Ấn tượng những khoảnh khắc tại triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”
10:02 01-05-2024
Chuyên đề được mở cửa đến hết tháng 6/2024 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và ký Hiệp định Geneve (21/7/1954 - 21/7/2024).
Ngược dòng lịch sử về 70 năm trước, đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc họp của Tổng quân ủy Trung ương tháng 1/1954. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, toàn thể các cán bộ thống nhất ý kiến là nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, quyết tâm diệt gọn toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong một trận. Quyết định này mở đường cho nghệ thuật quân sự đặc sắc của quân và dân ta cuộc quyết chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đồi A1 - điểm cao chiến lược đóng vai trò then chốt trong chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Tọa lạc tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, đồi A1 được quân Pháp chọn làm điểm tựa quan trọng, xây dựng hệ thống công sự kiên cố, vững chắc cùng với vũ khí tối tân, hiện đại nhằm cản trở bước tiến của quân ta.
Với vị trí địa hình hiểm trở, được bao bọc bởi nhiều ngọn đồi khác, đồi A1 trở thành "cánh cửa thép" bảo vệ cho phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã dày công xây dựng hệ thống hầm hào, bunker, kho tàng, đài quan sát cùng với trang bị hỏa lực mạnh mẽ, biến nơi đây thành "pháo đài" kiên cố.
Vào năm 1953, Đường 41 là con đường cơ giới duy nhất nối Tây Bắc, khởi từ Hòa Bình đi qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, rồi đến Lai Châu. Trong một khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 đến tháng 11-1953, quân đội và dân ta đã khai phá một tuyến đường mới dài 8km, vượt qua những ngọn đèo cao như Lũng Lô, Phiềng Ban, Đèo Chẹn. Đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, có chiều dài 89km, cũng được mở rộng gấp đôi. Trên con đường này, quân đội và dân công đã vất vả chuyển khoảng 18.000m3 đá từ lòng suối lên mặt đường, xây dựng 90 cầu lớn và nhỏ, và sử dụng khoảng 92.000m3 gỗ để chống lầy.
Trên cơ sở quán triệt và hiện thực hóa đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Sinh thời, Hồ chủ tịch khẳng định “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Để vậy mới thấy rõ vai trò của những tin báo tường thuật cuộc chiến cập nhật thường xuyên liên tục, có tác dụng khích lệ, động viên tinh thần chiến sĩ, nhân dân.
Nhân dịp nghỉ lễ, nhiều gia đình chọn đây là địa điểm vừa cho hoạt động giải trí, vừa là một hình thức giáo dục kiến thức lịch sử hiệu quả cho con em.
Anh Hoài (Hà Nội), ấn tượng nhất với hình ảnh chiếc xe thồ được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo anh, điều gây ấn tượng mạnh là vẻ ngoài thô sơ nhưng đóng vai trò vận tải to lớn, góp phần không nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Không khí hào hùng những ngày chiến tranh gian khổ hấp dẫn cả du khách thập phương. 4 bức hình ghi lại quang cảnh biểu tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình tại Pháp năm đó đang đấu tranh buộc chính phủ phải rút quân về. Sức mạnh đoàn kết quốc tế chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Mạnh Tiến - MĐT K41
Phản hồi