Danh mục Thứ Hai, 17/06/2024
 
Với nhiều người, đánh giày chỉ là nghề tạm bợ để sống qua ngày nhưng đối với anh Nguyễn Văn Phúc (Hà Nội), đây là công việc đưa anh từ một chàng trai yếu thế trở thành chủ Bệnh viện đồ da - nơi thay đổi cuộc sống của nhiều người. 
Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Bằng Liệt, quận Hoàng Mai, Bệnh viện đồ da là nơi gồm những nhân sự có hoàn cảnh đặc biệt. Đây không chỉ là nơi sữa chữa, phục chế đồ da mà còn là nơi “phục chế” cuộc đời của những người kém may mắn.
 Hành trình mở Bệnh viện đồ da cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời -0
Nguyễn Văn Phúc bén duyên với nghề đánh giày từ nhỏ, gia đình khó khăn, Phúc đi đánh giày để phụ giúp gia đình kiếm sống. Công việc ấy gắn bó với anh từ bé, đến khi đi làm phóng viên ở VTV, anh vẫn không từ bỏ. Cứ cuối tuần, anh lại đi đánh giày, anh coi đây là một công việc giúp mình cảm thấy vui vẻ và thoải mái.

Xưởng sửa chữa đồ da nằm trong con ngõ nhỏ Bằng Liệt (Ảnh: Thuỳ Dương) 

 Hành trình mở Bệnh viện đồ da cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời -0

 

Từ khi còn đi học, Nguyễn Văn Phúc đã cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam, sau khi ra trường, anh làm biên tập viên tại VTV 6: “Từ khi là sinh viên năm 2, năm 3, mình may mắn có cơ hội đi làm và tiếp xúc, trải nghiệm thực tế, thời gian này mình có thu nhập rất ổn. Thời gian làm ở VTV, mình phụ trách chương trình Sinh ra từ làng, tiếp xúc hàng ngày với nhiều thanh niên ở nông thôn làm kinh tế giỏi. Mình rất hâm mộ và khâm phục họ, bản thân cũng muốn giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của những người có hoàn cảnh như mình”.
Sau khi đi làm một thời gian, được làm nhiều phóng sự về con người, Phúc nghĩ đến bản thân và những người cùng đánh giày. Họ là đối tượng ít nhận được trợ cấp an sinh xã hội, khi có rủi ro như bị tai nạn, lạm dụng, lừa đảo, dính vào tệ nạn họ hoàn toàn phải tự đối mặt và giải quyết mà không nhận được sự bảo trợ từ bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Đây là lý do chính để anh Phúc mở Bệnh viện đồ da.
 Hành trình mở Bệnh viện đồ da cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời -0

Năm 2015, khi đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với đồ hiệu khá nhiều, từ đó anh tìm hiểu và nghiên cứu quy trình bảo dưỡng, chăm sóc đồ da với phân khúc cao hơn. Sau một thời gian được bạn bè giúp đỡ, Phúc tìm ra được quy trình phù hợp, nhận thấy chăm sóc đồ da hiện nay đang thiếu nhân lực, anh đã ấp ủ dự định mở Bệnh viện đồ da cho đến năm 2018, khi nghỉ làm báo mới bắt tay vào làm.

Vào năm 2018, anh cùng một người bạn tên Chiến với số vốn ít ỏi cùng gây dựng xưởng sửa chữa đồ da. Chia sẻ về thời gian đầu đầy khó khăn, anh Phúc cho biết: “Thời gian đầu vốn rất ít, phải vay mượn, xưởng không thuê mặt bằng mà nhờ kho của người quen. Những năm ấy trời mưa dột, nóng hầm hập.

Mình tự làm tất cả từ tìm hiểu quy trình chăm sóc đồ da của các nước rồi hướng dẫn Chiến, sau đó làm fanpage, in ấn bảng biểu, tìm cách đưa khách hàng về. Chiến làm ở xưởng từ sáng đến tối sau đó đi đánh giày để duy trì cuộc sống còn mình chiều tối đi dạy quay dựng để kiếm thêm thu nhập. May mắn là mọi thứ dần ổn, khi ấy mới có thêm nhân sự”.

Nguyễn Văn Phúc từ bỏ nghề báo theo “nghiệp” đánh giày (Ảnh: Thuỳ Dương) 

Hơn ai hết, anh Phúc hiểu những khó khăn, cạm bẫy khi phải lang thang ngoài đường kiếm sống, anh mở cửa xưởng chào đón những người “anh em đường phố”, không chỉ giúp họ có nguồn thu nhập ổn định mà còn thay đổi suy nghĩ của họ về giá trị của bản thân, hiểu rõ định hướng của mình trong tương lai.

“Mình nhận ra nếu chỉ ủng hộ áo quần, tiền bạc, thức ăn có sẽ có nhiều mặt trái, nhất là mình không giúp họ đúng thứ họ cần, tiếp theo có thể họ sẽ mang tâm lý ỷ lại. Vì vậy, thay vì giải quyết vấn đề từ ngọn, mình chọn giải quyết vấn đề ở gốc. Ngày mưa không ai đeo giày, ngày nắng rất ít người đi, thu nhập rất bấp bênh, mình quyết định tạo ra công ăn việc làm cho họ để họ có công việc ổn định và nhận được lương hàng tháng” - Phúc chia sẻ về động lực mở Bệnh viện đồ da.

 Hành trình mở Bệnh viện đồ da cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời -1
 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phúc tìm những người có hoàn cảnh khó khăn qua các trung tâm bảo trợ xã hội, các tổ chức phi chính phủ, những bạn đánh giày ngoài đường đưa về xưởng để đào tạo và chính họ cũng tìm đến anh. Hầu hết mọi người đều có bố hoặc mẹ đã mất, gia đình khó khăn. Vì hoàn cảnh, các bạn phải ra đường kiếm sống từ rất sớm. Thậm chí, có bạn là nạn nhân của nạn buôn người.

Để hoà hợp làm việc với một người lao động bình thường đã khó, làm cùng những nhân sự “đặc biệt” còn khó hơn rất nhiều. Họ gặp vấn đề rất lớn với rào cản tâm lý,  khó khăn ban đầu là phải làm thế nào để họ cởi mở trò chuyện hơn. Bằng trải nghiệm và câu chuyện của mình, “ông chủ” Bệnh viện đồ da đã khiến  họ từ những người rụt rè ít nói trở nên tự tin, cởi mở hơn.

 Hành trình mở Bệnh viện đồ da cùng anh em đường phố viết lại cuộc đời -0

“Ở Bệnh viện đồ da mỗi người đều có câu chuyện đầy nước mắt, ở đây không có sự phán xét, phân biệt cao thấp, chủ tớ. Mọi người đối với nhau như một gia đình, không ai bị coi là khác biệt, dần dần mọi người cởi mở và tự tin hơn”, anh Phúc tâm sự.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tại đây, ngoài học nghề, các thành viên còn được học kỹ năng mềm như thuyết trình, nói chuyện với khách hàng và cả hướng đi cho tương lai. Sau thời gian đào tạo sẽ được giới thiệu đến những nơi làm việc khác để cơ hội rộng mở hơn chứ không giữ mọi người ở lại.

 
 

Đồng nghiệp của anh Phúc tại xưởng đang tỉ mẩn làm việc, chăm sóc các sản phẩm đồ da (Ảnh: Thuỳ Dương) 

Tâm sự về một trong những câu chuyện đáng nhớ, anh Phúc cho biết: “Mọi người ở đây không phải ai cũng đi đánh giày, không phải ai cũng có bố hay mẹ mất. Lực (nhân sự tại xưởng) là một bạn có đủ bố mẹ, anh em, nhưng nhà rất nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào mía. Là con út trong gia đình, hai anh trai lại nghiện rượu và có vấn đề về thần kinh, lên Hà Nội làm gặp sự cố không may, tiền lương đổ hết vào, còn vay người thân, vay nặng lãi.”

Tết năm 2019 - 2020, Lực không về nhà phần vì sợ đòi nợ, phần vì không có tiền. Bố Lực gọi điện bảo nếu không về sẽ phá nhà, Lực cắm điện thoại để về nhà và không ra ngoài suốt mấy ngày Tết. Hè năm ấy Lực xin vào xưởng. Làm được 1 tuần Lực bảo đang nợ 30 triệu, bị người ta đòi nợ liên miên. Anh Phúc lúc ấy sẵn sàng giúp Lực, cho vay tiền trả nợ để chuyên tâm làm việc dù không rõ Lực là ai, chỉ thấy bạn ấy đang gặp khó khăn quá.

“Làm việc và trả được hết nợ, Lực mua cho bố cái TV. Khi mình về nhà Lực, bố lực cầm tay mình rưng rưng nói lời cảm ơn. Lúc ấy mình rất hạnh phúc vì không chỉ cho Lực cơ hội làm ăn mà còn thay đổi cả gia đình Lực”, anh Phúc cười.

Đối với những người như Phúc, có lẽ mong muốn lớn nhất là ít người tìm đến mình, bởi khi khó khăn họ mới tìm đến: “Mình mong mọi người đều có gia đình trọn vẹn, học hành và công việc tử tế. Điều khiến mình hạnh phúc là sau thời gian làm việc tại xưởng, mọi người đều thay đổi, phát triển tích cực hơn”.

Thuỳ Dương - MĐT K41