Danh mục Thứ Năm, 26/12/2024

Tiêu điểm \

Sự hồi sinh của văn hoá - lịch sử qua game

11:51 25-12-2024
Trong bức tranh đa dạng của ngành công nghiệp game, những trò chơi điện tử không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí mà còn mang vai trò quảng bá di sản văn hóa - lịch sử. Tại Việt Nam, các nhà phát triển game trẻ tuổi cũng đang nỗ lực đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với thế hệ thanh niên theo cách mới mẻ, sinh động hơn

Sự hòa quyện giữa chất liệu văn hóa truyền thống và công nghệ cao

Nhắc đến game lịch sử, không thể không nhắc tới hiện tượng toàn cầu “Black Myth: Wukong” (Hắc thần thoại: Ngộ Không). Ra mắt vào ngày 20/8, trò chơi nhập vai hành động do Studio Game Science đến từ Trung Quốc phát hành đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của làng game thế giới. Trong thời gian ngắn, tựa game này đã lập nên kỷ lục tương tác trên Weibo và tiêu thụ khoảng 4,5 triệu bản trên các nền tảng lớn như Steam, WeGame, Epic và PS.

Đặc biệt, chỉ một ngày sau khi phát hành, trò chơi đã ghi nhận hơn 2,2 triệu người chơi cùng lúc trên Steam, chính thức trở thành tựa game single - player (trò chơi một người) được yêu thích nhất từ trước đến nay.

Không chỉ đạt được lợi nhuận bán game khổng lồ, theo số liệu thống kê, doanh số vé của ngôi chùa Tiểu Tây Thiên sau khi xuất hiện trong “Black Myth: Wukong” vào ngày 20/8 đã tăng hơn 300% so với cùng ngày năm ngoái.

Ngôi chùa Tiểu Tây Thiên cổ kính, mang đậm nét văn hóa Trung Quốc qua lăng kính của "Black Myth: Wukong". (Ảnh: Studio Game Science)  

Ngoài “Black Myth: Wukong”, nhiều nhà sáng lập cũng đã thành công trong việc “hồi sinh” văn hoá, lịch sử qua game. Tiêu biểu là trò chơi “Assassin's Creed Odyssey” cho người chơi tìm hiểu về Hy Lạp cổ đại. Trò chơi có 30 màn bao gồm các chủ đề như cuộc sống hàng ngày, tôn giáo, nghệ thuật, triết học và các thành phố nổi tiếng. Hay để có thể mô tả chân thực sự tàn bạo về thế chiến thứ nhất, tựa game mang tên “Verdun” ra đời. “Verdun” đã tái hiện lại Mặt trận phía Tây (Thế chiến thứ nhất) - trở thành một trong những game tiên phong trong chủ đề về chiến tranh Thế giới.

Người trẻ Việt với hành trình mang lịch sử vào trò chơi

Sự thành công của các tựa game đi trước đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khuyến khích các nhà phát triển trẻ sáng tạo những trò chơi mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử. Tại Việt Nam, những tựa game về văn hoá - lịch sử do các bạn trẻ thiết kế cũng dần được ra mắt. Có thể kể đến “7554” - tựa game FPS đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam sản xuất vào năm 2010. Tên trò chơi được lấy từ ngày kỷ niệm 07/05/1954 - thời điểm thực dân Pháp đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ. Hay “Stronghold: Warlords” - tựa game được lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử và thần thoại Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng, Thục Phán An Dương Vương.

“7554” là trò chơi điện tử thể loại bắn súng do công ty Hiker Games thực hiện.

(Ảnh: Báo VietNamNet) 

Với mong muốn tạo ra một sản phẩm mang giá trị lịch sử, bạn Nguyễn Tiến Trung, sinh viên năm 3 Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sáng tạo ra hai tựa game “Lịch Sử 4.0” và “Bạch Đằng Anh Hùng” với mục tiêu giúp giới trẻ tiếp cận lịch sử Việt Nam một cách sinh động và thú vị hơn. 

 Giao diện game “Bạch Đằng Anh Hùng” được thiết kế mạnh mẽ, mang hơi hướng lịch sử. (Ảnh: NVCC)

Bạn Trung chia sẻ: “Hiện nay, việc học lịch sử trong trường học thường bị coi là nhàm chán. Vì vậy, em muốn phát triển những tựa game để đưa lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ và khơi dậy hứng thú tìm hiểu.” Tựa game “Bạch Đằng Anh Hùng” tập trung tái hiện trận chiến lịch sử của vua Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, trong khi “Lịch Sử 4.0” giới thiệu cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Cả hai trò chơi giúp người chơi sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc qua lăng kính hiện đại, tạo trải nghiệm vừa hấp dẫn vừa giàu ý nghĩa. 

Nguyễn Tiến Trung vinh dự được mời đến Lễ Tôn Vinh Tài năng trẻ Bắc Giang năm 2021. (Ảnh: NVCC) 

Việc phát triển các tựa game lịch sử không hề dễ dàng, đặc biệt khi các nhà lập trình trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật lẫn nội dung. Nguyễn Tiến Trung cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất là việc tái hiện hình ảnh và câu chuyện lịch sử sao cho chính xác và hấp dẫn. “Trang phục của vua Ngô Quyền cần thể hiện vẻ oai phong, lẫm liệt, trong khi các chiến sĩ Điện Biên Phủ phải mang quân phục đúng lịch sử. Bên cạnh đó, các trang phục và vũ khí của đối thủ cũng phải được tái hiện đúng theo tài liệu lịch sử, đảm bảo không có sai sót.” - Bạn Trung chia sẻ thêm. 

 Game “Lịch sử 4.0” bao gồm 3 màn thi đấu chính lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của dân tộc Việt Nam.  (Ảnh: NVCC)

Đa số những game lịch sử Việt Nam thường được dư luận quốc tế đánh giá khá sơ sài, thiếu sự hào hùng trong những trận đánh mang tính lịch sử vang dội. Trên trang GameSpot (trang web quốc tế chuyên đánh giá các trò chơi điện tử), Game “7554” có số điểm là 3.5, thuộc mức Bad (Tệ). Game được trang chỉ ra các điểm chưa tốt bao gồm: Hệ thống bot chưa tốt (Bad AI), Nhịp độ game còn yếu (Weak pacing), Cốt truyện chưa truyền tải tốt (Badly conveyed story) và Âm thanh chưa sống động (Feeble sound effects). 

“Game Việt Nam có phần dựa trên cốt truyện lịch sử, tuy nhiên phần hình ảnh và âm thanh chưa sống động. Thị hiếu của người chơi bây giờ chỉ thích những game có đồ hoạ đẹp, nhìn vào phải thấy cuốn hút thì mới chơi” - Bạn Hoàng Phi Hùng (21 tuổi, Hà Nội) cho biết.

Với thành công ấn tượng của “Black Myth: Wukong” và những tựa game lịch sử đi trước, Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm, bài học về vấn đề đẩy mạnh phát triển văn hóa dân tộc qua game. Đặc biệt khi gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-Ttg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh việc đẩy mạnh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển đất nước. Do đó, các nhà đầu tư và nhà làm game Việt Nam cần tập trung trau chuốt về hình ảnh, âm thanh và tính năng hơn để tạo nên những tựa game độc đáo, lan tỏa sâu rộng những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc.

Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, game lịch sử - văn hoá cũng góp phần tái hiện di sản dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và đưa giá trị truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Từ đó mở ra cơ hội lớn để quảng bá văn hóa và di sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoàng Trang, Cẩm Tú - Báo in K42

Phản hồi