Danh mục Thứ Bảy, 21/12/2024

Tiêu điểm \

Khi văn chương phá bỏ khuôn mẫu

22:19 18-12-2024
Tối 18/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi trò chuyện văn học với chủ đề “Viết từ và viết vượt những ‘giới hạn’ cơ thể" do Goethe Institut Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của hai nhà văn Eva Eikhout (Hà Lan) và Nguyễn Thị Kim Hòa (Việt Nam), thu hút sự quan tâm đặc biệt từ công chúng khi xoay quanh những góc nhìn khác trong văn chương.

Đối với những tác giả là người khuyết tật, văn chương đôi khi bị hiểu theo những khuôn mẫu quen thuộc như hành trình vượt qua nghịch cảnh, vai trò của văn học như "liều thuốc chữa lành". Những khuôn mẫu này không chỉ bó hẹp cách hiểu về tác phẩm, mà còn có thể gò ép chính các tác giả khuyết tật trong việc thể hiện quan điểm và trải nghiệm của mình. 

Sự kiện diễn ra bằng hai ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt, với sự hỗ trợ của phiên dịch viên để đảm bảo người khiếm thính cũng có thể tham gia và theo dõi nội dung. (Ảnh: Thảo Huyền)

Eva Eikhout, nhà văn và nhà sản xuất truyền thông nổi tiếng tại Hà Lan, đã truyền cảm hứng cho khán giả bằng những chia sẻ về hành trình viết lách của mình. Cô từng là diễn giả của TEDxTalks (2016, 2023) và được biết đến với sự mạnh mẽ, tinh thần lạc quan trước những thử thách. 

Eva chia sẻ: “Tôi không thể chọn cách mình sinh ra, nhưng tôi có thể chọn cách sống và viết lách để vượt qua giới hạn của cơ thể. Viết là cách để tôi trở về với chính cảm xúc và suy nghĩ của mình, không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố nào”.

Hai diễn giả trò chuyện tại sự kiện với sự dẫn dắt của điều phối viên. (Ảnh: Thảo Huyền)

Nguyễn Thị Kim Hòa, nhà văn đến từ Ninh Thuận, đã gây ấn tượng với các tác phẩm sâu sắc về phụ nữ và trẻ em. Cô thẳng thắn chia sẻ về sự tự ti khi từng nghĩ rằng thành công của mình có thể bị nhìn nhận qua hoàn cảnh cá nhân. “Tôi từng lo lắng khi nhận giải thưởng, sợ rằng người ta trao cho mình chỉ vì hoàn cảnh. Nhưng sau đó, tôi nhận ra mỗi tác phẩm của tôi đều được đón nhận bằng sự đồng cảm chân thành từ độc giả. Chính điều này đã giúp tôi thêm tự tin, tiếp tục viết và chứng minh rằng mình xứng đáng với sự tôn trọng ấy.”

Buổi trò chuyện không chỉ là cơ hội để hai nhà văn chia sẻ câu chuyện cá nhân, mà còn là dịp để khán giả nhìn nhận lại cách “giới hạn” cơ thể có thể ảnh hưởng đến sáng tạo văn chương. Cả Eva Eikhout và Nguyễn Thị Kim Hòa đều khẳng định rằng tác phẩm của người khuyết tật không chỉ để kể về sự vượt khó, mà còn là cách để khám phá những góc nhìn mới mẻ và những trải nghiệm sống phong phú, cùng với đó khẳng định rằng văn chương – dù đến từ bất kỳ ai – đều có khả năng chạm đến những tầng sâu nhất trong tâm hồn con người.

Thảo Huyền - Báo In K42

Phản hồi