Danh mục Thứ Bảy, 18/05/2024

Tiêu điểm \

Nhọc nhằn ngày nắng của công nhân thông cống Hà Nội

23:45 03-05-2024
10 năm là khoảng thời gian anh Lương Ngọc Tưởng (Tổ trưởng Tổ duy trì 5, Xí nghiệp Thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) oằn mình dưới lòng cống tăm tối ít ai biết. Chừng ấy năm dù lắm gian nan, vất vả nhưng anh vẫn luôn yêu đời và không tự ti với nghề.

Những ngày này, miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Tuy mới đầu hè nhưng nền nhiệt có lúc chạm ngưỡng hơn 40 độ C. Cái nắng xuyên qua lớp quần áo, cháy bỏng rát làn da, cộng thêm việc phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông như vắt kiệt sức của những công nhân lao động ngoài trời.

Thế nhưng, đâu đó ở các góc phố Hà Nội, những người công nhân thông cống vẫn miệt mài làm việc với nụ cười tươi trên môi. Đối với họ, hạnh phúc đơn giản là được góp phần làm cho Thủ đô ngày càng sạch đẹp và văn minh hơn.

Anh Lương Ngọc Tưởng (33 tuổi) luôn nở nụ cười rạng rỡ ngay cả khi làm việc dưới trời nắng nóng. (Ảnh: Thu Trang) 

“Miễn lo được cho vợ cho con”

Từ 7 giờ 30 phút sáng, các công nhân thuộc Tổ duy trì 5 có mặt tại ngõ 102 Pháo Đài Láng để thực hiện nhiệm vụ thông cống. Khoác lên mình bộ đồng phục dày cộp, đội thêm chiếc nón bảo hiểm an toàn, ai nấy cũng đều sẵn sàng  “nạo” sạch lòng cống.

Cả tổ tập trung lắng nghe sự phân công của anh Tưởng - tổ trưởng, mỗi người một tay một chân, nhiệm vụ nêu rõ ràng. Địa bàn ngày hôm nay đủ cho một chiếc xe bồn lui tới. Vòi hút chuyên dụng được sử dụng triệt để, hỗ trợ công nhân với những đoạn cống nông, hạn chế việc chui xuống.

Khi cả tổ đang thực hiện nhiệm vụ, tôi có cuộc gặp gỡ nhanh với anh Tưởng để lắng nghe anh tâm sự về công việc đã gắn bó suốt mười năm qua. Dáng người nhanh nhẹn, luôn tay luôn chân dưới thời tiết oi ả của anh khiến tôi phải nể phục.

Mở nắp hố ga, mùi nước thải sinh hoạt tích tụ lâu ngày xộc thẳng lên mũi rất khó chịu. Cảm giác buồn nôn trực chờ gây ám ảnh với ai ngửi mùi không quen. Những người dân sinh sống xung quanh cũng không chịu được mà nhăn mặt, tìm vội cho mình chiếc khẩu trang. Nhưng đối với anh Tưởng và đồng nghiệp, đó là công việc hằng ngày họ phải tiếp xúc.

“Bình thường trời nóng, ở bên trên ngửi mùi cống đã khó chịu rồi, khi xuống cống mùi sẽ gấp 50-100 lần. Miệng ga chỉ khoảng 50-60cm, kết hợp dưới đó nhiều bùn đất, nước thải tích tụ lâu ngày tạo thành mùi rất khó chịu” - anh Tưởng cho biết.

Trước khi xuống cống, công nhân phải mở tối thiểu hai nắp ga để không khí lưu thông. Đợi chừng khoảng 10-30 phút để các loại khí độc tích tụ phía dưới loãng dần đi, sau đó mới tiến hành nạo vét. Mặc dù quy định là như vậy nhưng không gian hẹp, thời tiết nắng nóng, không khí dưới cống đã bí bách lại càng ngột ngạt hơn nữa. 

Công nhân của Xí nghiệp Thoát nước số 4 như anh Tưởng cũng đi làm 8 tiếng/ngày, nghỉ trưa từ 11 giờ đến 13 giờ. Có khi vào những ngày lễ, họ vẫn luôn ứng trực để có mặt bất cứ khi nào sự cố xảy ra. Dù ngày nắng hay ngày mưa thì việc “phơi mặt” ngoài đường là điều tất yếu để đảm bảo cuộc sống sạch đẹp cho người dân.

Những đoạn cống nước thải sinh hoạt có màu đen ngòm, mùi hôi thối khó chịu xộc thẳng lên mũi. (Ảnh: Thu Trang) 

Công việc thông cống quan trọng nhất là cần có sức khoẻ. Với những ngày thực hiện thông hút cống ngang hay các con mương, công nhân có thể làm ở ngay phía bên trên, không cần phải chui xuống sâu nạo vét thủ công.

Ngược lại, với những cống ngầm sâu hun hút, máy móc hỗ trợ không thể vào được, công nhân phải “đích thân” ngâm mình dưới cống hàng tiếng đồng hồ. Nếu không có sức khoẻ sẽ khó có thể theo được nghề. Đặc biệt, sau khi nhiều năm liên tục phải hít khí độc hại, những công nhân cao tuổi đến độ nghỉ hưu lâu dần sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Khó khăn nhất là những đoạn cống ngầm. Ai cũng nghĩ cống là để thoát nước, nhưng cống ở Hà Nội thì không chỉ như thế. Đó là một “cái túi chứa rác khổng lồ và khủng khiếp. Bên trên thải ra gì, dưới đó có đủ cả” - anh Tưởng kể.

Ngày nay, vấn đề sức khoẻ của công nhân đã được phía công ty chú trọng hơn. Hằng năm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức khám sức khoẻ hai lần, trong đó bao gồm tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh.

Bén duyên từ cuối năm 2013, đến nay anh Tưởng đã có hơn mười năm gắn bó với công việc. Vất vả chồng chất nhưng vì miếng cơm manh áo, vì gia đình nên anh không từ bỏ.

Anh tâm sự: “Có những hôm đi làm về không dám bế con, vì sợ mùi. Nhiều khi tắm 2-3 lần cũng không hết mà phải tránh đi vài tiếng để ‘bay’ bớt. Bộ đồ lội cống làm bằng cao su nên rất bí, không thoát được mùi”.

Nhiều công nhân thông cống từng có suy nghĩ sẽ không làm nữa, anh Tưởng cũng không ngoại lệ. Vợ là người luôn động viên anh mỗi lúc nản lòng. Dù những năm tháng làm việc, anh chưa bao giờ để xảy ra sai sót nào nhưng trong lòng anh vẫn đau đáu về nỗi cực nhọc khó nói thành lời. Anh không gọi đây là yêu nghề, vì như vậy sẽ dối lòng, mà đơn giản là động lực mưu sinh hằng ngày. “Miễn lo được cho vợ cho con” - anh Tưởng bộc bạch.

Thiết bị chuyên dụng (xe bồn, vòi hút…) được sử dụng để tối ưu hoá năng suất. (Ảnh: Thu Trang) 

Sợ hãi cũng không từ bỏ trách nhiệm

Đến giờ, anh Tưởng vẫn không quên những ngày đầu đi làm. Chàng thanh niên 24 tuổi, chân ướt chân ráo bước vào nghề, mở nắp cống ra chỉ muốn đi về vì sợ. Anh hãi hùng trước mùi hôi thối của cống rãnh, cái tối đen như mực và âm thanh vang vọng đập lại bên tai mỗi lần xuống lòng cống. Anh ám ảnh đến độ về nhà cũng không dám ăn cơm.

Nhìn mọi người làm, anh tưởng tượng không biết đến lượt mình xuống sẽ như thế nào. Thậm chí hiện tại, dù đã có đến chục năm kinh nghiệm nhưng anh vẫn luôn căng thẳng mỗi lần làm việc. “Chẳng ai bảo xuống cống là không sợ, được đến đâu hay đến đó. Nó là trách nhiệm công việc mình phải hoàn thành, ‘trộm vía’ đến nay đã hơn mười năm, mọi thứ vẫn ổn” - anh Tưởng vui vẻ nói.

Gắn bó từng ấy năm, thời gian anh công tác không thiếu những đồng nghiệp phải từ bỏ vì không thể vượt qua nỗi sợ hãi.

“Xuống cống có nhiều thứ khó nói, chắc chắn là nguy hiểm. Dưới đó mọi thứ đều không nhìn thấy vì thiếu ánh sáng. Những vật liệu như kim tiêm, xi-lanh, sắt, thép, mảnh thuỷ tinh vỡ… nằm sâu dưới bùn, mình không thấy mà không may dẫm phải thì sợ lắm” - anh Tưởng nói.

Mỗi người một việc, các công nhân bận bịu nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ dưới cái nắng 40 độ C. (Ảnh: Thu Trang)

Ngồi nghỉ tại quán nước bên đường, uống vội cốc nước mát, anh Tưởng tâm sự: “Công việc này chỉ có người dân ghi nhận, thỉnh thoảng vài nơi tổ dân phố họ gửi thư cảm ơn. Phía công ty cũng trao thưởng khích lệ tinh thần anh em. Nhìn chung, chúng tôi làm việc này vẫn là phục vụ bà con.

Nhiều khi thực hiện công việc nạo vét cống ở gần các khu vực dân cư, có người tạo điều kiện nhưng có chỗ lại không. Có vài lần xin 1 đến 2 xô nước rửa tay họ cũng không cho, muốn mình làm nhanh ra chỗ khác cho người ta buôn bán. Người dân họ nhìn vào tưởng chúng tôi làm gì khó coi lắm nhưng cũng chỉ là làm đẹp cho đời, cho cuộc sống của người dân thuận lợi hơn”.

Công việc kết thúc, Tổ trưởng Tổ duy trì 5 - tức anh Tưởng, dặn dò “mọi việc xong rồi, anh em nghỉ ngơi rửa tay rồi uống nước đi” báo hiệu công việc ngày hôm nay đã hoàn thành. Nhóm công nhân mồ hôi mướt mải, quần áo lấm lem bùn bẩn nhưng trên gương mặt ai nấy cũng rạng ngời niềm vui và khát vọng sau một ngày làm đẹp cho Thủ đô, cho cuộc đời.

Thu Trang - MĐT K41

Phản hồi