Những dấu vết lịch sử của kiến trúc Hà Nội thời bao cấp
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp, từ 1954 đến 1986, là một phần quan trọng trong việc phản ánh những dấu ấn lịch sử của giai đoạn khó khăn trong quá trình xây dựng đất nước. Đặc biệt, các công trình kiến trúc như khu nhà ở tập thể, những công trình công cộng được thiết kế với sân chung, lối đi và không gian sinh hoạt chung nhằm tạo điều kiện cho sự kết nối giữa các cư dân mang đậm dấu ấn kiến trúc thời bao cấp.
Thông tin thêm về sự khó khăn ở giai đoạn này, PGS. TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Thời đó chỉ có cán bộ cấp trung mới được phân 1 căn hộ 2 phòng, cán bộ cấp cao thì 2 căn hộ. Còn với đa số cán bộ, công nhân viên, chủ nghĩa bình quân được áp dụng - thường hai ba gia đình ở chung một căn hộ, thậm chí ở chung phòng, sử dụng chung nhà bếp, nhà vệ sinh và nhà tắm. Đó là một mối cực khổ vô cùng của những con người sống ở thời này.” Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm dù khó khăn, chịu đựng là vậy nhưng có nơi để ở, có chỗ để ăn đã là một ước mơ, một niềm sung sướng của những người dân thời kỳ trước.
Trải qua 5 năm sống trong khu tập thể Văn Chương, KTS Trương Tùng cảm nhận rõ được sự eo hẹp, chật chội của những căn phòng. Vì vậy, ông đã kiên quyết đề xuất, thuyết phục với chủ trương thiết kế 2 phòng nhỏ để tiện phân chia, có bếp và phòng tắm riêng. Theo tiêu chuẩn thiết kế lúc đó, bếp chung chỉ có 6 mét vuông nên ông thiết kế cho các hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, bếp riêng chỉ 1 mét vuông. Thế nhưng phải tới năm 1987, Nhà nước mới chính thức đưa ra tiêu chuẩn thiết kế xây dựng nhà ở, trong đó “căn hộ phải được thiết kế độc lập, khép kín với đầy đủ các bộ phận: phòng khách và các bộ phận phụ trợ”.
Nói về giá trị của kiến trúc thời bao cấp, KTS. Vũ Hiệp cho rằng kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 được định hình bởi sự tối giản trong thẩm mỹ, ứng dụng nguyên lý kiến trúc hiện đại và hạn chế tối đa các chi tiết trang trí. “Mặc dù được đào tạo và chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp nhưng các kiến trúc sư nước ta rất có ý thức trong việc xây dựng nền kiến trúc mới của một đất nước Việt Nam độc lập, khác so với thời kỳ trước.” - Ông Hiệp nói.
Nguy cơ bị mai một, di sản cần bảo tồn
Kiến trúc thời kỳ bao cấp ở Hà Nội đang đối mặt với tình trạng mai một bản sắc khi không được ưu tiên nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi. Theo khảo sát ý kiến của kiến trúc sư về loại hình kiến trúc đại diện cho bản sắc Hà Nội, chỉ khoảng 9% nhận định kiến trúc thời bao cấp có giá trị này. Đáng chú ý, khi đi sâu vào tìm hiểu, phần lớn những người được hỏi không có nhiều thông tin, hiểu biết cụ thể về giá trị, vai trò của các công trình thuộc giai đoạn này. Bên cạnh đó, hiện tượng “giả Pháp” đang dần trở thành “trào lưu” trong thiết kế của các toà nhà hiện đại ngày nay.
KTS. Vũ Hiệp quan ngại: “Khi bảo tồn, không nhất thiết phải giữ nguyên hiện trạng của các công trình cũ mà phải thể hiện được cái tinh thần và bản sắc của thời đại mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, xu hướng thẩm mỹ thời kỳ Pháp thuộc đang trở thành hình mẫu phổ biến ngay cả trong các công trình hiện đại ngày nay. Đó là một điều rất đáng báo động.”
Từ đây, chúng ta cần đặt ra vấn đề là làm thế nào để duy trì, bảo tồn những di sản kiến trúc thời bao cấp này và cần phải nhìn nhận, ứng xử như thế nào với nó. KTS. Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích giải đáp: “Việc bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc thời bao cấp là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Việc xếp hạng quá nhiều có thể gây ra hệ lụy tiêu cực bởi sự ưu tiên dành cho các di sản được xếp hạng có thể dẫn đến việc bỏ quên những giá trị không được công nhận chính thức. Phải dần dần đến một lúc nào đó khi người ta nhìn nhận lại nó đúng hơn thì khi đó chúng ta mới có được đường hướng để bảo tồn nó”.
Như vậy, việc đánh giá và bảo tồn những di sản này không chỉ đơn giản là giữ gìn, mà còn là một quá trình nhận thức lại, nhằm khôi phục và phát huy giá trị của chúng trong bối cảnh hiện đại. Chỉ khi được nhìn nhận đúng đắn, di sản kiến trúc này mới có thể phát huy giá trị lâu dài và trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của đất nước.
Phản hồi