Buổi tọa đàm có sự góp mặt của bốn diễn giả đặc biệt: Ông Vũ Trọng Đại - Đồng sáng lập, giám đốc Công ty CP xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời đại; Bà Sinh Nguyễn -Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông và công nghệ Vist, Founder Trung tâm Đào tạo MC và Kỹ năng giao tiếp; Quản lý nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam và Hải ngoại; Ông Nguyễn Văn Tin - Trưởng ban Kinh doanh EVNNPC - Tổng công ty điện lực Miền Bắc; Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng phòng Thư ký biên tập - Trung tâm truyền hình Thông tấn; Ủy viên BCH TW Đoàn; Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam; Bà Phạm Thị Ngọc Lan - Giám đốc trung tâm Giải pháp Giáo dục Số, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel); nguyên thành viên Ban giám khảo vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V (năm 2023), lĩnh vực giáo dục cùng sự có mặt đông đảo của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các bậc phụ huynh và học sinh THPT.
Trong thời đại chuyển đổi số nhiều thách thức, thấu hiểu những áp lực của người trẻ, tọa đàm là cơ hội trao đổi của các vị khách mời dày dặn kinh nghiệm cùng sinh viên, học sinh; từ đó giúp các bạn trẻ tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Tọa đàm chia thành 2 phần: xu hướng khởi nghiệp sáng tạo và thách thức với vấn đề khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số; phương hướng rèn luyện kĩ năng cũng như tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ.
Chia sẻ góc nhìn về định nghĩa “khởi nghiệp”, bà Sinh Nguyễn cho biết: “Xuất phát điểm là sinh viên báo chí, sau đó khởi nghiệp với ngành truyền thông, tôi rất vui được tham gia chương trình và chia sẻ cùng các bạn trẻ. Bản thân tôi hiểu rằng khởi nghiệp là sự bắt đầu của một doanh nghiệp, dự án về kinh doanh nhằm mang lại giá trị trong cộng đồng từ ý tưởng sáng tạo.” Khởi nghiệp luôn có khó khăn, gian nan và cần sự nỗ lực bền bỉ để đạt được và duy trì thành công. Các vị diễn giả còn lại cùng quan điểm này, cho rằng khởi nghiệp là quá trình cần sự mới mẻ, sự gắn bó của cá nhân và tập thể và đến từ nhiều yếu tố khác.
Đây là cơ hội tốt để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với người đi trước, tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho người trẻ dám dấn thân khởi nghiệp, lập nghiệp. Theo dõi buổi tọa đàm, Nguyễn Quốc Huy (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Sau khi nghe tọa đàm, mình nghĩ việc áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số ở lĩnh vực truyền thông khá là hiệu quả bởi bây giờ bất cứ ai cũng có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh, có thể nổi tiếng chỉ với 1 clip Tik Tok. Chính những người làm truyền thông sẽ dễ tiếp cận với công chúng hơn, không như ngày xưa phải qua rất nhiều phương tiện, hoặc nhiều bước quay dựng khó.”
Tọa đàm là sự kiện nổi bật trong chuỗi các hoạt động hướng nghiệp năm nay. Trước đó, tọa đàm “AJC và cánh cửa tương lai”, các gian hàng trưng bày của khoa, viện cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Không khí tuyển sinh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang diễn ra sôi động, là cơ hội lan tỏa giá trị và định hướng đào tạo chuyên nghiệp của trường tới toàn thể học sinh THPT.
Phản hồi