Kỳ thi Năng khiếu báo chí còn lạ lẫm và bỡ ngỡ đối với nhiều sĩ tử muốn theo đuổi chuyên ngành Báo ảnh của Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thấu hiểu những sự băn khoăn đó, cuộc phỏng vấn với ThS. Dương Quốc Bình sẽ giải đáp được các thắc mắc cho các thí sinh.
Nghề báo ảnh là nghề vất vả nhưng vinh quang
Những năm gần đây, số lượng dự thi vào chuyên ngành Ảnh báo chí tăng lên. Theo thầy, chuyên ngành Báo ảnh có điều gì đặc biệt lại thu hút được nhiều sĩ tử dự thi như vậy?
Trước hết là phản ánh nhu cầu thực tế của xã hội. Thời kì bùng nổ thông tin dưới nhiều hình thức, trong đó thông tin dưới dạng hình ảnh ngày càng trở nên phổ biến và chiếm vị trí quan trọng. Vai trò của hình ảnh được thể hiện trên mọi mặt của cuộc sống, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Khi vai trò của hình ảnh được tăng lên thì vai trò của người nhiếp ảnh cũng như nhu cầu của xã hội sử dụng hình ảnh cũng được tăng lên. Nguyên nhân thứ hai lí giải cho điều này là về phía Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những cải cách đổi mới nâng cao chất lượng, nghiên cứu giảng dạy đào tạo từ đó thu hút hơn nữa các thí sinh dự thi.
Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở duy nhất trên cả nước đào tạo về chuyên ngành Ảnh Báo chí. Vậy theo thầy, đâu là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong hoạt động giảng dạy để đào tạo nên những phóng viên ảnh tương lai có đủ bản lĩnh, kĩ năng và phẩm chất?
Có ba vấn đề quan trọng hàng đầu là: tuyển sinh, đào tạo và cơ hội làm việc. Về khâu tuyển sinh, các thầy cô sẽ sàng lọc để tìm ra những thí sinh có tố chất phù hợp với yêu cầu của nghề nghiệp. Tiếp theo là khâu đào tạo. Trong quá trình đào tạo giảng dạy, các thầy cô sẽ cung cấp cho các bạn sinh viên những kiến thức liên quan đến quá trình tác nghiệp. Đồng thời phải khuyến khích các bạn mở rộng tư duy và thế giới quan về kiến thức của các ngành khác như chính trị học, xã hội học, quan hệ quốc tế,... Đó là chất liệu, là kiến thức nền mà các bạn sinh viên phải trang bị cho bản thân. Điều ưu tiên thứ ba là sau khi đào tạo sẽ cố gắng tìm cách kết nối công việc hay nói cách khác là các cơ hội tác nghiệp thực tế cho sinh viên để các bạn có cơ hội được trui rèn. Thầy rất thấu hiểu với nỗi khó khăn của sinh viên mới ra trường đó là thiếu thốn về tiền bạc, về kinh nghiệm và đặc biệt là các mối quan hệ. Vì vậy thầy sẽ cố gắng tạo điều kiện để chia sẻ các mối quan hệ mà mình có cho các bạn sinh viên.
Thầy có thể chia sẻ một chút về những khó khăn, vất vả của một phóng viên ảnh? Trong quá trình tác nghiệp để lấy tin bài, đã bao giờ thầy phải đối mặt với nguy hiểm chưa?
Nghề báo vinh quang nhưng cũng là một nghề có những nguy hiểm và vất vả. Đã làm báo phải có tinh thần xông pha, có tư tưởng "đầu sóng ngọn gió" bởi lúc mọi người nghỉ là lúc mình đi làm, chỗ mọi người tránh là lúc phóng viên báo chí đi vào tác nghiệp. Sự nguy hiểm còn đe dọa các nhà báo khi tác nghiệp ở vùng sâu vùng xa, vùng bão lũ hoặc dịch bệnh. Không riêng gì nghề báo mà các ngành nghề khác cũng sẽ xảy ra những va chạm trong công việc. Nhưng suy cho cùng, nghề báo cũng là nghề vinh quang. Các bạn sinh viên báo chí phải nhìn nhận rõ vấn đề rằng nghề báo tuy là vất vả nhưng chưa phải là nghề vất vả nhất.
Cần có kiến thức cơ bản về máy ảnh khi thi Ảnh báo chí
Tại sao thi năng khiếu báo chí chuyên ngành Ảnh báo chí ngoài bài viết luận phải thi thêm phần thi vấn đáp nữa?
Thứ nhất, hình thức thi vấn đáp là cách ban giám khảo có thể đánh giá được hình thức của thí sinh. Bởi vì Báo ảnh là nghề nghiệp có đặc thù tác nghiệp liên quan đến nhiều thiết bị. Các phóng viên ảnh phải gắn bó với các thiết bị như máy ảnh, ống kính, chân máy,... Vì vậy nếu hình thể và sức khỏe không đạt yêu cầu thì đó sẽ là trở ngại trong quá trình học tập cũng như quá trình tác nghiệp sau này. Thứ hai, khi gặp gỡ và trò chuyện, ban giám khảo có thể nhìn nhận được tố chất và mức độ yêu thích, đam mê của các bạn học sinh với nghề một cách kỹ lưỡng hơn mà đôi khi kiểm tra trên giấy không thể cảm nhận hết được. Nghề báo nói chung luôn yêu cầu lòng đam mê nhiệt huyết “chất lửa”. Điều này đặc biệt đúng với chuyên ngành Ảnh báo chí do những đặc thù và khó khăn vất vả riêng. Và ngược lại, vấn đáp cũng giúp cho các sinh viên tương lai có cơ hội được tìm hiểu hơn về nghề nghiệp và cơ sở đào tạo mà mình muốn theo đuổi.
Nhiều học sinh có dự định thi chuyên ngành Báo ảnh nhưng lại băn khoăn vì bản thân chưa có hiểu biết hay kinh nghiệm gì về máy ảnh? Thầy nghĩ sao về vấn đề này?
Theo quan điểm của thầy, thí sinh cần tìm hiểu về máy ảnh, ảnh báo chí trước khi thi. Nếu hoàn toàn không có một chút hiểu biết, kiến thức hay một khái niệm gì về máy ảnh thì không nên dự thi. Bởi lẽ chiếc máy ảnh sẽ trở thành một vật bất ly thân với bản thân các bạn trong vòng ít nhất là bốn năm đại học và sau đó là bao nhiêu năm đi làm. Nhiếp ảnh cũng được coi là chuyên ngành đặc thù về nghệ thuật. Giống như thi vào các trường năng khiếu khác ví dụ thanh nhạc, nhạc cụ, múa,... các bạn sẽ phải biểu diễn cho ban giám khảo những tố chất mà các bạn có. Thi nhiếp ảnh các bạn phải thể hiện khả năng chụp ảnh, niềm yêu thích với chiếc máy ảnh và đưa cho ban giám khảo những sản phẩm mà mình từng thực hiện.
Thầy có nhiều năm kinh nghiệm với tư cách là giám khảo chấm thi, vậy thầy có lưu ý gì cho các bạn thi năng khiếu Ảnh báo chí? Có trường hợp nào mà các bạn học sinh hay mắc phải để từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho phần thi?
Phải nhìn nhận vấn đề này hơi khác một chút. Cuộc thi năng khiếu báo chí không giống như cuộc thi tốt nghiệp để phải phấn đấu bằng mọi giá để đỗ. Cuộc thi này mục đích là để các bạn sinh viên tương lai hiểu thêm về nghề báo. Chỉ có thể khuyên các bạn trẻ là trước khi thi hãy cố gắng tìm hiểu càng kỹ lưỡng về nghề càng tốt. Thời đại thông tin phát triển các bạn có rất nhiều cách tìm hiểu về nghề các bạn muốn theo đuổi và tự đặt câu hỏi như: nghề báo ảnh thực sự là như thế nào, có những khó khăn thử thách gì, đòi hỏi những tố chất gì ở người làm báo,... Thứ hai, các bạn tự hỏi chính mình có thực sự thích việc cầm máy ảnh, có thực sự muốn gắn bó với nó hay không?
Không nên gọi là những lỗi thường mắc phải thi khi vấn đáp năng khiếu Ảnh báo chí. Bởi vì, đó chỉ đơn giản là buổi gặp gỡ nhau để có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của nhau, ban giám khảo sẽ nhìn nhận tư chất riêng về mặt hình ảnh của mỗi thí sinh. Một thí sinh không có tố chất nhưng trong một khoảnh khắc tự lừa dối bản thân mình rằng có tố chất không giải quyết được vấn đề gì. Vì vậy chúng ta phải thay đổi tư duy. Đây không phải là một bài kiểm tra có đúng sai.
Kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, thầy có thể chia sẻ, động viên tới các bạn sĩ tử muốn theo học Ảnh Báo chí không?
Các bạn thí sinh hãy tìm hiểu thật kĩ nghề báo nói chung và nghề nhiếp ảnh nói riêng. Nếu bản thân cảm thấy thích thú thì hãy dành thời gian cho chiếc máy ảnh. Các bạn có thể chụp lại bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc sống không nhất thiết phải là những sự kiện lớn hay điều gì to tát. Sau khi chụp xong, xem lại những bức ảnh đó, các bạn có thấy để lại trong mình một cảm xúc đặc biệt nào không? Các bạn hãy tập luyện những điều đó trước đi. Bởi vì nhiếp ảnh đã trở thành một kĩ năng gần như ai cũng có đặc biệt là các bạn trẻ. Khuyên các bạn hãy cứ tìm hiểu, nếu thật sự thích hãy thử sức với nghề. Thi cử không nhất thiết phải quá căng thẳng, cố gắng thể hiện hết mình. Chúc các bạn thành công với con đường mình đã chọn!
Cảm ơn thầy về những chia sẻ tâm huyết với nghề!
Phản hồi