Danh mục Thứ Ba, 17/09/2024

Chuyên đề \

Góp nhặt hạnh phúc từ những suất cơm "0 đồng"

09:54 27-05-2024
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ cuối phố Đồng Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là  một căn bếp ấm áp, luôn ngập tràn tình yêu thương. Tại đây, những thành viên của “Bếp Nhà Mình" đã và đang gửi gắm cái tình qua từng suất cơm “0 đồng”.

Cứ sáng thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, từ 5 giờ 30 phút, khi trời mới tờ mờ sáng, “Bếp Nhà Mình" bắt đầu đỏ lửa, tiếng cười nói rôm rả của các thành viên khiến không khí ở đây lúc nào cũng vui vẻ và đầm ấm như trong một gia đình. Mỗi người một việc, những đôi bàn tay thoăn thoắt đang chuẩn bị 100 suất ăn cho những người lao động. Những suất cơm tuy nhỏ nhưng đã giúp cho không ít người ấm lòng, động viên họ vượt qua cuộc sống khó khăn..

Những tấm lòng thơm thảo gặp nhau

Đến thăm “Bếp Nhà Mình”, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những hàng dài người xếp hàng ngay ngắn để không cản trở giao thông. Người bên trong tất bật chuẩn bị đồ ăn, người bên ngoài liên tục nhắc nhở lẫn nhau giữ trật tự, xếp hàng ngay ngắn chờ đợi đến lượt. 

Hàng dài người xếp hàng ngay ngắn khi đợi đến lượt mình để không cản trở giao thông. (Ảnh: NVCC) 

Thời gian đầu mới thành lập, bếp cơm thiếu thốn từ dụng cụ đến nhân lực và tài chính, mọi người phải vừa đi làm công việc chính, vừa tranh thủ thời gian rảnh duy trì hoạt động của bếp. “Để nhà ăn hoạt động đến tận bây giờ là có sự chung tay đồng lòng của mọi người. Các suất ăn hàng ngày chúng tôi đều thay đổi món cho mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị dễ ăn hơn”, chị Lê Thanh Huyền, thành viên cốt cán từ những ngày đầu của bếp chia sẻ.

Khó khăn là vậy nhưng những người ở đây chưa bao giờ muốn buông xuôi, chị  Huyền nhớ lại: "Khi mới thành lập, chúng tôi ai có cái gì thì tận dụng mang cái đấy đến, từ cái dao, xoong, chậu, chảo, nồi, bếp than,…. Khó khăn thì có nhiều nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy mệt mỏi hay cảm thấy chán nản công việc này, vì mình có cái tâm làm việc thiện nên bản thân không bao giờ nghĩ đến việc chán". 

Dù quy mô nhỏ nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, nhóm phân chia công việc  rõ ràng: Người làm truyền thông trên Facebook, người làm thủ quỹ và người làm đối nội đối ngoại…Càng về sau, bếp cơm đã kết nạp thêm được nhiều  người và ngày càng phát triển.  

"Những người đến với Bếp Nhà Mình thì đều có quan điểm, lý do riêng  nhưng tất cả đều mong muốn hướng thiện, muốn làm việc thiện. Đó là tâm nguyện  nho nhỏ đem công sức của mình giúp đời, giúp người", anh Nguyễn Thế Cường (thành viên của Bếp Nhà Mình) chia sẻ. 

Anh cho biết thêm, chứng kiến những người bệnh, những người lao động chật vật mưu sinh, bị bệnh nhưng vẫn phải tranh thủ  làm đủ các công việc để kiếm tiền nên anh cùng vài người bạn thành lập bếp cơm, lấy tên là “Bếp Nhà Mình”, tức là mong muốn mọi người đến với bếp luôn cảm thấy hạnh phúc như được trở về nhà. 

Tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực

Mỗi buổi hoạt động, bếp sẽ nấu khoảng 100 suất cơm. Đúng 10h00, từng suất cơm chay được đóng hộp cẩn thận phát cho người dân. Với mỗi suất cơm, các thành viên của bếp đều muốn gửi gắm  tình cảm đến những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động...tiếp thêm chút lửa cho những mảnh đời này.

Từng suất cơm chay được đóng hộp cẩn thận phát cho người dân. (Ảnh: NVCC) 

Làm cơm cho bệnh nhân và người lao động không phải là việc dễ dàng, không thể làm qua loa cho có. Bởi vậy, nguồn thực phẩm là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn An Nhiên (đầu bếp của bếp cơm) chia sẻ: "Những người bệnh cũng như những người lao động đến với bếp sẽ đều được đặt  sức  khoẻ lên đầu nên quan trọng nhất vẫn là nguồn thực phẩm sạch sẽ, như thế mới đảm bảo an toàn cho mọi người". 

Nguồn thực phẩm là yếu tố được đặt lên hàng đầu. (Ảnh: NVCC) 

Những suất cơm tuy miễn phí nhưng đầy đủ dưỡng chất với các món chay giả mặn và rau xanh được các thành viên bếp cơm chuẩn bị chu đáo. Chị Nhiên quan niệm, những suất cơm đó cũng là sự gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia của bếp đối với bệnh nhân, người lao động bởi vậy phải làm cẩn thận, làm bằng cái  tâm của mình.  

Suất cơm đầy đủ dinh dưỡng do bếp cơm chuẩn bị. (Ảnh: Lê Linh) 

Theo chị Nhiên: “Đỡ được phần nào chi phí cho những người ở xa đến đây điều trị bệnh, rồi những người lao động có hoàn cảnh khó khăn đó là hiệu quả lớn nhất nhóm thiện nguyện chúng tôi đã đạt được”. Chị cho biết thêm, kinh phí để duy trì bếp ăn “0 đồng” có sự chung tay hỗ trợ của mạnh thường quân, có người ủng hộ gạo, có người ủng hộ rau củ,…nhiều bạn sinh viên mang từng túi gạo nhỏ đến ủng hộ, đồng thời hỗ trợ bếp trong quá trình sơ chế nguyên liệu và chế biến đồ ăn.

Khi thành lập bếp cơm 0 đồng, mong muốn lớn nhất của các thành viên là được giúp đỡ bệnh nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được nhận tận tay những suất cơm thiện nguyện, giúp họ có thêm động lực đấu tranh với bệnh tật, cái đói nghèo. Đồng thời, bếp cũng mong muốn được gieo duyên cho mọi người ăn chay, hơn nữa tạo tiền đề phát huy nội lực của cộng đồng trong phong trào thiện nguyện.  

Với những bệnh nhân, những người lao động, một phần ăn tuy nhỏ nhưng cũng giúp họ đỡ được nhiều vấn đề. “Được phát cơm miễn phí tôi vui và phấn khởi lắm, đồ ăn ở đây được nấu rất ngon, đặc biệt các món ăn được thay đổi mỗi ngày. Nhận suất cơm từ các thành viên của bếp nhiệt tình, chu đáo, vui vẻ tôi thấy tuyệt vời lắm", chị Nguyễn Thu Hà (người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Đại học Y) xúc động.

Suất ăn được trao đến tay những người lao động. (Ảnh: NVCC) 

Kể từ khi thành lập, “Bếp Nhà Mình” đã giúp cho các bệnh nhân những người lao động đỡ đi phần nào nỗi lo ăn uống mỗi buổi điều trị, mỗi ca làm việc nặng nhọc. Dù mưa hay nắng, dù vất vả, mệt mỏi, anh Cường và toàn bộ thành viên trong đại gia đình bếp cơm 0 đồng luôn nở nụ cười trìu mến, tiếp tục cố gắng, gửi "cái tình" trong từng suất cơm đến  những người nhận.  

Một ngày với những công việc giản đơn như thế nhưng đối với những con người thiện nguyện này lại chính là niềm hạnh phúc vì được cho đi mà không cầu mong  ngày nhận lại sự đáp trả. Đó cũng là cách thể hiện nét đẹp truyền thống là lành đùm là rách của dân tộc Việt Nam.

Lê Linh - MĐT K41

Phản hồi