Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Chuyên đề \

"Cách mạng màu" - Con sâu đục khoét lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước (Bài 2)

20:40 12-05-2024
Với những âm mưu, thủ đoạn phức tạp và khó nhận biết, cách mạng màu đã và đang trở thành một nguy cơ tiềm tàng đe dọa hòa bình thế giới; từng bước đục khoét bên trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam.

“Cách mạng màu” đã và đang diễn ra hàng chục năm nay trên toàn thế giới, là một trong những phương thức bạo loạn, lật đổ công phu và tinh vi nhất của các thế lực thù địch. Trong thời đại hiện nay, sự suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những chuyển biến, bất ổn chính trị càng là “thời cơ vàng” cho những kẻ phản động lật đổ chính quyền đương nhiệm và lập nên một chính phủ thân Mỹ và các nước phương Tây.

Những cuộc "cách mạng sắc màu" trong lịch sử thế giới

Cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc năm 1989 là một loạt các cuộc biểu tình, bạo động chống cộng của người Tiệp Khắc. Sự kiện đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa kéo dài 41 năm, ghi tên quốc gia này vào chuỗi sụp đổ của Đảng Cộng sản tại khắp các nước Đông  u trong thời điểm đó. Giải tán chế độ một Đảng cầm quyền, cuộc bầu cử đa đảng tại Tiệp Khắc đã châm ngòi cho các xung đột sắc tộc giữa người Séc và người Slovakia, khiến việc duy trì quốc gia thống nhất không còn thực hiện được.

Cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc. (Ảnh: Nghiên cứu lịch sử) 

Cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004 ghi nhận sự trỗi dậy của các cuộc biểu tình và các sự kiện chính trị được tổ chức bởi nhóm của ứng cử viên tổng thống Viktor Andriyovych Yushchenko thuộc khối đối lập Ukraine với lập trường “bài Nga - ủng hộ phương Tây”. Trái ngược với mong đợi của ông Yushchenko và những người cùng phe, Liên minh Châu  u (EU) đã không để Ukraine bước vào “đại gia đình châu  u”. Đồng thời, sau khi lên nắm quyền, thay vì đoàn kết để tiến hành những cải cách cần thiết, giới lãnh đạo Cách mạng Cam lại chia rẽ, đấu đá, tranh giành quyền lực. Như một hậu quả tất yếu, Ukraine vẫn phải đối mặt với nạn tham nhũng, nợ nần vô tổ chức, thậm chí là chiến tranh liên miên.

 Cách mạng Cam tại Ukraine. (Ảnh: Timpul)

Mùa xuân Ả Rập năm 2010 đã gieo rắc tang thương lên các quốc gia vùng Trung Đông: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritania, Ả Rập Xê Út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc. Được xướng tên như một đại diện tiêu biểu của “cách mạng màu”, diễn biến của Mùa xuân Ả Rập bao gồm một loạt các hoạt động biểu tình, bạo động dưới nhiều hình thức như: đình công, chống đối dân sự, vận động trên mạng xã hội,... Sự bất bình của nhân dân trước nạn tham nhũng, vi phạm nhân quyền và tình trạng đói nghèo cùng cực chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” so với sự giật dây đằng sau của các thế lực chính trị phương Tây. Nghiêm trọng hơn, các phương tiện truyền thông xã hội như truyền hình, Facebook đã trở thành công cụ cho các lực lượng bạo động tuyên truyền tư tưởng và tổ chức các cuộc nổi dậy. 

 Mùa xuân Ả Rập. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thẳng thắn nhận xét: “Thành thật mà nói thì phong trào Mùa xuân Ả Rập đã mang lại được điều gì tốt đẹp cho thế giới Ả Rập? Có mang lại tự do không? Chỉ một tí xíu mà thôi. Tại hầu hết các quốc gia, nó gây ra tình trạng xung đột đẫm máu không ngừng, thay đổi chế độ và bất ổn triền miên”.

Như vậy, tính từ cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, trên thế giới, có rất nhiều quốc gia chịu sự tác động của “cách mạng màu”. Chưa phản ánh về những lợi ích “mật ngọt” mà Mỹ và các nước phương Tây hứa hẹn như việc gia nhập vào khối Liên minh châu Âu (EU), lật đổ chính quyền để “giương cao ngọn cờ dân chủ”,... thì hiện thực đã cho thấy cuộc sống khổ cực của nhân dân các nước sau khi “cách mạng màu” xảy ra. 

Những ước nguyện, hy vọng le lói cuối cùng của người dân các nước như Ukraine và vùng Trung Đông,... về một cuộc sống tươi sáng, no ấm đã bị “dập tắt” sau công cuộc cách mạng cải tổ mà chính họ tạo ra. Lúc này, dù có nỗ lực bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng thực tế không thể thay đổi được gì vì đây là “sân chơi chính trị” của những “ông lớn” trên thế giới. Mỹ và chính quyền thân Mỹ chỉ tạo ra vấn đề mà không có giải pháp triệt để giải quyết hậu quả mà “cách mạng màu” đã gây ra. Thấy rằng, dù người dân là đối tượng chính tạo nên “cách mạng màu” trong nội bộ quốc gia nhưng thực chất, họ chỉ là những người bị lôi kéo, xúi giục trước những luận điệu xảo trá, xuyên tạc của thế lực thù địch, chống phá chính đảng. 

Cảnh báo nguy cơ cách mạng màu tại Việt Nam

Việt Nam cũng là đối tượng nằm trong chiêu bài “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, “cách mạng Hoa Sen” dấy lên năm 2011 từng là một cái tên tiêu biểu. Với phong trào này, các thế lực thù địch đã biến tấu khuynh hướng chống phá nhằm đánh lừa dân chúng; kết hợp cả thủ đoạn cũ với thủ đoạn mới là tán dương, ủng hộ tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Đúc rút kinh nghiệm từ những cuộc “cách mạng màu” trên thế giới, chúng coi Internet như phương tiện chính để lôi kéo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam “hành động” đòi nhân quyền, yêu sách. Bằng sự phát hiện và ngăn chặn kịp thời, “cách mạng Hoa Sen” dù được xây dựng tỉ mỉ từng bước đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xóa bỏ.

“Cách mạng Hoa Sen” nhắm đến đối tượng chính là thanh thiếu niên, kích động thanh niên biểu tình, bạo loạn. (Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống) 

“Cách mạng Hoa Sen” là cuộc cách mạng ảo tưởng của những kẻ hoang tưởng hòng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. (Ảnh: VTV) 

Không chỉ “cách mạng Hoa Sen”, cuộc “cách mạng Trắng” năm 2020 cũng là phát súng nhắm thẳng đến nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phong trào được khởi xướng bởi các hội đoàn chống cộng cực đoan, muốn giải thể chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sẵn lửa hận trong lòng cùng những âm mưu thâm độc, các thế lực thù địch đã xuyên tạc lịch sử nước ta; đặt điều, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng. Chúng lấy quyền tự do ngôn luận làm “áo giáp” để thuận lợi hướng mũi dùi về Đảng Cộng sản Việt Nam và tâng bốc sự dân chủ, văn minh của Mỹ. Các đối tượng đã sử dụng triệt để sức mạnh lan tỏa của những phương tiện truyền thông như mạng xã hội Youtube, Facebook, Twitter (X); các đài VOA, BBC, RFA (Radio Free Asia), Việt Tân,... nhằm truyền bá tư tưởng sai lệch, bóp méo lịch sử; kích động phân biệt vùng miền và bạo loạn lật đổ. 

 
 
 
 

Những luận điệu xuyên tạc, bài viết kích động chống phá trên các diễn đàn, mạng xã hội của thế lực phản động. 

Cuốn sách “Cách mạng Trắng cho Việt Nam” được viết bởi 1 luật sư người Mỹ gốc Việt - người luôn hô hào khẩu hiệu yêu nước, đòi nhân quyền.

 

 Hành vi chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra ngày càng phức tạp, là con sâu đục khoét lòng tin giữa Đảng và nhân dân Việt Nam.

Năm 2023-2024 ghi nhận sự thành công rực rỡ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy vậy, đối với các thế lực thù địch, đây chính là thời cơ hoàn hảo để từng bước phát động một cuộc “cách mạng màu” tiếp theo tại Việt Nam. Lợi dụng sự “ngã ngựa” của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương, các đối tượng đã đưa những luận điệu sai trái, thù địch với mục đích “bóc trần” sự yếu kém, việc “thanh trừng phe phái” trong nội bộ Đảng cầm quyền. Thực tế cho thấy, Chiến dịch “Đốt lò” không vùng cấm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang phát huy hiệu quả trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các thế lịch thù địch đã lợi dụng “đốt lò” để “thổi lửa” chống phá.

Những luận điệu sai trái, thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, làm lung lay niềm tin giữa nhân dân và Đảng, Nhà nước được khoác lên một vỏ bọc lập luận sắc sảo, thể hiện tinh thần “yêu nước” và có tính “phê phán” sâu sắc. Các đối tượng đánh vào tâm lý lo lắng, bất ngờ của người dân Việt Nam trước hàng loạt những lãnh đạo tham nhũng phải thôi giữ các chức vụ, vướng vào vòng lao lý. Chúng khẳng định nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực là do chế độ một Đảng cầm quyền; bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều là những lý luận đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của đất nước, là “mồi lửa” thổi bùng lên lòng tham trong cán bộ. 

 

Video đã thể hiện rõ quan điểm sai trái: “Giới quan sát nhận định rằng, chiến dịch “Đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đã thất bại. Việc hạ bệ các quan chức hàng đầu Chính phủ hay bất cứ ai không giải quyết được cốt lõi của vấn đề tham nhũng vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại của Đảng Cộng sản Việt Nam”. 

 
 

Những bài viết của một luật sư người Mỹ gốc Việt - người tự xưng là luật sư nhân quyền cho thấy những luận điệu tinh vi, kèm theo một loạt các dẫn chứng từ sự kiện, luật pháp,... nhằm tăng sức thuyết phục, dễ bề lôi kéo, đả phá nền tảng tư tưởng và phủ định đường lối, chiến lược của Đảng. 

 

Các hoạt động chống phá vẫn đang diễn ra sôi nổi. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã gián tiếp trở thành lợi thế cho những cuộc “cách mạng màu” thế kỷ 21. 

Là một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam là một mục tiêu quan trong trong cơn càn quét chế độ phản tư bản bản chủ nghĩa của “cách mạng màu”. Những dẫn chứng trên chỉ là một trong số những “phát súng” tiêu biểu của cuộc cách mạng này tại Việt Nam. Trên thực tế, những lực lượng chống chính quyền Đảng cộng sản Việt Nam còn rất nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi đã và đang sử dụng. 

Sử dụng chiêu bài truyền thống là lợi dụng mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh hơn, những thế lực thù địch tiếp tục công kích, tuyên truyền, lợi dụng những sai sót, khuyết điểm của chính quyền, lãnh đạo nhà nước, Đảng Cộng sản để làm xấu hình ảnh chính đảng trong mắt nhân dân. Qua đó, tiến hành những bước tiếp theo trong công cuộc “cách mạng màu” tại Việt Nam. 

Đồng thời, cũng giống như các quốc gia bị “cách mạng màu” tấn công, lực lượng thù địch vẫn hướng mục tiêu tới thế hệ trẻ, những người chưa có đủ nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị để tuyên truyền, kích động, hạ thấp uy thế của chế độ xã hội chủ nghĩa bằng cả vật chất lẫn tinh thần. 

Giải pháp nào để dập tắt âm mưu cách mạng màu tại Việt Nam?

Việt Nam nói riêng cũng như các nước là đối tượng của “cách mạng màu” nói chung đều có chung xuất phát điểm về “cách mạng màu” là liên quan tới vấn đề “dân chủ”. Như đã khẳng định ở trên, ước nguyện về một cuộc sống sung túc, đầy đủ là một điều hoàn toàn chính đáng của mỗi công dân. Tuy nhiên, vì trình độ dân trí, hiểu biết thấp cùng những lời “mật ngọt” của thế lực đối lập chính đảng đã khiến cuộc sống của nhân dân tại các nước xảy ra “cách mạng màu” rơi vào tình thế vô cùng đau buồn. 

Tại Việt Nam, khái niệm “dân chủ” được xuất phát từ cả hai hướng: dân có quyền làm chủ và dân có nghĩa vụ làm chủ. Đó là, các cán bộ, công chức trong hàng ngũ Đảng, Nhà nước phải là công bộc của nhân dân, phải làm việc bảo đảm theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó, mỗi người dân phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật mà nhà nước đã đề ra. Nếu không, tình hình đất nước chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng “dân chủ mất kiểm soát”, gây nên nhiều hệ lụy. Những hệ lụy có thể kể đến như tình trạng bất ổn chính trị, biểu tình có vũ trang, xả súng, bạo động,... Những hệ lụy này không khó để bắt gặp tại cái được gọi là “nền dân chủ Mỹ” - khi chính quyền Mỹ tự cho mình cái quyền “thích” đánh ai thì đánh, nếu không muốn trực tiếp đánh thì xúi giục và hỗ trợ người khác đánh. Hay theo  trích dẫn trên tờ Tạp chí cộng sản, tác giả Đặng Tiến Đạt (Học viện Chính trị khu vực IV) có nhận định: “nền dân chủ Mỹ”: chỉ là nền dân chủ của giới nhà giàu hay nền dân chủ “đấu giá”, giả hiệu… Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”, như các học giả phương Tây vẫn rêu rao.

Như vậy, khái niệm đúng về vấn đề “dân chủ” đã và đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam hiểu rõ và cố gắng hoàn thiện. Đảng và Nhà nước ta đang ngày một nỗ lực trong việc cải tổ đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, bắt buộc phải có những thất bại, bài học để làm tiền đề kinh nghiệm cho những đường lối, chính sách sau này. Do vậy, nhân dân Việt Nam cần phải thận trọng, tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá công cuộc nỗ lực đổi mới của nhà nước trong tình hình chính trị thế giới bất ổn hiện nay. 

 Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng mang trọng trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền những đường lối, chính sách của Nhà nước.

Trong đó, đặc biệt cần chú trọng về công tác văn hóa, tư tưởng cũng như tinh thần cảnh giác cho người dân về “cách mạng màu” và bản chất cũng như phương thức can thiệp của Mỹ và phương Tây. Về lâu dài, cần thực hiện cải cách giáo dục, nâng cao dân trí cho toàn dân. Hiện nay, công tác thông tin còn nhiều bất cập. Cần công khai, minh bạch, thông tin cho nhân dân những thông tin cần thiết để người dân không tiếp cận những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội. Được tiếp nhận thông tin chính thức là nhu cầu chính đáng của người dân. Các quốc gia nổ ra “cách mạng màu” thường buông lỏng lãnh đạo, quản lý với lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin - truyền thông... Do đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, pháp luật về an ninh thông tin, trong đó chủ đạo là Cục An ninh thông tin truyền thông nhằm định hướng đúng dư luận, kịp thời khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động thông tin - báo chí.

Hà Phương, Mỹ Uyên

Phản hồi