Danh mục Thứ Ba, 30/04/2024
Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0
“Về làng Chanh Thôn, nghe hát ca trù” đã trở thành câu mời cửa miệng của người dân xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Bởi lẽ, từ khi CLB Ca trù Chanh Thôn ra đời vào 16 năm trước, làn điệu dân ca này như được hồi sinh.
Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Ca trù xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 15, gắn liền với nhiều lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, triết lý sống của người Việt. Còn tại Chanh Thôn, mãi đến thế kỷ 18, những “hạt mầm” đầu tiên của ca trù mới được bén rễ, do cụ Nguyễn Xuân Đỉnh (một "kép đàn cừ khôi" từ Kinh kỳ phải di tản vì sưu thuế nặng nề của thực dân Pháp) truyền dạy.

Trò chuyện với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan - một trong ít những ca nương lớn tuổi còn hoạt động sôi nổi của làng và cũng là cựu chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, bà say sưa kể cho tôi về thời kỳ hoàng kim của môn nghệ thuật này.

 

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Tuy nhiên, đến khoảng năm 1945, giữa hoàn cảnh xã hội hỗn loạn, hầu hết các ca nương, kép đàn của làng phải mai danh ẩn tích, giấu tiệt đi những nhạc cụ quý giá. Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, họ nhanh chóng chuyển sang tham gia bộ đội, sản xuất nông nghiệp xây dựng đất nước. 

Sau hơn 60 năm thăng trầm bởi chiến tranh và mưu sinh, ca trù Chanh Thôn bị mai một nặng nề. Đến năm 2005, cả làng còn lại ba cụ có thể chơi được, đó là kép đàn Vũ Văn Khoái và hai ca nương Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu. Khoảng đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”. Từ đây, hành trình  hồi sinh nghệ thuật ca trù bắt đầu.

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Tiếp xúc với ca trù từ khi còn bé, nghệ nhân Nguyễn Thị Ngoan giờ đây như cuốn sách sống của CLB. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng bà vẫn nhớ rõ nhiều làn điệu cổ và thể cách hát, từ hát mưỡu, hát nói đến những kỹ năng phức tạp như tỳ bà hành, thiên thai, huê tình…Theo nghệ nhân, nét độc đáo của ca trù Chanh Thôn so với các nơi khác chính là ở cách hát và lời ca.

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Tuy giàu giá trị văn hóa là vậy, nhưng có một thực tế là những bài ca trù cổ lại rất kén người nghe. “Cái bác học, uyên thâm của ca trù thể hiện ở chỗ sử dụng nhiều từ Hán Việt ghép nối với nhau chặt chẽ theo niêm, luật thơ. Nếu người hát không hiểu sẽ rất khó thể hiện trọn vẹn ý nghĩa, và ngược lại, người nghe không hiểu sẽ khó để yêu thích”, bà Ngoan bày tỏ khó khăn khi truyền dạy lại ca trù.

Để ca trù gần gũi hơn với công chúng, những năm gần đây, CLB đẩy mạnh hoạt động sáng tác lời mới cho ca trù. Các tác phẩm như “Công cha nghĩa mẹ” được nhiều người đón nhận, phản ánh rõ nét đời sống hiện đại muôn màu của người dân.

Bên cạnh đó, cái hay của nghệ thuật ca trù còn ở sự hòa quyện nhịp nhàng giữa giọng hát và các nhạc cụ phách, đàn, trống. Vì thế, để đủ điều kiện đi biểu diễn, các thành viên của CLB cũng phải khổ luyện ít nhất từ 1 - 3 năm. 

Lê Xuân Đào (học sinh lớp 5) là một trong những ca nương trẻ tuổi tiềm năng của CLB. Điều đặc biệt hơn khi mẹ của em - chị Vũ Thị Ngân cũng là một ca nương đã vững nghề với gần 20 năm đi biểu diễn. Chia sẻ về quá trình truyền “lửa” cho con, chị Ngân cho biết: “Thời gian đầu con tìm đến vì thích. Sau này đi học rồi thì cũng có nhiều lúc con muốn bỏ vì hát khó. Nhưng tôi cũng cố gắng động viên bởi ca trù cũng như một cách để nuôi dưỡng tình yêu, rèn luyện đạo đức con người”.

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0
Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Thế nhưng, không phải thành viên nào cũng giàu kiên trì như ca nương Vũ Thị Ngân. Thiếu nhân lực trẻ trong khi các ca nương, kép đàn kỳ cựu ngày càng già đi, đó là khó khăn lớn nhất của CLB bây giờ.  

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà (chủ nhiệm hiện tại của CLB ca trù Chanh Thôn) cho biết: “CLB Ca trù Chanh thôn hoạt động trên tinh thần tự nguyện, dạy miễn phí. Dù thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia học tập nhưng lại rất ít bạn có đủ đam mê để theo đuổi vì phải ưu tiên việc học và bận đi làm kinh tế”. 

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Một buổi trình diễn ca trù của CLB (Ảnh: NVCC)

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngoan bày tỏ: “Để truyền dạy ca trù, lòng đam mê của các nghệ nhân như chúng tôi là không đủ. Nếu không có cách thức tổ chức hợp lý, thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình để động viên các cháu tham gia thì CLB cũng khó duy trì được sinh hoạt như bây giờ”. 

Hiện nay, 2 /3 thành viên của CLB ca trù Chanh thôn là các bạn học sinh đang từ 8 đến 12 tuổi. Việc học ca trù chỉ dừng lại trong hai buổi sinh hoạt vào cuối tuần. Trong khi đó, tại Bắc Ninh, dân ca quan họ cũng là bộ môn nghệ thuật truyền thống và đã được đưa vào giảng dạy trong nhiều trường học. Vì vậy, theo bà Ngoan, đây là một hạn chế lớn của quá trình gìn giữ di sản.

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0

Ngoài ra, việc thiếu những không gian văn hóa để tập luyện và biểu diễn thường xuyên cũng là một điều khiến nhiều nghệ nhân tiếc nuối. Như CLB ca trù Chanh Thôn, địa điểm sinh hoạt chính vẫn phải mượn tạm nhà riêng của một kép đàn. “Thôn có đầu tư cho CLB nhà văn hóa để sinh hoạt, nhưng lại gần đường lớn nên chúng tôi rất khó để đảm bảo an toàn cho các cháu đến tham gia tập luyện”, bà Ngoan cho biết thêm. 

“Tre già măng mọc”, rồi cũng đến lúc những ca nương như Nguyễn Thị Ngoan, Nguyễn Thị Hà hay Vũ Thị Ngân phải nhường lại sân khấu cho lớp trẻ kế nghiệp. Liệu sau này mười đến hai mươi năm nữa, có còn những nghệ nhân tài hoa, nhiệt huyết như thế hệ hiện tại. Hành trình gìn giữ di sản ca trù vẫn cần cố gắng rất nhiều, không chỉ của bản thân các nghệ nhân mà còn của cả nhà trường và xã hội.

Thăng trầm làn điệu ca trù Chanh Thôn -0