Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa (Bài 1): Nền âm nhạc phát triển bậc nhất của đầu thế kỷ 20

08:00 11-04-2024
Cho đến đầu thế kỷ 20, nếu tính số lượng nghệ sĩ hành nghề, có lẽ không một thể loại nào trong nền âm nhạc dân tộc có thể sánh được với Ả đào (ca trù).

Từ sự hình thành của Nhà hát Cô đầu… 

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nghệ thuật Ca trù là thể loại có nhiều tên gọi khác nhau. Tùy vào từng môi trường diễn xướng, không gian văn hóa mà loại nhạc này sẽ được gọi là Hát Ả đào, Hát cửa đình, Hát cửa quyền, Hát nhà tơ, Hát nhà trò, Hát ca công, Hát Cô đầu… Điều đặc biệt, bản thân chữ “ả đào” lại là danh từ dùng để chỉ người ca nữ trong giới nghề. Và, đây cũng chính là tên gọi sớm nhất, đã được sử sách ghi nhận từ đời Lý. 

Trong nghề Ả đào, luật tục giáo phường xưa quy định lệ tiền đầu. Có nghĩa học trò mỗi lần đi diễn phải đóng một phần tiền thù lao nhỏ cho giáo phường để góp vào nuôi thầy. Theo đó, đào kép nào càng có nhiều học trò thì khi về già, tất sẽ có một khoản “lương hưu” cố định - giá trị như một chế độ bảo hiểm xã hội. Về sau, cái tên Ả đào dần được đọc trại đi, ả đổi thành cô, còn đào đổi thành đầu. Như thế, cái tên Cô đầu hình thành trong xu thế Nôm hóa - thuần Việt và cũng để thể hiện sự tôn vinh đạo thầy trò trong giới nghề.

Cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, nền văn hóa Việt Nam dần bước ra khỏi thời kỳ Nho giáo nghìn năm phong kiến với những biến chuyển mang tính lịch sử. Trong một chính thể mới, chữ quốc ngữ ra đời, phong trào văn hóa nghệ thuật thương mại theo xu hướng Tây phương hình thành… Tất cả dẫn đến nhiều đổi thay cơ bản trong xã hội, kể cả tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan niệm, tận gốc rễ. 

Một chầu Hát cửa đình với biên chế tối thiểu gồm 1 cô đầu hát, một kép đàn và 2 cô đầu múa, quan viên làng sở tại cầm chầu bằng trống cái. (Ảnh: Tonkin) 

Trong xu thế đó, từ nơi thôn quê dân dã, đào kép giáo phường Ả đào bắt đầu khăn gói kéo nhau ra các đô thị, phố huyện mở nhà hát nghệ thuật. Thời kỳ này, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định hay trung tâm các tỉnh lỵ trải dài từ miền Bắc vào đến vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống các nhà hát Ả đào nhanh chóng hình thành với tên gọi mới - Nhà hát Cô đầu. 

Ở Hà Nội, nhà hát đầu tiên mở tại phố Hàng Giấy, sau đến ấp Thái Hà, Khâm Thiên, Hăm Bốn Gian - phố Huế, Vạn Thái - Bạch Mai, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy... Vùng ven đô cũng có những địa danh nổi tiếng như Thượng Cát, Chèm - Từ Liêm, Gia Quất - Gia Lâm hay Ba La Bông Đỏ - Hà Đông... Ở Hải Phòng, các nhà hát quần tụ ở địa danh Quán bà Mau, Hàng Kênh, Lạch Tray, Thượng Lý, Kiến An… 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Tất cả tạo nên một môi trường diễn xướng mới của Ả đào - thể hiện mối quan hệ cung cầu náo nhiệt trong xã hội. Cho đến đầu thế kỷ 20, nếu tính số lượng nghệ sĩ hành nghề, có lẽ không một thể loại nào trong nền âm nhạc dân tộc có thể sánh được với Ả đào. 

Vượt ra khỏi không gian cổ truyền với những đình, đền hay tư dinh quan lại, nhà giàu, nhạc Ả đào giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần thường xuyên của người dân đô thị, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đại chúng. Và, sự hình thành hệ thống nhà hát Cô đầu đã chính thức đưa Ả đào trở thành một thể loại nhạc thính phòng đích thực trong lịch sử âm nhạc dân tộc”.

… Tới định kiến về thú chơi “sa đọa” bậc nhất

Nói đến Ca trù hay Ả đào, dư luận xã hội thời xưa thường nghĩ ngay tới “nhà hát Cô đầu” cùng những thú ăn chơi mà người ta mặc định là sa đọa, trụy lạc; là tàn dư của chế độ thực dân phong kiến thời đầu thế kỷ 20. 

Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Cuộc sống ở chốn phồn hoa, trong mỗi xóm cô đầu, nhiều luật tục, lề thói nghiêm khắc của giáo phường xưa cũng dần mai một hay được đào kép chủ động lược bỏ, phá vỡ”. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cho biết thêm, ở môi trường diễn xướng mới nơi đô thị, đào kép các nhà hát vẫn sinh hoạt theo nếp cũ giáo phường thôn quê. Họ kết nối thành từng nhóm xã hội nghệ thuật, quần tụ trong từng khu vực hành nghề, thường được gọi là xóm cô đầu hay phố cô đầu. 

Mỗi xóm/ phố cô đầu cũng bầu ra một kép đàn tài năng, uy tín làm quản ca, chịu trách nhiệm kiểm soát nghệ thuật giống như vai quản giáp ở giáo phường làng quê. Ở không gian nhà hát đô thị, đề cao tính thương mại nghệ thuật, hệ thống những bài bản nghi lễ thờ thần của Hát cửa đình đã được chắt lọc/ lược bỏ cơ bản. Người ta chỉ sử dụng những thể cách phù hợp với tính chất giải trí thính phòng/ ca quán.

Cũng ở môi trường diễn xướng mới, chịu ảnh hưởng lối sống tự do, quan niệm tư tưởng mới, cũng không tránh khỏi những hiện tượng biến đổi ít nhiều mang tính tiêu cực đi kèm mục đích thương mại đô thị. Trong nhà hát Cô đầu, bên cạnh các đào nương chuyên lo việc ca hát, đã có thêm một lớp đào mới chuyên lo việc tiếp tân, hầu rượu, ẩm thực hay các thức nhu cầu khác của quan viên đô thị.

Đôi 4 cô đầu múa Bài bông, đèn lông đeo trên giá đỡ 2 vai. (Ảnh Tonkin). 

Họ được gọi là cô đào rượu hay cô đầu rượu, thường là những cô gái nhan sắc được nhà hát tuyển lựa ngoài nghề. Ở nhiều nhà hát, các cô đầu rượu cũng biết ngâm thơ hay hát những câu Hãm của Ả đào để mời khách - gọi phiếm là lối Hãm rượu. Để tiếp tân theo quy chuẩn một nhà hát sang trọng, các cô được đào tạo khá chuyên nghiệp, như việc sắp bát đũa bày biện món ăn, động tác múa uốn lượn chén rượu mời khách sao cho không để sánh giọt nào; hay cách thức chia bài tổ tôm, tiêm thuốc phiện hầu khách… Cốt sao tạo được thú chơi thời thượng trong môi trường các nhà hát Cô đầu.

Đánh giá tổng quan về nhà hát Cô đầu, ông Bùi Trọng Hiền cho biết: “Đứng trên phương diện thương mại nghệ thuật, có thể thấy không gian nhà hát Cô đầu là một tổng thể quan hệ kinh tế phối thuộc nhiều thành phần. Bà chủ nhà hát (là một đào nương có uy tín), kép đàn, các đào hát, đào rượu, anh bếp, chị sen.., tất cả kẻ ăn người ở phải nương tựa vào nhau trong cuộc sống để duy trì sự tồn tại của nhà hát”.

Nhưng điều đáng nói, gia nhập không gian văn hóa đô thị, nhạc Ả đào vẫn tiếp tục duy trì được vai trò quan viên cầm chầu nghe hát (Đây là mối giao lưu nghệ thuật giữa khán giả và nghệ sĩ). Những quan viên cầm chầu có chức năng kép, họ vừa là khán giả, vừa là nhạc công chơi trống chầu, hòa nhịp với đào kép trên chiếu diễn.

Trong quan hệ cung cầu, giá trị quan viên cầm chầu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả. Nó như một sự thách đố, kích thích tầng lớp thức giả Cô đầu phố thị. Bởi đi nghe hát mà không biết cầm chầu thì sẽ bị coi là chưa biết thưởng thức Ả đào. Nên ai cũng có tâm lý phải tập, phải đi nghe nhiều để học hỏi chúng bạn, những mong nâng tầm nhận thức nghệ thuật. 

Thưởng thức các thể cách, khách chơi - quan viên được coi là sành điệu tất phải am hiểu lề luật âm nhạc, thơ ca để có thể khen thưởng hay điểm chầu khớp với các khổ phách/ khổ đàn. Những quan viên sành điệu bao giờ cũng được giới đào kép nhất mực nể trọng. Ở Hà Nội thời đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận những cuộc thi lớn được tổ chức thường niên giữa các nhà hát Cô đầu. 

Bên cạnh giải thưởng cho đào kép, cũng có cả giải thưởng dành riêng cho giới quan viên cầm chầu. Nó chứng tỏ một mối quan hệ cung cầu, một đời sống nghệ thuật phát triển sôi động của thể loại. Nhu cầu làm quan viên của khán giả đô thị thể hiện rõ qua việc Tân Dân Thư Quán xuất bản cuốn Sách dạy đánh chầu (Vô Danh Thị) ở Hà Nội vào năm 1927. Cuốn sách bán chạy tới mức nó đã được tái bản ngay 2 năm sau đó (1929).

Phạm Thứ, Phương Huyền - BMĐT K41

Phản hồi