Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Góc nhìn chuyên gia \

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền):

Người sử dụng mạng xã hội - nhân tố quan trọng nhất để ngăn tin giả!

11:03 18-04-2020
(HNMCT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới bất an, người tham gia mạng xã hội còn cảm thấy hoang mang hơn khi trên thế giới ảo ngày càng xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc. Chúng ta có thể và cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) xung quanh vấn đề trên.
 PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

- Tin giả, tin xấu luôn là thách thức đi liền với hoạt động trên môi trường mạng. Một cách khái quát, bà có thể chia sẻ nhận định của mình về việc tin giả ảnh hưởng thế nào đến đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay?

- Tin giả (fake news) là thông tin không dựa trên sự thật - thông tin giả mạo, do nguồn phát thông tin cố tình ngụy tạo, được thể hiện dưới hình thức tin tức thật. Tin giả dựa trên nội dung ngụy tạo (phóng to, thổi phồng và nhấn mạnh chi tiết không đúng bản chất, cắt chi tiết có thật, thay đổi cấu trúc nội dung làm méo mó nội dung thông tin...) và nội dung bịa đặt (dựng lên những nội dung không có thật, chẳng hạn các tin bịa đặt về việc phun thuốc khử khuẩn trên bầu trời Việt Nam để ngừa Covid-19, tin phong tỏa thành phố...).

Tin xấu độc, còn gọi là thông tin nguy hại (Malinformation), là dạng thông tin ít nhiều dựa trên những gì “có thật”, được dùng để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia. Thông tin nguy hại dựa trên nội dung gây hiểu lầm, liên kết sai (ví dụ: Tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ cho nội dung); bối cảnh sai (ví dụ: Chế ảnh nhân vật có thật, thay đổi bối cảnh, thay địa điểm xuất hiện của nhân vật), nội dung mạo danh (mạo danh tác giả, nhân vật tham gia, nhân vật phát ngôn...).  

Tin giả đi kèm với thông tin nguy hại gây rối loạn thông tin, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội, từ đó gây bất ổn về an ninh, chính trị; trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, tin giả và tin nguy hại, nếu không bị xử lý kịp thời sẽ là tác nhân kích động, gây chia rẽ, ly gián lòng người, tạo sự phân tâm trong các giai tầng xã hội, gieo rắc sự hoang mang, tâm lý bi quan, hoài nghi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân.

 

- Thực tế, tin giả, tin xấu xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và được tiếp tay bằng cả sự cố ý và vô ý, theo bà đâu là lý do chính dẫn đến việc tin giả có thể lan truyền chóng mặt, gây bức xúc trong dư luận như thời gian qua?

- Hiện nay, công nghệ số và các nền tảng công nghệ cho truyền thông xã hội phát triển quá nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất và phát tán tin giả, tin nguy hại sử dụng công nghệ và các nền tảng này. Điều này dẫn tới việc gia tăng các chủ thể sản xuất và phát tán tin giả, tin nguy hại, nhất là trên môi trường mạng xã hội. Nhóm cá nhân, tổ chức cố ý sản xuất và phát tán tin giả, tin nguy hại bao gồm: Cá nhân, tổ chức có mục tiêu trục lợi hoặc quảng bá danh tiếng từ việc câu like, câu view; là các thế lực thiếu thiện cảm, thù địch với Việt Nam công khai chống đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là đối tượng bất mãn, hận thù chế độ vì đã từng bị trừng phạt bởi những hành động sai trái họ đã gây ra trước đây...

Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ người tham gia sử dụng mạng xã hội do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hoặc vô tình cung cấp thông tin sai lệch, xuyên tạc khi chưa xác minh hay kiểm chứng nguồn tin, bị kẻ xấu lợi dụng để lừa bịp; nhận thức, hiểu biết vấn đề chính trị xã hội non kém, ngây thơ, hùa theo tán dương một cách thiếu suy nghĩ khi tiếp nhận và góp phần phát tán tin giả và thông tin nguy hại.  

- Như vậy, yếu tố ứng xử của chủ thể trong môi trường mạng xã hội trong vấn đề này là vô cùng quan trọng, thưa bà?

-  Có thể thấy rằng, nhân tố quan trọng nhất để ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chính là người sử dụng mạng xã hội. Nếu các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội hiểu đúng, nhận diện được tin giả, chỉ mặt kẻ chủ mưu, người sản xuất và phát tán tin giả, không tiếp nhận, không lan tỏa tin giả, tin xấu độc thì những loại tin này sẽ không có đất sống. 

Như vậy, mỗi cá nhân, tổ chức ngoài việc có kiến thức về pháp lý khi tham gia mạng xã hội, cần phải ý thực rõ về quyền - trách nhiệm, hiểu rõ chuẩn mực văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, từ đó điều chỉnh hành vi trên môi trường truyền thông xã hội, trong không gian số. Có nghĩa là, việc nghiên cứu, xây dựng và thực thi chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức nói riêng và cộng đồng nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc.

 

- Với vai trò là trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu đất nước, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đề ra kế hoạch cụ thể như thế nào trong công tác đào tạo để sinh viên thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 và làm chủ thông tin trên môi trường internet, thưa Tiến sĩ?

- Năm 2017 - 2019, Viện Báo chí cử các nhà khoa học có vai trò then chốt hoàn thành đề tài cấp Nhà nước KX 01/16-20 “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin Việt Nam”, xuất bản sách, công bố nhiều công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế về lĩnh vực này. Với 3 cấp đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và Cử nhân cùng nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông và quản lý báo chí, truyền thông, Viện đã xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo ba ngành: Báo chí, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện; bổ sung, cập nhật vào từng bài giảng kiến thức, kỹ năng phân tích, kiểm chứng nguồn tin, nhận diện tin giả, thông tin nguy hại, ý thức về quyền và trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn tin giả, tin nguy hại, xử lý thông tin sai lệch, tin xuyên tạc, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Thông qua bài giảng trên lớp, các dự án thực hành sáng tạo, hoạt động của Câu lạc bộ Báo chí truyền thông, đặc san Báo chí Trẻ, việc sáng tạo nội dung và quản lý các fanpage và các kênh riêng trên Facebook, YouTube và qua nhiều môn học, đặc biệt là về truyền thông đa phương tiện, sinh viên Viện Báo chí được rèn luyện cả về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp để thích ứng với đòi hỏi của môi trường số. Hơn ai hết, các sinh viên báo chí cần được đào tạo kiến thức nền tảng để có nhãn quan chính trị tốt, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp căn bản, ý thức được vai trò chủ đạo và sứ mệnh cung cấp thông tin chính xác với tinh thần trách nhiệm cao nhằm đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân, tham gia phòng ngừa và ngăn chặn tin giả, tin xấu độc.

 

- Cá nhân bà có chia sẻ gì với bạn đọc về những điều cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội hiện nay?

- Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, trên nhiều diễn đàn, đã chỉ dẫn cách nhận biết tin giả, như: Kiểm tra xuất xứ thông tin, kiểm tra tựa bài có khớp với nội dung, kiểm tra thời gian thông tin, xem xét nguồn tin trong bài, xem xét độ phủ sóng và xem xét chủ quan bản thân. Chúng ta cũng nên tìm đọc chỉ dẫn của các chuyên gia nghiên cứu về tin giả đăng tải trên các tạp chí khoa học, các trang web của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông có uy tín để tự mình nhận diện tin thật - tin giả, tránh việc vì thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà bị lợi dụng, vô tình tiếp tay lan truyền tin giả.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, đã có 175 cá nhân bị triệu tập, xử lý vì tung tin giả và tin nguy hại về dịch Covid-19.
Theo Hànộimới Cuối tuần

Phản hồi