PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên, Trưởng Ban Văn học Nước ngoài, Viện Văn học đã chia sẻ hành trình chuyển ngữ và xuất bản cuốn sách “Mỹ học phim”, một tác phẩm kinh điển được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Esthétique du film”. Ông nhấn mạnh những thách thức trong việc chuyển tải các khái niệm triết học và mỹ học phức tạp giữa hai ngôn ngữ, đồng thời khơi mở sự phong phú trong góc nhìn nghệ thuật của tác phẩm gốc.
Diễn giả chia sẻ rằng việc dịch thuật không chỉ đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về nội dung mà còn cần khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chính xác để diễn đạt. Ông thừa nhận: "Bản thảo ban đầu của tôi rất lộn xộn giữa các khái niệm, bởi mình đọc hiểu là một chuyện, nhưng tìm được từ ngữ tiếng Việt để thể hiện nó là một chuyện khác." Có nhiều khái niệm và chúng giao động ý nghĩa tùy theo bối cảnh quốc gia, môi trường sáng tạo, cũng như cách chúng di chuyển từ không gian vật lý sang không gian tinh thần hoặc không gian phê bình.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận sâu về lý thuyết điện ảnh, giá trị mỹ học và sự vận hành của ngôn ngữ điện ảnh. PGS.TS. Phạm Gia Lâm nhận định rằng điện ảnh nghệ thuật không chỉ yêu cầu khán giả suy ngẫm về thông điệp mà còn đòi hỏi họ trải nghiệm, hòa mình vào không gian phim và đồng cảm với nhân vật.
Theo ông, trong bối cảnh hậu hiện đại, sự thay đổi về thị hiếu và kỳ vọng của khán giả đặt ra những thách thức lớn cho các nhà làm phim. Để chinh phục công chúng, các tác phẩm điện ảnh cần điều chỉnh cách tiếp cận và khai thác chiều sâu của ngôn ngữ điện ảnh. “Mỹ học phim”, ông khẳng định, chính là công cụ hỗ trợ quan trọng để các nhà làm phim tìm kiếm sự sáng tạo và đặt ra những câu hỏi mới về nghệ thuật.
Buổi tọa đàm không chỉ giới thiệu cuốn sách “Mỹ học phim” tới công chúng yêu điện ảnh, mà còn mở ra không gian thảo luận về tương lai của điện ảnh và cách thức loại hình nghệ thuật này tiếp tục chinh phục khán giả trong thời đại số hóa. Sự kiện góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh quan trọng của nghệ thuật điện ảnh, đồng thời là cơ hội để cộng đồng yêu điện ảnh mở rộng tư duy, khám phá góc tiếp cận sâu rộng với các giá trị mỹ học, văn hóa và triết học của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Phản hồi