Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Góc nhìn chuyên gia \

45 năm non sông liền một dải và câu chuyện hòa hợp dân tộc:

Bài 2: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - Cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử

22:25 29-04-2020
QĐND Online - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng 10 năm trực tiếp cầm súng trên chiến trường chống Mỹ, tham gia 4 chiến dịch lớn và có mặt ở điểm hẹn lịch sử ngày 30-4-1975. Hòa bình, ông "tha hương cầu thực" ở châu Âu, nên rất hiểu cuộc sống của những người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bộ phận chưa đồng thuận với Đảng, Nhà nước. Ở tuổi 70, dù vừa qua trọng bệnh, nhưng khi phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đề cập câu chuyện hòa hợp dân tộc, nhà văn đã xúc động chia sẻ những tâm sự của một người nặng lòng với quá khứ, hiện tại và tương lai…

 Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Hòa hợp dân tộc – Quy luật tất yếu

Phóng viên (PV): Là người lính từng chứng kiến thời khắc lịch sử 30-4-1975, sau đó “tha hương cầu thực” nhiều năm ở nước ngoài, theo ông sau 45 năm, vấn đề hòa hợp dân tộc đặt ra như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi sang nước Đức ở phía Đông có nhiều người Việt xuất khẩu lao động từ miền Bắc Việt Nam, nhưng phía Tây thì số thuyền nhân vượt biên sau năm 1975 khá nhiều. Cũng như nhiều người vượt biên sang Mỹ, những người từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ có một số ít định kiến, hận thù. Phần đông họ ra đi vì miếng cơm manh áo, bởi sau cuộc chiến, đời sống nước ta bị Mỹ cấm vận khó khăn lắm. Số chống cộng cực đoan chỉ rất ít nên nhìn chung người Việt Nam ở nước ngoài đều nhận thức rằng, đất nước muốn hùng cường thì không nên chia rẽ nữa. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị có những quan điểm sâu sắc về hòa hợp dân tộc đã nói trúng tâm tư, nguyện vọng những người xa quê hương đất nước.

Tôi ra xứ người cũng tiếp xúc với nhiều nhà văn hải ngoại mà trước năm 1975 đã phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ đặt ra vấn đề hòa hợp từ rất sớm. Bởi có hòa hợp dân tộc họ mới được tự do giao lưu, về nước, sống và làm việc trong xu hướng hội nhập quốc tế. Nguyện vọng ấy chứng tỏ khi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đồng hành với nguyện vọng của nhân dân nói chung, Việt kiều nói riêng ở hải ngoại, thì hòa hợp là nhu cầu, là quy luật tất yếu của lịch sử. Hòa hợp dân tộc đòi hỏi các xu hướng chính trị khác nhau tìm mẫu số chung, thu hẹp bất đồng để chung sức kiến tạo đất nước. Cần phải quên đi hận thù, mâu thuẫn cũ để góp sức vào xây dựng đất nước đã thống nhất, giang sơn về một mối.

Lợi ích quốc gia dân tộc là mẫu số chung

PV: Hiện nay cùng với vấn đề hòa hợp, nhiều người cho rằng trước khi nói đến hòa hợp thì phải hòa giải đã. Ý kiến của nhà văn về vấn đề này như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hòa hợp thì đã rõ là tất yếu rồi. Nhưng hòa giải là vấn đề tế nhị hơn. Tất nhiên về phía những ai ở chế độ Việt Nam Cộng hòa nay vẫn tiếp tục chống phá Nhà nước ta, thậm chí tổ chức biệt kích thâm nhập thì sao mà hòa giải được. Nhưng những kẻ như thế ngày một ít đi. Thậm chí một số người từng chống phá quyết liệt, nhờ Nghị quyết 36 trở về nước thấy sự thay đổi, phát triển rất nhanh của đất nước rồi ra thăm Trường Sa thấy được thực tế, tâm huyết của Đảng, Nhà nước ta nên họ đã thay đổi nhận thức, ủng hộ Đảng, Nhà nước ta hoặc không còn những phát ngôn, hành động cực đoan. Nhiều người khi quay về Mỹ phát biểu rất tốt. Như vậy, cái gốc của Hòa giải hay Hòa hợp đều phải trên cơ sở coi trọng lợi ích của dân tộc và Tổ quốc.

Theo dõi đất nước gần đây tôi thấy, Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, ra sức chấn chỉnh từ trong Đảng đến chính quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cầu người hiền tài như những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu để chuẩn bị Đại hội Đảng sắp tới. Điều này cũng tác động rất lớn vào vấn đề hòa hợp dân tộc. Nó làm người dân cả trong và ngoài nước thêm tin tưởng, đồng thuận ở Nhà nước, chính quyền Việt Nam.

 Người dân đón chào quân giải phóng. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Từ bài học chiến tranh đến quan điểm thời bình

PV: Theo ông hiện nay để làm tốt vấn đề hòa hợp dân tộc, về phía Đảng và Nhà nước cũng như Nhân dân cần làm gì?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Như trên đã nói, vấn đề hòa hợp dân tộc không chỉ là mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước mà còn là xu hướng phát triển tất yếu của đất nước, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Ở đây có một vấn đề rất quan trọng đặt trên vai các tổ chức ngoại giao của Đảng. Đó là công tác vận động. Vận động tốt thì người ta hiểu thiện chí của chính quyền ta hơn. Trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn. Từ một chính khách chống chính quyền Việt Nam quyết liệt, mang nhiều nợ máu với cách mạng, nhưng khi đặt vấn đề hòa hợp, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về nước. Trở lại Mỹ, ông ta phát biểu khác, không còn chống cộng cực đoan nữa. Thậm chí ông còn hợp tác với các cơ quan truyền thông của ta, có mặt trong nhiều thước phim tài liệu chân thực, kể cả trong những phim nói về ngày 30-4-1975 như phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh” (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước, một người em của tôi).

Tôi được nghe kể lại, đúng ngày 30-4-2005, đoàn làm phim đã vào Sài Gòn gặp gỡ các nhân chứng. Điều may mắn nhất với đoàn là gặp được cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước và đã thuyết phục được ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn. Trong bộ phim mà tôi cũng là một nhân vật được phỏng vấn này, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có nhiều phát biểu thể hiện sự trân trọng tinh thần hòa hợp dân tộc. Ông ấy nói là một người lính, ông ấy gần như không khóc nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần. Lần thứ nhất là lần ông rời đất nước này bay ra chiến hạm để đi Mỹ. Lần thứ hai là lần đầu tiên ông trở về Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài. Khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt ông cứ trào ra. Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí về cảm xúc lần đầu tiên trở lại quê hương, ông Kỳ cho biết, ông trở về với mong muốn trở thành sứ giả cho sự hòa hợp dân tộc. Để hòa hợp dân tộc, ông cho rằng những người còn nặng định kiến phải vượt lên chính mình: “Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại”.

 Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (trái) trong phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”. 

Trong bộ phim, tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện khi chúng tôi tiến quân thần tốc, gặp một viên sĩ quan Việt Nam Cộng hòa hoảng loạn, chờ chết ngay khi nghe tin Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng nhưng tôi với tư cách là chỉ huy cao nhất của đơn vị đã tha chết cho anh ta và còn đưa cho anh ta hai cuộn bông băng cuối cùng của mình. Hòa hợp dân tộc với những người lính Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi luôn là đạo lý, là đại nghĩa, là chủ trương của Đảng thấm sâu vào suy nghĩ và hành động. Không có tinh thần hòa hợp đó, chắc sẽ còn nhiều đau thương đổ máu cả trong và sau chiến tranh.

Cho nên, bây giờ đã có nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc rồi thì phải làm sao thực hiện cho tốt, cho triệt để. Làm được điều đó thì tinh thần hòa hợp dân tộc sẽ lan tỏa, đơm hoa kết trái, giúp đất nước ngày càng vững mạnh.

Những năm gần đây, Bộ Chính trị chủ trương tác động rất lớn vào Việt kiều, đã tạo ra cảm hứng mới cho kiều bào hướng về đất nước. Ngay việc “Chống dịch như chống giặc” thắng lợi đến ngày hôm nay khiến quốc tế khâm phục cũng tác động rất lớn vào nhận thức và tạo thêm cảm tình của bà con Việt kiều, họ tự hào về Việt Nam còn nghèo mà chống dịch tốt hơn cả nhiều nước giàu có. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển biến toàn diện để có thực tế, tạo thêm niềm tin cho nhân dân.

Về phía hải ngoại thì kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động các Hội đoàn tương thân tương ái, nhất là trên đất Mỹ. Ở châu Âu, bà con làm rất tốt vấn đề này. Chính các Hội đoàn tập hợp được lực lượng quần chúng để ủng hộ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng đất nước, đóng góp rất cụ thể cho Tổ quốc, cả tinh thần lẫn vật chất. Nó gắn kết người Việt tại chỗ và là cầu nối tốt với nhân dân và chính quyền nước sở tại, tranh thủ được cảm tình của quốc tế. Làm tốt điều này, thì kẻ xấu ít đi, người tốt thật lòng với quê hương, đất nước nhiều hơn.

Đối với trong nước thì phải tích cực hơn nữa sự thấm nhuần tinh thần Nghị quyết 36 của Đảng, tạo thêm điều kiện, nhất là thái độ tiếp dân phải làm tốt hơn nữa về văn hóa công chức ở chính quyền các cấp khi họ về nước. Các dịch vụ công cộng cũng phải thay đổi kịp thời phù hợp với văn minh và văn hóa hội nhập trên thế giới. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng trong các dịch vụ công cộng, văn hóa trong du lịch và các dịch vụ thương mại trở thành các điểm đến cho bà con Việt kiều thấy rõ thực tế đất nước đã thực sự thay đổi văn minh và tiến bộ.

Sao chép cách làm của nước ngoài để hòa hợp là sai lầm

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng để hòa hợp dân tộc phải học tập cách làm của nước Mỹ sau nội chiến Việt Nam, phải bỏ chế độ XHCN, phải đa nguyên, đa đảng?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hoàn cảnh và mâu thuẫn trong nước Mỹ giai đoạn nội chiến tại Mỹ khác hẳn hoàn cảnh xảy ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Ở nước Mỹ không có yếu tố nước ngoài giàu mạnh chi phối nội chiến Mỹ và tạo ra các thế lực thù địch như cuộc chiến tại Việt Nam.

Tác giả Frank Snepp trong cuốn hồi ký “Cuộc tháo chạy tán loạn” vạch rõ, lực lượng CIA của Mỹ ngay từ trước thời điểm 30-4-1975 vẫn âm mưu nuôi cấy lực lượng chống phá Nhà nước Việt Nam. Frank Snepp thú nhận, trùm CIA lúc đó vẫn duy trì lực lượng CIA tại chỗ và đưa những người có năng lực quân sự và chính trị trong bộ máy cũ ra hải ngoại nằm chờ tiếp tục một cuộc chiến sau hậu chiến. Thực tế người Mỹ đã vẫn tổ chức các hành vi giúp đỡ các tổ chức phản động bạo lực xâm nhập miền Nam, nuôi nấng lực lượng Fulro ở Tây Nguyên hơn 20 mươi năm, gây nhiều đổ máu cho đồng bào Việt Nam. Cho nên so sánh và đòi hỏi Việt Nam phải học cách hòa hợp ở nước Mỹ sau chiến tranh nội chiến tại Mỹ những năm cuối thế kỷ 18 (American Civil War, 1861–1865) là thiếu cái nhìn toàn diện biện chứng về lịch sử.

Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hôm nay cũng không phải mô hình cũ. Nó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có cả yếu tố kinh tế tư nhân được quan tâm để phát triển. Vì thế, kêu gọi Nhà nước bỏ xây dựng XHCN là cái nhìn thiếu toàn diện, biện chứng, không phù hợp.

Về vấn đề đa nguyên, đa đảng: Tôi là một nhà văn từng chịu khó nghiên cứu triết học cổ Á Đông, tôi cho rằng, đa nguyên, đa đảng là một cách nhìn máy móc và nôn nóng. Lão Tử nói, đạo có trước cả vạn vật. Có nghĩa là, tự nhiên có quy luật của nó, quy luật để hình thành ra vũ trụ, nên điều gì con người hoạch định ra nếu phù hợp với các quy luật phát triển của tự nhiên, đấy là đạo, là chân lý.

Lịch sử phát triển của cách mạng nước ta cho thấy rõ rằng, những gì thành công đều không chỉ áp dụng nhận thức mới của thế giới mà còn căn cứ vào hoàn cảnh và đặc tính của riêng Việt Nam. Điều này biểu hiện rất rõ trên con đường cứu nước, nhãn quan chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cả trong quân sự cũng vậy, Việt Nam đánh Mỹ theo cách của Việt Nam, không theo cách mà nước bạn muốn.

Chế độ một đảng mà làm tốt công tác chống dịch Covid-19 hơn hẳn các nước đa đảng, để toàn thế giới khâm phục, ca ngợi nước ta rất nhân văn, khi họ nhìn rõ Đảng, Nhà nước ta chống dịch rất hiệu quả, là bởi tạo sức mạnh đồng thuận toàn dân tộc. Tốt đẹp như thế thì vội vã thay đổi theo một số người, liệu có đưa xã hội tử tế hơn hiện thời không, hay lại tan nát, thậm chí loạn lạc, chiến tranh như ở Đông Âu hay Trung Đông đấy thôi?

 Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh với tiểu đội nuôi quân và lính trinh sát đại đội tại Dinh Độc Lập. Ảnh tác giả cung cấp.

PV: Thế còn với những lời đòi hỏi như phải bỏ lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4-1975, có nên không, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Chiến thắng 30-4-1975 thuộc về lịch sử. Lịch sử chấm dứt chia rẽ dân tộc, đất nước, thống nhất non sông về một mối. Sinh mạng biết bao chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kẻ nào muốn quên, đó là sự xúc phạm tới vong linh các liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho một cái đích cần có của một dân tộc được sống trong hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Không một quốc gia nào hình thành lâu đời muốn chia rẽ cả. Có ngày ấy mới tạo nên cuộc sống thanh bình để hưởng thụ và xây dựng hôm nay. Nhiệm vụ của các thế hệ tiếp nối chúng tôi là phải giữ vững và bảo vệ giang sơn thống nhất này!

Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân. 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 2002. Chính những năm tháng trực tiếp cầm súng ở nhiều chiến trường ác liệt đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá, để tạo nên những tác phẩm về đề tài chiến tranh được bạn đọc yêu thích như: Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh, Vô danh trận mạc, Người Hà Nội, Thằng Phoóng em tôi, Vàng xưa, Mùi thuốc súng… Ông cũng là một nhân vật trong bộ phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”– một bộ phim tài liệu chân thực và đậm chất nhân văn không chỉ tái hiện không khí của thời khắc lịch sử 30-4-1975, mà còn cho thấy những trăn trở, băn khoăn của một thế hệ đã dành phần lớn cuộc đời cho chiến tranh, luôn khát khao sống, dựng xây đất nước. Cùng với đó là những đau thương, mất mát, chia ly, những trăn trở rất đỗi con người của cả phe thắng trận, lẫn phe bại trận, cảm thức về sự hòa hợp dân tộc... 

Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

Phản hồi