Danh mục Thứ Năm, 16/05/2024

Chuyên đề \

Tống Thị Xuyến - Người gìn giữ hồn cốt chè Thái Nguyên

14:30 12-04-2024
Suốt 30 năm, Chị Tống Thị Xuyến đã tạo dựng nên thương hiệu Chè Hoan Xuyến – nơi cộng đồng nhiều thế hệ người cùng sinh sống cùng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, gìn giữ hồn cốt chè Thái Nguyên. 

 Chị Tống Thị Xuyến, trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, Giám đốc HTX chè an toàn “Hoan Xuyến”. (Ảnh: NVCC)

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của xứ chè, chị Xuyến từ nhỏ đã rất quen thuộc với công việc của người trồng chè và thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề. Cứ say mê, cần mẫn trồng, chăm sóc và chế biến chè, chị đã trở thành người làm chè giỏi có tiếng trong vùng. 

 Chị Xuyến cùng công nhân sao chè, đóng gói tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến. (Ảnh: NVCC)

8 giờ tối, chúng tôi không hẹn mà đến, chị Xuyến vẫn đang dở tay sao chè trong bộ đồ lao động. Thấy vậy, chị nghỉ tay chốc lát ngồi trò chuyện với chúng tôi cùng tách trà nóng, chị chia sẻ: "Tối nào cũng làm đến 9 giờ hoặc 9 rưỡi mới nghỉ, vào mùa thu hoạch thì có khi làm đến 12h".

Mạnh dạn thay đổi, gìn giữ cốt xưa 

Một thời gian, cây chè không đem lại hiệu quả kinh tế, người dân không còn tin vào nghề trồng chè sẽ mang lại cuộc sống ấm no, nên nhiều gia đình đã chặt bỏ vườn chè. Nhưng với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống, chị Tống Thị Xuyến quyết định vận động, tuyên truyền bà con cùng nhau cố gắng, gìn giữ truyền thống của quê hương và cải thiện, phát triển.

Năm 2014, xóm Trung Thành 2 được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè truyền thống. Chị Xuyến vinh dự được nhân dân tin tưởng, yêu mến giao trách nhiệm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề. Từ đó đến nay, chị đã đưa thương hiệu chè Trung Thành 2 từng bước vươn xa trên thị trường. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất chè an toàn, chị Xuyến chủ động tham các lớp đào tạo, tập huấn. Năm 2017, chị thành lập Tổ sản xuất chè VietGAP, bước đầu gây dựng thương hiệu chè quê hương. 

Khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, cơ sở sản xuất của chị Xuyến cũng gặp không ít khó khăn: “Cây chè đang được chăm sóc, bón phân nhiều, phun thuốc nhiều đang tốt, khi chuyển sang cái quy trình VietGap, sẽ giảm năng suất. Mới đầu mọi người cũng cũng băn khoăn về việc đó, nhưng khi phân tích, giải thích mô hình mới sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì mọi người dân đều nhất trí phương châm làm sạch và làm an toàn.” 

Với những nỗ lực đó, cùng sự chăm chỉ, sáng tạo, đến tháng 10 năm 2020, sản phẩm chè xanh Hoan Xuyến của Cơ sở sản xuất – kinh doanh chè Hoan Xuyến đã chính thức được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (trước đó, chè xanh Hoan Xuyến được chứng nhận “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam 2018). Qua đó giúp sản phẩm chè của chị Xuyến có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Sau những thành công ban đầu, tháng 12/2020 chị Xuyến đã quyết định thành lập HTX chè an toàn Hoan Xuyến. Với mục tiêu nâng cấp sản phẩm chè, chị vay tiếp Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh thêm 50 triệu trong 3 năm để đầu tư mua phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ và các nguyên vật liệu khác để phục vụ sản xuất.

Chè “lên hương” nhờ làm thương hiệu 

Với sự tâm huyết của mình, đầu năm 2022, Nõn tâm trà Hoan Xuyến được cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Đến nay, HTX đã có hai sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Không giấu nổi niềm vui, nghệ nhân làng chè chia sẻ rằng, từ khi các sản phẩm chè được chứng nhận OCOP, người mua yên tâm hơn, số lượng khách hàng tăng lên. Nhờ đó, cuộc sống của chị và các hội viên ngày một khấm khá.

Nói cụ thể về chất lượng chè, nghệ nhân Tống Thị Xuyến cho biết sản phẩm chè OCOP, được sản xuất theo hướng hữu cơ, nên nước chè có màu trong như màu mật ong, uống có vị đậm đà hơn và vò ít bị vỡ. Trong khi đó, phương pháp truyền thống, sẽ làm nước chè có màu xanh lờ hơi vẩn, khi vò dễ bị vỡ.

Hơn nữa, việc thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang VietGAP, đạt các tiêu chuẩn OCOP hay theo hướng hữu cơ, tuổi thọ của cây chè sẽ tăng. Nếu như trước đây sau 10 năm sẽ phải thay gốc, thì giờ đây các cây chè của HTX chè an toàn Hoan Xuyến sẽ có tuổi thọ từ 12-15 năm.

“Cái chính là đam mê, tôi muốn bảo vệ và xây dựng thương hiệu, tôn vinh giá trị cây chè quê hương. Tôi chưa đặt kinh tế lên đầu, phải làm cho thương hiệu của mình nó thật sự có chất lượng đã rồi mới tính đến lợi ích kinh tế”.
 

Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc HTX chè an toàn Hoan Xuyến. (Ảnh: NVCC)

Giống như chị Xuyến, việc làm chè đã trở thành "cha truyền, con nối" đối với mỗi người dân ở xã Trung Thành 2. Mỗi một mẻ chè được sao sấy, lên hương, đóng gói, họ coi nó như những “đứa con” cần được yêu thương, trân trọng. Người làm chè từ già đến trẻ đều đã xích lại gần nhau, không chỉ bởi tình làng nghĩa xóm mà đó còn là chung niềm đam mê nhiệt huyết xây dựng thương hiệu chè “Hoan Xuyến”. Việc sản xuất chè, không chỉ là nguồn sống mà còn chứa đựng trong đó niềm hạnh phúc, sự kết nối giữa các thế hệ để lưu truyền và gìn giữ, phát huy nghề truyền thống làm chè nơi đây.

Với hơn 30 năm gắn bó và cống hiến trong làng nghề chè Trung Thành, với những đóng góp của mình, chị đã được nhiều cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen. Niềm vui lớn nhất của năm 2022 của người nghệ nhân chè là được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề chè”; vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, gìn giữ hồn cốt chè Thái Nguyên. 

Hương Ly - MĐT K41

Phản hồi