Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Vì một tiếng "thương" dành cho những học trò vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân đã kiên trì bám bản suốt 12 năm “cõng chữ lên non”, ngày đêm âm thầm “thắp lửa" cho những ước mơ nơi bản làng xa xôi, hẻo lánh.

Cô Nguyễn Thị Thuý Vân (39 tuổi, Đoan Hùng, Phú Thọ) hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 6A tại trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở Chiến Phố (Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang). Trong suốt 12 năm gắn bó với nghề, cô vẫn luôn miệt mài với hành trình “trồng người”.

Cô Nguyễn Thị Thuý Vân công tác tại điểm trường THCS Chiến Phố. (Ảnh: NVCC)

Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0

Giữa bốn bề chỉ có rừng cây và núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn lại phải sống xa nhà, nhiều người tìm cách rời bỏ, thế nhưng suốt 12 năm qua, cô Nguyễn Thị Thuý Vân vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn để bám trường, bám lớp dìu dắt các em học sinh nơi đây trưởng thành.

Hơn 12 năm trước, sau khi được giới thiệu lên công tác tại Trường Chiến Phố, với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Vân không ngần ngại đồng ý ngay. Cô chia sẻ: “Bản thân tôi ban đầu cũng đắn đo khi đưa ra quyết định này nhưng thật may mắn vì luôn có những người thân và bạn bè động viên.” Nhờ sự hậu thuẫn từ gia đình, nữ giáo viên ấy đã quyết tâm hoàn thành sứ mệnh gieo con chữ của mình.

Cô Vân kể lại những ngày đầu lên nhận công tác gặp muôn vàn gian nan, vất vả. Cô phải di chuyển 15km trên đường đất có nhiều đá tai mèo sắc nhọn, tiếp tục leo trên những con dốc cao, men theo sườn núi mới đến được điểm trường. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, dắt xe máy cũng khó chứ chưa nói là đi.

Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0
“Có nhiều lúc cũng mệt mỏi với thời tiết khắc nghiệt, với hành trình gian nan đến trường nhưng vì “lỡ yêu” vùng đất và con người nơi đây, quan trọng hơn cả là tình thương với các em học sinh bản thân tôi lại tự nhủ, mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp một phần nào đó giúp đỡ các em học sinh trưởng thành.”, cô Vân bày tỏ.

Điểm trường THCS Chiến Phố. (Ảnh: NVCC) 

Khó khăn về vật chất hay điều kiện sinh hoạt, giảng dạy vẫn không làm cô nản chí trong hành trình "cõng chữ lên non". Không có món quà nào hạnh phúc hơn những ánh mắt trẻ thơ khi được học con chữ, được tìm hiểu và học tập kiến thức dưới mái trường và sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo. Đây có lẽ cũng là nguồn động lực to lớn giúp cô Thuý Vân và các thầy, cô giáo trường THCS Chiến Phố vững tâm bám lớp, bám trường, đem con chữ đến với học sinh.
Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0
“Có lẽ, động lực lớn nhất giúp tôi bám trường, bám lớp là những nụ cười hồn nhiên của học trò, sự chân thành của người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc nhưng chan chứa tình yêu thương, thân thiện, gần gũi.”, cô cười và nói.

Những nụ cười hồn nhiên của học trò là nguồn động lực to lớn giúp cô vững tâm bám lớp, bám trường. (Ảnh: NVCC) 

Nhớ lại những kỉ niệm khó phai gắn liền với nơi vùng cao hùng vĩ này, cô Vân không cầm được giọt nước mặt. Cô xúc động kể lại, vào năm 2018, cô được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp 6. Trong lớp có 1 em vì sơ suất khi hơ chân trên bếp củi trong thời tiết giá rét mà khiến nồi nước sôi trên bếp củi đổ trực tiếp vào người, em bị bỏng 61% cơ thể. 

“Thấy em không đi học tôi gọi điện, bố em bảo bị ốm. 2 hôm sau gọi lại, bố em nói em đang nằm viện, thêm 2 ngày nữa tôi tính xuống viện thăm em thì bố em nói em sắp được ra viện về, tôi mới yên tâm được phần nào.

Hôm sau biết em đã được về tôi cùng một thầy giáo và 3 em học sinh đến thăm thì thật không tin nổi, cơ thể em đã bị nhiễm trùng, em nằm đó và bị sốt cao, trên người toàn bột lá cây, do bố em xin bệnh viện về nói là đắp thuốc nam, khiến lòng tôi nhiều trăn trở.” 

Cô Vân động viên gia đình cho con đi viện, bố em chần chừ không nói gì, người giáo viên vùng cao không do dự mà ngay lập tức liên hệ nhờ trợ giúp khắp nơi. Thật may mắn các mạnh thường quân đã tìm đến và vận động gia đình đưa em đi viện. 

Khi được sự chấp thuận từ phía gia đình, cô Vân liên hệ với đồn biên phòng nhờ hỗ trợ chở em đến bệnh viện. Nhìn cơ thể em co rúm được băng bó phần dưới bằng một chiếc chăn mỏng, vì đau rát mà không mặc nổi áo quần, huyết tương chảy ra từng giọt khiến lòng người giáo viên ấy nhói lên từng cơn. “Cảm giác lúc đó khó tả lắm. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in sự việc xảy ra ngày hôm đó. Nếu không được cấp cứu kịp thời, e là em sẽ khó qua khỏi.”, cô Vân xúc động nhớ lại.

Sau khi chuyển từ Bệnh viện tỉnh về Bệnh viện bỏng quốc gia Hà Nội, chỉ sau 25 ngày điều trị em đã có thể trở lại trường lớp học tập bình thường. Hiện cậu học sinh lớp 3 với học lực khá ấy vẫn hằng ngày nỗ lực tìm đến con chữ, tìm đến một cuộc sống tốt hơn.

Phải thực sự tâm huyết, yêu nghề và dành nhiều tình thương với học sinh thì những người giáo viên “bám bản” như cô Vân mới có thể làm được những điều phi thường đến vậy. Cũng chính nhờ điều đó mà học sinh tại điểm Trường Chiến Phố luôn cố gắng đi học đều, nhiều em có thành tích học tập rất tốt.

Các em học sinh luôn cố gắng học tập, nhiều em có thành tích học tập rất tốt (Ảnh: NVCC)  

Cô cho biết thêm: “Trong suốt quá trình công tác tôi cũng chứng kiến nhiều em học sinh phải nghỉ học giữa chừng với nhiều lý do khác nhau như: do gia đình quá nghèo phải bươn chải cùng cha mẹ kiếm sống, có những em chưa có động tực từ bản thân để tiếp tục đi học,...”

Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0
Đối với cô giáo Nguyễn Thị Thuý Vân, chỉ cần học sinh đi học đều, luôn khỏe mạnh cũng chính là động lực lớn nhất tiếp thêm sức mạnh để cô viết tiếp hành trình “gieo hy vọng” của mình.
Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0
Suốt 12 năm gắn bó với nơi này, cô Nguyễn Thị Thuý Vân đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho mảnh đất và con người nơi đây. Đối với cô, cuộc sống nơi đây vô cùng thoải mái, chậm rãi và yên bình. Người dân hiền hòa, thân thiện, luôn giúp đỡ nhiệt tình, coi cô như người thân trong gia đình. “Tôi đã quen với nếp sống nơi đây, khi ở đây, tôi có cảm giác như được trở về nhà”, cô Vân tâm sự.
Nhọc nhằn hành trình “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Chiến Phố -0
Gặp vô vàn những khó khăn, dù đã dành cả tuổi thanh xuân âm thầm "bám bản", nhưng ngọn lửa nhiệt huyết với nghề của cô Vân chưa bao giờ vụt tắt: “Khi làm việc và được tiếp xúc với các em, tôi lại cảm thấy nhiệt huyết trong mình ngày một nhiều hơn, muốn cống hiến nhiều hơn. Nếu như được chọn lại, tôi vẫn không hối hận với quyết định của mình. Vẫn sẽ chọn làm giáo viên để mang con chữ đến những bản làng xa xôi, góp phần giúp cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn”.

Cô Nguyễn Thị Thuý Vân vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn để bám trường, bám lớp dìu dắt các em học sinh nơi đây trưởng thành. (Ảnh: NVCC) 

Thật khó có thể kể hết những khó khăn của những thầy, cô giáo vùng cao, vượt lên gian khó, họ vẫn từng ngày cần mẫn nơi bản làng xa xôi, hẻo lánh để gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ đã và đang làm cho con chữ dần nảy mầm trong đá.  
 

Lê Linh - MĐT K41