Sự suy tàn của nhà hát Cô đầu
Sang nửa sau của thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi chấm dứt. Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thành thị buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Ả đào biến mất khỏi đời sống xã hội. Ở Hà Nội, chỉ còn vài bậc danh ca, danh cầm thi thoảng được tiếp tục cuộc chơi “khép kín” tại tư gia của một số văn sĩ danh tiếng - những người có khả năng bảo trợ đào kép. Mất hẳn môi trường làm nghề, hệ giá trị nghệ thuật cũng vì thế mai một, nhạt nhòa dần theo thời gian.
Trong xã hội mới, hàng nghìn đào kép trên các vùng miền phải tự tìm cách để xoay sở kiếm sống. Người may mắn lắm thì chuyển đổi được sang hát chèo, cải lương hay ngâm thơ… Phần còn lại, tất cả đều cố gắng thích nghi trong những nghề mới, kể cả những việc đồng áng nông nghiệp hay làm thuê, bán hàng, khuân vác, phụ hồ,... - những việc mà cả đời đào kép chưa bao giờ biết tới.
Vào thời điểm năm 1954, một bộ phận đào kép Hà Nội di cư vào Nam lập nghiệp. Vài người trong số họ được Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn mời vào làm giảng viên dạy các môn cổ nhạc Bắc Kỳ.
“Trớ trêu là xã hội bấy giờ kì thị, phần đông trong số họ phải mai danh ẩn tích, ngõ hầu những người xung quanh không ai biết mình là kép đàn hay cô đầu. Cuộc đời các danh ca, danh cầm Ả đào vẫn còn đó với biết bao câu hỏi của lịch sử văn hóa dân tộc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tiếc nuối.
Một phần của lịch sử
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, các cô đầu đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước lời kêu gọi kháng chiến năm 1946 của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cô đầu, kép đàn các nhà hát Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở đã không bỏ chạy, tình nguyện ở lại Hà Nội cùng các chiến sĩ cảm tử quân, vệ quốc đoàn. Họ tham gia vào các đội giao liên, tải thương trên mặt trận liên khu 2 và liên khu 3. Hình ảnh đó được nhạc sĩ Văn Cao phản ánh trung thực và sinh động trong bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946”:
“Reo lên! A reo lên/ Xóm cùng khổ!/ Reo lên! Reo lên!/ Băng mình vào đạn lửa/ Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ sóng lũ Hồng Hà/ Xưa đây lối xóm cầm ca/ Biêng biếc đèn xanh ngõ khói/ Vạn cổ thôn hào hoa/ Thương nữ kinh kì tụ hội/ Đàn đáy lạc âm ba/ Bốn mùa nghiêng mặt hát/ Tang trống kêu tan tác/ Đời vật vã chưa xa….Xưa đây lối xóm cầm ca/ Bốn mùa ngả nghiêng trụy lạc/ Khăn lụa che ngang mày thét nhạc/ Gót chân xanh khép giọng Tì bà/ Em gái Ngã Tư Sở/ Anh người thợ Nam Đồng/ Đêm sênh ca khốn khổ/ Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông/ Xác anh vùi lửa đạn/ Xác em vùi bên anh/ Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ Lửa bừng cháy lên rực phía đô thành”.
Nhiều cô đầu đã ngã xuống bên chiến lũy bảo vệ thủ đô trong 60 ngày đêm lịch sử. Hàng trăm đào nương - cô đầu sau đó lại tình nguyện tham gia kháng chiến.
“Xã hội mới thời kỳ thực dân phong kiến quá khắt khe, để rồi đã phủ định hoàn toàn một thể loại âm nhạc danh giá nhất trong lịch sử cũng như những đào kép xuất chúng, những số phận cô đầu mà cuộc đời họ giống như một khúc ca bi tráng.
Hãy thử hình dung, với thân phận ca kỹ nơi thành thị, các cô hoàn toàn có thể bỏ trốn khỏi vùng bom đạn, khói lửa chiến tranh. Nhưng điều gì đã khiến họ hành động như vậy? Chỉ có thể nói là lòng yêu nước và bản năng trong mỗi con dân nước Việt khi Tổ quốc lâm nguy. Các cô đầu đã trở thành một phần lịch sử của dân tộc. Tôi muốn giải oan cho họ. Thật sự, khi nghiên cứu tới đây, nước mắt tôi giàn dụa. Đã đến lúc phải có một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ Ả Đào. Họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bộc bạch.
Phản hồi