Danh mục Thứ Sáu, 03/05/2024

Megastory \

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập

10:15 20-04-2024
Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0
Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0
Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Nội, Nguyễn Bá Tứ nhập ngũ khi vừa 20 tuổi. Trên chiến trường miền Nam, ông gia nhập Đại đội 5 Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Ba năm ròng rã huấn luyện và chiến đấu tại đây, ông đảm nhiệm vị trí pháo thủ kiêm lái xe tăng, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của ông Nguyễn Bá Tứ, ít ai có thể ngờ rằng ông từng điều khiển những chiếc xe tăng khổng lồ và bắn những quả pháo nặng đến hơn 30kg. Ông Tứ chia sẻ: “Ngày đầu tiên nhìn thấy những quả đạn thì cũng… sợ, nhưng sau đó thấy rất tò mò và muốn tìm hiểu. Hồi đấy một quả đạn nặng 31 kg, có ngày tôi và anh em nạp đến 100 quả, bắn liên tục. Cứ ngắm mục tiêu, bắn rồi nạp đạn rồi lại bắn tiếp”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dành tặng 8 chữ vàng cho những người lính xe tăng: “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”. Đó là sự khẳng định cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường và tinh thần chiến đấu quả cảm của những pháo thủ.

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Trên chiếc xe tăng 846, ông Nguyễn Bá Tứ giữ vị trí pháo thủ số 2, cùng đồng đội tiến về Dinh Độc Lập. Nhớ lại những ngày chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Tứ không khỏi xúc động.

“Cả đêm tôi và đồng đội đi lạc trong rừng cao su, phải đến sáng ngày 25/4/1975 đơn vị chúng tôi mới đến nơi tập kết. Tôi vẫn nhớ đêm hôm ấy sương mù giăng kín lối, nhưng để đảm bảo an toàn nên xe của chúng tôi không bật đèn pha mà để đèn ngầm rồi tiến từng bước về phía trước. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành quân sắp tới, nhận pháo đạn, kiểm tra ngòi nổ. Từ lúc đó, trống ngực tôi cứ đánh thùng thùng”.

Chiều ngày 26/4, xe tăng 846 do ông Tứ và đồng đội phụ trách đã bắn phát súng đầu tiên khai màn chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Nước Trong, cửa ngõ Sài Gòn. Bầu trời rực lửa bởi những tiếng nổ vang dội. Trên xe, bốn chiến sĩ với ánh mắt rực sáng niềm tin chiến thắng: Chỉ huy xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên, pháo thủ số 1 Trần Quý và pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ.

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Người cựu chiến binh nghẹn ngào khi nhắc đến chiến tranh. (Ảnh: Hữu Thực)

Qua ánh nhìn xa xăm, đôi mắt đẫm lệ của ông Tứ, bức tranh đau thương ấy như hiện ra trước mắt chúng tôi. Tiếng súng nổ đinh tai nhức óc, tiếng rít chói tai của đạn pháo xé tan bầu trời. Mùi thuốc súng nồng nặc, máu và mồ hôi quyện trên từng tấc đất. Căn cứ Nước Trong chìm trong khói lửa, kéo dài suốt 3 ngày. 

Chiến thắng tại căn cứ Nước Trong chính là bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, ban chỉ huy họp khẩn cấp, đưa ra quyết định táo bạo - tiến công Sài Gòn.

Sáng ngày 30/4, đoàn xe nối đuôi nhau tiến về Sài Gòn. Xe tăng dẫn đầu, tiếp theo là xe thiết giáp và xe chở bộ binh. Khí thế hừng hực, quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong ngày.

Khoảnh khắc lịch sử: Niềm vui vỡ òa

Vượt qua cầu Sài Gòn, trái tim mỗi người lính trên xe đập rộn ràng. Niềm xúc động xen lẫn hồi hộp khi họ sắp sửa được chứng kiến thời khắc lịch sử: non sông thu về một mối.

Một lần nữa, cảm xúc ngày ấy lại ùa về trong ánh mắt người lính xưa. Trên bầu trời Sài Gòn, lá cờ Mặt trận thống nhất miền Nam tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập.

“Chúng tôi đã ôm nhau khóc rồi lại cười vì sung sướng. Nhìn quần áo ai cũng lấm lem bùn đất nhưng không lời nào diễn tả được chúng tôi đã hạnh phúc như thế nào”. 

Người bắt được khoảnh khắc thiêng liêng đó là nhà báo Trần Mai Hưởng (Thông tấn xã Việt Nam). Trên tường nhà, ông Tứ treo bức ảnh xe tăng 846 thời điểm tiến vào Dinh Độc Lập như minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng.

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” được ông Tứ in ra và đóng khung treo tại nhà riêng (Ảnh: Thanh Huyền)

Bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian, chiếc xe tăng với nòng pháo hướng về phía cổng dinh như ý chí quyết tâm giải phóng đất nước. Cánh cổng dinh bị húc đổ, gãy nát tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ cũ. 

Được biết, mãi đến năm 2015, trong dịp 30/4, ông cùng gia đình viếng thăm Dinh Độc Lập, chiến trường xưa, ông mới biết đến sự tồn tại của bức ảnh. Lúc ấy, ông bất ngờ nhận ra chính mình đang đứng trên nắp chiếc xe tăng 846 trong bức ảnh treo tại bảo tàng Dinh Độc Lập. Ông đã khoe với vợ con trong niềm xúc động bồi hồi.

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Nhớ về những năm tháng cũ với đồng đội, bao kỷ niệm vui buồn ùa về trong tâm trí: “Lúc chiến đấu mệt mỏi, chỉ mong được đến ngày về nhà. Từ đầu chiến dịch cho đến khi vào Dinh là hết chiến dịch, anh em chúng tôi đều mệt mỏi nên không ăn được mấy bữa cơm mà chỉ uống nước suối pha đường. Lục được mấy gói mỳ tôm ở bếp của Dinh, ăn được một cặp lồng toàn đồ ăn khô mà ngon như ăn cỗ. Lúc ăn xong, bốn người lăn ra ngủ, khổ lắm. Ra quân rồi tôi chỉ có nghĩ sống được rồi, về với gia đình và mẹ đẻ ra mình”.

 

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Rất may mắn trong suốt thời gian chiến đấu, ông chỉ bị thương nhẹ. Nhưng khi nhắc về những người đồng đội cũ, ông không thể cầm được nước mắt: “Nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống cho chúng tôi được sống. Có những đồng chí mở đường cho chúng tôi bắn pháo mà hy sinh”.

Ông Tứ nhớ lại một người đồng đội đã hy sinh trong lúc đang ăn trưa: “Anh ấy núp dưới bánh xe tăng để tranh thủ ăn nốt bữa cơm dang dở”, ông Tứ kể. “Nhưng một viên đạn bất ngờ xuyên qua đầu, rồi mãi ở lại chiến trường”.

"Có những người đồng đội bị bắn, da thịt họ áp cả vào xe tăng của tôi," ông Tứ nhớ lại. "Nhưng chúng tôi không được phép dừng lại, chỉ được tiến, không được phép lui. Chúng tôi cứ bước tiếp, để lại những người đồng đội của mình nằm lại nơi đất lạnh. Buồn thương không thể nào kể xiết."

Cuộc hội ngộ sau 40 năm

Chiếc xe tăng 846 năm ấy đã cùng ông Tứ và đồng đội chiến đấu oanh liệt, góp phần vào chiến thắng vang dội 30/4. Sau chiến tranh, mỗi người một ngả, bặt tin nhau nhiều năm trời. “Tất nhiên là tôi muốn tìm lại họ lắm chứ, nhưng biết họ ở đâu, biết họ như nào mà tìm”.

"Mãi đến dịp 30/4/2015, nhờ nhà báo Trần Mai Hưởng tìm kiếm, chúng tôi mới có cơ hội hội ngộ," ông Tứ xúc động nói. "Ngày gặp lại, bốn anh em năm xưa, giờ chỉ còn ba người: Chỉ huy xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên và tôi”.

Hôm gặp lại nhau, trời mưa tầm tã. Vượt qua 70 cây số đường trơn trượt, anh Yên cùng con trai vẫn quyết tâm đến Hà Nội để gặp gỡ đồng đội.

Nguyễn Bá Tứ - hồi ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập -0

Những bức ảnh kỷ niệm về cuộc hội ngộ 30/4/2015 (Ảnh: Hữu Thực)

"Nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng phải gặp nhau," ông Tứ khẳng định. "40 năm mới có cơ hội hội ngộ, làm sao bỏ lỡ được”.

Từ đó, những người lính xe tăng 846 đều cố gắng sắp xếp để gặp nhau mỗi dịp tháng Tư. "Khi thì ở Hà Đông, khi thì về trang trại ở Hà Nam, khi thì về quê của anh Quý, cũng có khi ở ngay gia đình tôi" - ông Tứ kể. "Lần nào gặp cũng luôn ấm áp, chân tình và đầy ắp những kỷ niệm."

Họ cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng, cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. "Sau chiến tranh, ai cũng về quê, không ai đi tiếp, phát triển lên thành sĩ quan cao cấp hay có vị trí gì đặc biệt", ông Tứ cho biết. 

"Nhưng những năm tháng chiến tranh để trải qua đâu có dễ, biết bao kỷ niệm với nhau thế nên chúng tôi cứ kể không hết chuyện", ông Tứ kể. "Bây giờ chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, thỉnh thoảng đến thăm nhau, ở cùng nhau 1-2 ngày rồi lại trở về nhà của mình."

Tuy nhiên, đến năm 2020, Chỉ huy xe - Thiếu úy Nguyễn Quang Hòa đã ra đi vì tai biến mạch máu não. “Vậy là bốn người trên chiếc xe tăng năm ấy nay chỉ còn 2”, ông Tứ xúc động. 

Đối với ông Tứ và đồng đội, được góp mặt trong chiến thắng 30/4 là vinh dự vô cùng to lớn, là ký ức đẹp đẽ nhất của một thời tuổi trẻ chẳng tiếc gì "máu xương".

Thanh Huyền - MĐT K41

Phản hồi