Với mong muốn giúp các sinh viên hiểu thêm về nét đẹp văn hóa đặc trưng của Kinh Bắc, từ đó được thực hành kĩ năng truyền thông quảng bá văn hoá, nhóm giảng viên phụ trách học phần Quản trị Báo chí – Truyền thông gồm PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng và ThS. Phạm Thị Mai Liên (Viện Báo chí - HVBC&TT) đã tổ chức thành công chuyến thực tế môn học tại làng Diềm, Bắc Ninh. Tại đây, hơn 60 sinh viên của Viện Báo chí đã có những trải nghiệm vô cùng quý báu và đầy cảm xúc.
Làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) từ lâu đã được biết đến như “cội nguồn” của làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Bởi lẽ, đây là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ có Đền Vua Bà Thủy Tổ – người khai sinh ra làn điệu dân ca quan họ nức tiếng bốn phương.
Dưới sự tiếp đón và hướng dẫn của nghệ nhân Trần Văn Dương cùng các liền anh liền chị, các bạn sinh viên đã được ghé thăm những di tích tiêu biểu của làng Diềm như Đền Cùng - Giếng Ngọc, Đền Vua Bà Thủy Tổ, Nhà hát Quan họ...
Điểm đến đầu tiên của chuyến tham quan là Đền Cùng - Giếng Ngọc, chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ. Đoàn sinh viên đã lắng nghe những câu chuyện xoay quanh di tích, đặc biệt là truyền thuyết gắn với hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên qua sự giới thiệu của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài. Không chỉ thế, các bạn còn được trải nghiệm tự tay xuống giếng xin và uống nước giếng Ngọc.
Điểm đến tiếp theo của hành trình là Đền Vua Bà Thủy Tổ. Được biết, Đền Vua Bà vốn được xây dựng từ thời Lê với kiến trúc mang đậm phong cách Việt Nam. Năm 2018, nơi đây được trùng tu để chào mừng kỷ niệm 10 năm vinh danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh, được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Đền Vua Bà Thủy Tổ, các bạn sinh viên với sự hướng dẫn của các nghệ nhân đã làm lễ bày tỏ sự tôn kính và biết ơn đến Đức Vua Bà.
Đến Làng Diềm không thể không nghe hát dân ca quan họ. Tại đây, sinh viên được xem một gánh hát quan họ do các liền anh liền chị của Làng Diềm biểu diễn. Trong hơn một giờ đồng hồ, các nghệ nhân đã giới thiệu các phong tục, lề lối khi hát cũng như biểu diễn đa dạng các thể loại quan họ. Đoàn sinh viên vô cùng thích thú và tò mò khi chiêm ngưỡng các tiết mục từ quan họ cổ đến quan họ hiện đại.
Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh cũng là điểm đến ấn tượng trong buổi học tập, thực tế. Các bạn sinh viên không giấu khỏi sự choáng ngợp trước kiến trúc bề thế và độc đáo của nhà hát hơn 241 tỷ này. Đại diện nhà hát, nghệ sĩ Đào Liễu cho biết: “Tôi rất vui khi sinh viên Báo chí đến đây với mong muốn lan tỏa rộng rãi dân ca quan họ Bắc Ninh. Đây là tín hiệu cho thấy các bạn trẻ đang có ý thức tìm hiểu về văn hóa và có trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản".
Ngoài tham quan di tích, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sinh viên là thực hành sản xuất các sản phẩm truyền thông vă hoá về làng Diềm. Được khám phá và tìm hiểu một địa điểm văn hóa đặc sắc của Kinh Bắc, các bạn sinh viên đã tận dụng tối đa thời gian tại địa phương để tác nghiệp. Đa phần các nhóm đều chuẩn bị các trang thiết bị vô cùng chỉn chu và chuyên nghiệp.
Là thành viên thuộc nhóm làm phóng sự, bạn Nguyễn Thị Thục Quyên, lớp Truyền thông đại chúng A2K42 chia sẻ: “Chuyến tham quan là cơ hội tuyệt vời cho chúng mình thực hiện những sản phẩm truyền thông về văn hóa. Nhóm mình đã lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ càng trước buổi thực tế nên việc ghi hình diễn ra thuận lợi. Mình mong rằng sản phẩm của tất cả các nhóm đều hoàn thiện tốt và đạt điểm cao".
Qua buổi học thực tế tại làng Diềm, các sinh viên Báo chí đã được tiếp thu những kiến thức bổ ích cùng những trải nghiệm “làm nghề” đáng nhớ. Việc thực hành tác nghiệp trực tiếp tại địa điểm văn hóa đặc sắc này chính là hành trang quý báu cho mỗi sinh viên trên con đường trở thành những nhà báo, nhà truyền thông chuyên nghiệp trong tương lai.
Phản hồi