Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Những “Hiệp sĩ bóng đêm” trên đường phố

09:18 07-09-2023
Hỗ trợ kịp thời, sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phát tín hiệu đèn báo tại khu vực xảy ra tai nạn, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng, tìm kiếm thông tin của nạn nhân và gia đình... Nỗ lực bền bỉ không kể ngày đêm của đội tình nguyện FAS Angel (First Aid Support Angel) sáng lập bởi anh Phạm Quốc Việt đã thực sự tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng.

Anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là người sáng lập đội tình nguyện FAS Angel (First Aid Support Angel) từ năm 2019. Với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, đội “Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angel” có nhiệm vụ: Hỗ trợ kịp thời, sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phát tín hiệu đèn báo tại khu vực xảy ra tai nạn, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng, tìm kiếm thông tin của nạn nhân và gia đình.

“Bản thân tôi chỉ quan tâm đến một điều, đó là những người nào bị thương thì sẽ được giúp đỡ, người bị thương đó thật sự cần được giúp đỡ thì mình không nên từ chối họ. Dù nạn nhân bị như thế nào, dù hiện trường có tàn khốc ra sao thì tôi vẫn coi nạn nhân như người thân của mình để giúp đỡ họ, và tôi sẽ vượt qua mọi rào cản, mọi khó khăn". Đó là những chia sẻ chân thành của anh Việt khi tâm sự về đứa con tinh thần mang tên FAS Angel.

Gieo niềm tin - Gặt hạnh phúc

PV: Sau hơn 4 năm hoạt động, đội luôn rong ruổi khắp nẻo đường cứu giúp người gặp tai nạn giao thông, sơ cứu vết thương và giúp những người gặp sự cố trên đường phố không quản ngại thời tiết khó khăn. Vậy cơ duyên nào khiến anh quyết định thành lập đội Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angel?

Tôi từng là nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông, tôi đã nhớ như in giây phút đơn độc, bất lực của bản thân khi nằm chờ người đến cứu. Cảm giác đau đớn, sợ hãi và bất lực trước dòng người đi qua nhưng không ai dừng lại cứu giúp đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Tôi hiểu được nỗi khốn đốn của nhưng người rơi vào nghịch cảnh ấy. Vì vậy tôi không muốn bỏ rơi bất cứ người nào giống mình. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là sự cô đơn khi mình gặp nạn. 

Anh Phạm Quốc Việt cùng các thành viên FAS - Angel lên đường cứu trợ.
(Ảnh: Trần Phương Anh)

PV: Công việc hoạt động trong đội hỗ trợ sơ cứu vào ban đêm chắc hẳn có những mối nguy hiểm nhất định, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và cản trở những người cứu trợ. Anh có thể chia sẻ một tình huống đặc biệt khiến anh nhớ mãi không?

Do tính chất công việc thường xuyên di chuyển trên các cung đường vào buổi tối, hầu như hôm nào tôi cũng gặp vài vụ tai nạn giao thông và không ít sự việc đã để lại cho tôi những ký ức khó quên. Có lần khi tôi tiếp cận một vụ tai nạn ở ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh, 4 người đi ô tô uống rượu đâm vào 2 bạn nữ đi xe máy vượt đèn đỏ. Ngay khi tôi tới hiện trường, tiến hành kiểm tra và chuẩn bị sơ cứu cho nạn nhân, một trong 4 người kia đã ngăn cản tôi lại và quát: “Không được phép động vào nạn nhân, chúng nó vượt đèn đỏ, chúng nó sai, phải để nguyên để giữ hiện trường”. Tôi đã vừa thuyết phục vừa cảnh báo họ rằng nếu để một lúc nữa nạn nhân tử vong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Sự việc xảy ra trầm trọng hơn khi người đàn ông hùng hổ lao vào đòi gây hấn với tôi. May mắn nhờ có sự trợ giúp của người dân xung quanh đưa anh ta ra khỏi hiện trường nên tôi đã có thể hỗ trợ 2 nạn nhân đến bệnh viện gần nhất. Lúc đó tôi thấy vui vì sơ cứu được vết thương kịp thời, giúp họ có thêm cơ hội sống. Có lẽ cảm xúc đó còn hơn cả vui, đó là niệm hạnh phúc cho chính "khổ chủ" và bản thân mình nữa.

PV: Thực tế để thành lập và duy trì đội sơ cứu người bị nạn thì kỹ năng, tâm huyết, nguồn nhân lực hay kinh phí là những yếu tố rất quan trọng. Vậy FAS Angel có gặp những khó khăn hay bất lợi gì trong khoảng thời gian đầu hoạt động không?

Những ngày đầu thành lập, đội chỉ có vỏn vẹn 5 thành viên. Những khó khăn của đội khi ấy chủ yếu là về mặt kinh phí duy trì và nhân lực. Mỗi ngày tôi dành từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng tiền túi để mua trang thiết bị y tế như bông băng, thuốc sát trùng, áo phản quang, gậy phát sáng, nẹp xương. Các anh em tình nguyện viên cũng góp mỗi người một chút để trang trải công việc.

Khi đó đội không có bất cứ một nguồn tài trợ nào, chỉ xác định làm tùy tâm trong suốt gần 2 năm. Cho đến năm 2020, báo chí, cơ quan ngôn luận truyền hình mới biết đến FAS Angel, họ lan tỏa tinh thần và giúp đỡ cho đội. Tới những năm sau này, tôi bắt đầu kêu gọi những chiếc xe cứu thương để hỗ trợ nạn nhân kịp thời hơn. Cho đến nay, FAS - Angel đã có đội ngũ hùng hậu khoảng hơn 140 thành viên, 1000 người cộng tác báo tin, trong đó có 50 tình nguyện viên nòng cốt ở hơn 10 nhiều điểm trực, trong đó có gần 20 người hỗ trợ, 30 người có thể sơ cấp cứu hoạt động 24/24h chủ yếu trên địa bàn Hà Nội.

Bản thân tôi cũng từng có thời gian trong quân ngũ, được đào tạo về kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, gia đình lại có truyền thống ngành y nên tôi tích lũy khá nhiều kiến thức y khoa, giúp ích cho công việc của đội. Các tình nguyện viên khi tham gia vào hoạt động cứu trợ đều phải trải qua những buổi đào tạo và kiểm tra kỹ năng sơ cấp cứu kỹ lưỡng, sau đó mới chính thức được chia về các khu vực để hoạt động. 

Lan tỏa mô hình tương thân tương ái

PV: Những dự định trong tương lai hay những hoạt động sắp tới của đội là gì? Anh có mong muốn gì tới các ban ngành, đoàn thể có thể hỗ trợ về vật chất hay mở rộng mô hình, khuyến khích động viên mọi người tham gia không?

Thông thường đội nhận tin báo từ các trang mạng xã hội, Fanpage “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel” và số hotline 082.251.0627. Hiện nay, ngoài hỗ trợ miễn phí cho các ca tại nạn giao thông, đội nhóm cũng nhận hỗ trợ sơ cấp cứu, đưa những người bị bệnh tới bệnh viện với chi phí hợp lý, giảm từ 25% đến 50% tùy từng trường hợp và gia cảnh của bệnh nhân. Số tiền kiếm được sẽ dùng để duy trì quỹ cho đội, dùng để sửa xe và chi trả cho các trang thiết bị vật dụng y tế.

Tôi mong muốn mô hình này của mình sẽ được nhân rộng hơn tại nhiều tỉnh, thành phố khác. Tôi cũng đang tập huấn cho những người có cùng tâm huyết ở nhiều tỉnh, thành phố khác, hướng dẫn chi tiết cách liên hệ kết nối với nhau, cách sơ cứu người khi gặp sự cố trên đường. Khi mô hình càng lớn thì càng nhiều người có kỹ năng sơ cứu, từ đó nhiều nạn nhân sẽ được giúp đỡ nếu không may gặp tai nạn.

Trong tương lai, tôi cũng mong muốn cơ quan nhà nước ban hành một bộ luật hoàn chỉnh để bảo vệ người sơ cứu, bảo vệ những người giúp đỡ người bị nạn. Bên cạnh đó tôi cũng hy vọng tổ chức nhà nước sẽ xem xét giúp đỡ về kinh phí, tạo điều kiện cho FAS - Angel phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đội tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ cứu người.

 Các thành viên trong đội tập dượt sơ cứu
(Ảnh: Trần Phương Anh)

Đội tình nguyện FAS - Angel vẫn miệt mài trên hành trình cứu trợ người bị nạn trên đường, lan tỏa yêu thương tới cộng đồng. Tính đến nay, đội đã sơ cứu cho gần 11.000 người. Không ít trường hợp nạn nhân được đội hỗ trợ, giúp đỡ đã tình nguyện quay trở lại gia nhập đội khi sức khỏe đã ổn định, từ đó cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Nhờ có những tấm lòng nghĩa hiệp như anh Phạm Quốc Việt mà nhiều người bị nạn có thêm cơ hội sống, những nghĩa cử cao đẹp cho xã hội được nhân rộng. Cảm ơn lời chia sẻ chân thành của anh!

 

Trần Phương Anh

Phản hồi