Ký ức thời khói lửa
Thấy cha tiếc nuối vì không có con trai vào bộ đội, người thiếu nữ Nguyễn Thị Bình đã tình nguyện nhập ngũ. Bà kể, lúc ấy, bà bé người, không đủ cân nặng nên phải giấu kín chùm chìa khóa trong người cho đủ cân để nhập ngũ. “Hay tin tôi đủ tiêu chuẩn vào quân ngũ, cha tôi vừa mừng vừa lo. Trước khi đi, ông dặn dò, dù là con gái cũng phải học tập, rèn luyện và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, không được bỏ cuộc trở về và tôi luôn khắc sâu lời dặn dò ấy” - bà Bình kể.
Gia nhập Tiểu đoàn D2, đơn vị nữ Hà Nam, bà Bình bắt đầu hành trình phụng sự tổ quốc với nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội Liên lạc, phụ trách đưa thư từ và công văn. Không lâu sau đó, bà được điều động vào chiến trường Trường Sơn, trực thuộc Sư đoàn Công binh 473, đoàn 559. Đây là quãng thời gian khốc liệt, nơi bà cùng đồng đội phải đối mặt với mưa bom bão đạn suốt ngày đêm.
Những năm tháng chiến đấu tại Trường Sơn đã khắc sâu trong tâm trí bà Nguyễn Thị Bình, trở thành một phần ký ức không thể phai nhòa. Trường Sơn khi ấy là chiến trường khốc liệt, nơi địch không ngừng trút mưa bom bão đạn với mưu đồ cắt đứt tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh, phá hủy phương tiện và làm gián đoạn hành trình vận chuyển của ta. Trong mỗi bước chân, sự sống và cái chết luôn ranh giới mong manh, chỉ cách nhau trong gang tấc.
Dẫu vậy, bà Bình cùng đồng đội vẫn kiên cường vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó. Có những ngày bà phải băng rừng, lội suối để chuyển thông tin chiến trường trong điều kiện khắc nghiệt. Đôi chân bà từng bầm tím vì rắn rết cắn, mẩn đỏ vì côn trùng cắn đốt, nhưng bà không cho phép mình dừng lại. Bà hiểu rằng, nếu thông tin đến muộn, quân ta có thể mất đi cơ hội quý giá để xoay chuyển cục diện.
Giữa những thiếu thốn và hiểm nguy luôn thường trực, các nữ chiến sĩ vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và lòng quyết tâm sắt đá. Bà Bình xúc động kể: "Tôi không thể quên hình ảnh đồng đội tháo gỡ hàng ngàn quả bom, mìn chỉ với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng; không thể quên sự tận tụy của những người mẹ Trường Sơn trong từng bữa cơm giữa tiếng bom đạn dội vang; từng viên thuốc cứu sống giữa cơn sốt rét rừng hay ngụm nước mát sẻ chia giữa trưa nắng gắt. Tất cả đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của tình đồng đội, sự hy sinh và yêu thương không bờ bến."
Những năm tháng gian khổ ấy không chỉ là một phần lịch sử mà còn là động lực, niềm tự hào trong cuộc đời bà Bình, khắc sâu trong trái tim như một minh chứng cho ý chí và lòng yêu nước bất diệt.
Hết lòng vì đồng đội
Sau khi đất nước thống nhất, tháng 11/1976, bà Nguyễn Thị Bình xuất ngũ trở về địa phương, bắt đầu một chương mới trong cuộc đời. Dù không còn khoác trên mình màu áo lính, bà vẫn giữ vững tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Bà được cử đi học lớp quản lý thương nghiệp và công tác tại Sở Du lịch tỉnh Hà Nam Ninh trước khi cùng gia đình chuyển vào TP. Hồ Chí Minh năm 1986. Tại đây, bà tiếp tục công tác tại Trung tâm Thống kê Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc nhà nước, bà Bình cùng chồng, ông Nguyễn Khắc Dụng - một sĩ quan quân đội, đã khởi nghiệp bằng kinh tế trang trại. Trang trại của họ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống gia đình mà còn trở thành nguồn động lực cho đồng đội cũ. Bà thường xuyên hỗ trợ con giống, cây giống và chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho các cựu chiến sĩ Trường Sơn, giúp họ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2021, giữa đại dịch COVID-19, bà cùng chồng vận hành Công ty Công nghệ Xanh, chuyên cung cấp thiết bị y tế. Công ty đã hỗ trợ hàng trăm ngàn đôi găng tay, khẩu trang miễn phí cho các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với thành công trong kinh doanh, vợ chồng bà tiếp tục thành lập Công ty Đầu tư Bất động sản 3D, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và hỗ trợ đồng đội khó khăn.
Gần 50 năm đã trôi qua sau chiến tranh, cuộc sống ngày càng tốt hơn, bà Nguyễn Thị Bình vẫn không quên những đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Bà chia sẻ: “Tôi là người may mắn còn sống sót trở về, nhưng rất nhiều đồng đội đã nằm xuống hoặc đang phải sống trong hoàn cảnh khốn khó, bệnh tật, mất mát. Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm cách kết nối các chiến sĩ Trường Sơn, cùng nhau giúp đỡ, động viên thông qua các tổ chức hội”.
Với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam và Phó Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Bình không ngừng kết nối, giúp đỡ đồng đội. Hơn 10 năm qua, bà đã đóng góp trên 1 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. Đặc biệt, bà đã hỗ trợ xây dựng hơn 10 căn nhà tình nghĩa với chi phí từ 50-70 triệu đồng mỗi căn, trao tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình cựu chiến sĩ khó khăn.
Nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2024, bà Bình đã vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho nữ cựu thanh niên xung phong tại xã Vũ Bản, tỉnh Hà Nam, trị giá 70 triệu đồng. Bà Bình tâm sự: “Nhìn những chiến sĩ năm xưa đang phải đối mặt với cảnh sống thiếu thốn, tôi không thể nào chịu được. Tôi mong, sự giúp đỡ nho nhỏ của mình sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn”. Bà cũng ủng hộ 270 triệu đồng xây dựng bia lưu niệm đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cuba và 250 triệu đồng cho bia lưu niệm tại Gio Linh, Quảng Trị. Những công trình này không chỉ là biểu tượng tri ân mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Những đóng góp của bà Nguyễn Thị Bình đã được xã hội ghi nhận xứng đáng. Bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhận 9 Bằng khen của Hội Truyền thống Trường Sơn và nhiều giải thưởng vinh danh khác. Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục hoạt động sôi nổi trong Hội Nữ Doanh nhân Trường Sơn, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Ông Phạm Ích, cực chiến binh cùng hoạt động trong hội Trường Sơn của bà chia sẻ: “Chị ấy là một người phụ nữ với tấm lòng vàng, chúng tôi vẫn thường suy tôn chị là “gương sáng Trường Sơn”
Bà Nguyễn Thị Bình, từ một nữ chiến sĩ gan dạ trên chiến trường Trường Sơn, đến người phụ nữ hết lòng vì cộng đồng, đã trở thành tấm gương sáng về lòng thủy chung, nhân ái. Những việc làm của bà không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với đồng đội mà còn lan tỏa giá trị tốt đẹp cho xã hội hôm nay.
Phản hồi