bản thân hay gắn bó lâu dài với công việc.
Nhưng không phải ai cũng “chán” thì nghỉ làm
Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 45% gen Z có sức khỏe ổn hoặc rất tốt và 55% còn lại là những bạn trẻ “dễ tổn thương”. Vì vậy không phải bạn trẻ nào cũng có văn hoá “thích thì nghỉ”, thiếu tinh thần cống hiến, trách nhiệm trong công việc. Có nhiều ý kiến từ các bạn trẻ gen Z cho thấy ưu điểm vượt trội về tinh thần mạnh mẽ, trách nhiệm và dám nói lên ý kiến cá nhân, cống hiến cho công việc. So với nhiều thế hệ khác, gen Z vẫn là một thế hệ tiềm năng trong tương lai.
Bạn Thành Long (2003, Hà Nội) đang là sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mình thấy hế hệ trước thường bị gò bó bởi ngôn từ, dễ ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân dẫn đến bị tiêu cực, khiến môi trường công sở thiếu lành mạnh, công việc trở nên bị động. Nên việc các bạn trẻ thoải mái nêu lên ý kiến vừa thể hiện môi trường lành mạnh, vừa thể hiện các bạn muốn cống hiến cho công việc.”
Chia sẻ thêm, Long thổ lộ: “Các bạn trẻ nghỉ làm thường do đã có định hướng khác, hoặc đơn giản chỉ vì các bạn không còn đáp ứng được nhu cầu của công việc. Những giá trị về tiền bạc thực chất chỉ phù hợp khi đảm bảo được sức khoẻ và tinh thần".
Đồng tình với quan điểm trên bạn Ngọc Ánh (2003, Hà Nội) cho biết thêm: “Mình thấy nghỉ làm cũng chưa hẳn là một điều xấu, vì cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn không ít doanh nghiệp chèn ép các bạn trẻ. Có thể là các bạn bị chèn ép về mức lương, về khối lượng công việc,...”
Ánh chia sẻ rằng từng bỏ một công việc, tuy đồng nghiệp rất tốt nhưng số tiền lương Ánh nhận được không xứng đáng, Ánh nói: “Đi làm thì cũng là đang ‘in a relationship’ (trong một mối quan hệ) với công ty thôi, nếu thấy không thoải mái thì từ bỏ”. Dù với lý do nào thì với Ánh công việc vẫn cần phải có trách nhiệm, không phải cứ thấy không vui thì nghỉ.
Phản hồi