Ngày 16/1/1962, Khoa Báo chí đầu tiên của Việt nam được thành lập, tiền thân từ Bộ môn Nghiệp vụ báo chí trường Đại học Nhân dân. Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo Chí (nay là Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có biết bao thế hệ giảng viên tận tình, tâm huyết, cống hiến hết mình cho sự phát triển của Viện. Cuốn sách “Trưởng thành từ Khoa Báo chí” đã ghi lại những chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ.
Thầy Trần Bá Lạn
Nhà giáo Trần Bá Lạn sinh ngày 11/7/1930, cựu giảng viên Khoa Báo chí từ 1969 – 1973, cựu phó trưởng Khoa Báo chí khóa 1974 – 1975, cựu trưởng Khoa Báo chí khóa 1976 – 1990 với 30 năm cống hiến cho Khoa Báo chí.
Trần Bá Lạn - người thầy dạy báo đầu tiên
Thầy đã vinh dự trở thành 1 trong 13 nhà báo được ban Tuyên huấn cử đi du học tại Bắc Kinh. Sau đó, thầy được Ban Tuyên huấn cử về làm giảng viên tại trường Đại học Nhân dân và trở thành người thầy dạy báo đầu tiên, tham gia vào việc xây dựng và phát triển Khoa Báo chí.
Gắn bó từ những ngày mới thành lập, Nhà giáo Trần Bá Lạn hiểu và thấm thía những khó khăn mà khoa Báo chí đã phải trải qua. Từ khi mới thành lập, Khoa Báo chí chỉ có vỏn vẹn 5 cán bộ với trình độ không đồng đều, cơ sở vật chất thiếu thốn, các lớp học phải mở theo đợt, phải mua máy ảnh ngoài chợ giời để dành tiền mua máy thu âm, máy ghi hình, studio cho học viên còn thiếu.
Chia sẻ trong cuốn sách, nhà giáo Trần Bá Lạn viết: “Cho phép tôi ví thời ấy, Khoa Báo chí ra đời không hơn gì lắm sự chuyển mình từ quân du kích trở thành lính chính quy, từ nòng cốt là tổ bộ môn nghiệp vụ báo chí của trường Đại học Nhân dân (sau khi hợp nhất thành Trường Tuyên giáo Trung ương) được đôn lên thành khoa’’.
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn là cựu Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cựu Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Báo chí (1991 – 1997). Hơn 30 năm học tập, công tác, cống hiến tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với tư cách học viên, giảng viên và lãnh đạo của nhà trường, có thể nói, thầy Tạ Ngọc Tấn đã dành cả thời thanh xuân của mình cho ngôi trường thân yêu.
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (Ảnh: Xuân Hải)
Nhiều năm gắn bó với học viện, nói đến những kỷ niệm với trường Đảng, thầy có rất nhiều câu chuyện hay để kể. Như hồi thầy mới vào trường, thầy nói: “Khi tôi về làm việc tại trường, cơ sở vật chất của Nhà trường còn nghèo lắm. Nhà cửa khi đó chỉ toàn là nhà cấp 4 đã xây dựng từ đầu những năm 60 nên phần lớn đã xuống cấp. Các hội trường, phòng học nằm rải rác khắp nơi trong khuôn viên trường. Cán bộ công nhân viên ở lẫn với khu làm việc, từ góc đường Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, cho đến khu C, ngõ Phủ…”. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất của thầy Tạ Ngọc Tấn với nhà trường luôn là tình cảm gắn bó, thân thiết của đội ngũ cán bộ giảng viên của trường. Đó là thứ tình cảm giản dị, mộc mạc đến từ những điều bình thường, nhỏ bé. Thầy kể: “Trong khu tập thể ai có ấm chè ngon cũng mời mọc hàng xóm. Mỗi cuộc họp giao ban, ai có điếu thuốc ngon đều chia sẻ với mọi người”.
Nhà báo Nguyễn Trọng Thềm
Nhà báo Nguyễn Trọng Thềm vừa là cựu học viên Báo chí Khóa 3 vừa là cựu giảng viên Khoa Báo chí. Trải qua quá trình học tập và giảng dạy tại Khoa Báo chí, ông coi “Khoa Báo chí như gia đình lớn, là một phần quan trọng trong cuộc đời ông”.
Nhà báo Nguyễn Trọng Thêm (lúc trẻ)
Nhắc lại những kỷ niệm với các giảng viên, với nhà trường, ông luôn cảm thấy ấm áp bởi tình cảm mà thầy cô, đồng nghiệp dành cho mình. Nói về cơ duyên được giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp lớp Đại học Báo chí Khóa 3, tôi có một khoảng thời gian ngắn chờ Tổng cục chính trị - Bộ Quốc phòng phân công công tác. Trong thời gian này, thầy Trần Bá Lạn, Trưởng Khoa Báo chí đã đến gặp tôi ngỏ ý muốn xin tôi về làm giảng viên Đại học Báo chí… Mấy hôm sau tôi thấy thầy bảo tôi cùng sang Đoàn 871 – Bộ Quốc phòng (cơ quan quản lý lưu học sinh Quân đội trong và ngoài nước) để đặt vấn đề với lãnh đạo bên đó. Đích thân thầy Tào Văn Hào, Giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương và thầy Trần Bá Lạn cùng đi”.
PGS, TS. Ngô Văn Giá
Nhà báo, nhà văn, PGS, TS. Ngô Văn Giá từng làm việc với một đội ngũ hùng mạnh các nhà văn thành danh của văn chương đất nước. Ông còn được biết đến là cựu giảng viên Khoa Báo chí.
Chân dung nhà báo, nhà văn, PGS. TS Ngô Văn Giá
Thầy Ngô Văn Giá sinh năm 1959, quê ở Bắc Giang, thầy là một nhà phê bình và sáng tác văn học, đồng thời thầy còn là một nhà báo, từng giảng dạy tại Khoa Báo chí những năm từ 1990 đến 2006. Trong ký ức của mình, thầy từng làm việc với rất nhiều nhà văn nhà thơ đã từng theo học chính quy tại Học viện như: nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhân, nhà văn Nguyễn Đức Thiện…
Trong cuốn sách, PGS.TS. Ngô Văn Giá hào hứng chia sẻ: “Nghĩ kể cũng lạ: nghề báo chí cần phải xông xáo, cập nhật, chính xác, đầy trách nhiệm công dân một cách trực tiếp; ấy thế mà từ môi trường ấy lại ‘nảy nòi’ ra khá đông những người làm văn chương. Trong đó có những người nên danh nên giá”.
15 năm ăn ở tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò, trong số đó có không ít những cây bút nổi tiếng, PGS, TS. Ngô Văn Giá tự hào so sánh khoảng thời gian đẹp đẽ ấy như một “quãng Kiều”.
PGS, TS. Hà Huy Phượng
Nhắc đến PGS, TS Hà Huy Phượng các thế hệ sinh viên trường Báo thường nhớ về người thầy với nụ cười luôn trên môi. Lúc còn là giảng viên cao cấp, Phó trưởng Khoa Báo chí, thầy đã gửi trọn tâm huyết với 3 lớp học đại học báo chí chính quy mở lại Tp. Hồ Chí Minh.
PGS. TS Hà Huy Phượng - người thầy của bao thế hệ Viện Báo chí
Năm 1992, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức đào tạo hệ đại học chính quy các chuyên ngành báo chí qua việc mở rộng tuyển sinh đối tượng học sinh phổ thông. Nhà trường lúc đó đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tại Tp. Hồ Chí Minh mở 3 lớp đại học báo chí chính quy.
Kinh tế đất nước còn khủng hoảng, đi lại Bắc – Nam khó khăn thế nhưng tinh thần nhiệt huyết dạy và học của thầy và trò trường Đảng vẫn rất đáng khâm phục. Trong thầy vẫn nhớ những bữa cơm tập thể giản dị, những buổi thực tế các tỉnh miền Tây với nhiều trải nghiệm đẹp.
Trong cuốn sách, thầy chia sẻ: “…Nhiều sinh viên đang “tuổi ăn, tuổi lớn”, chưa hợp với cơm bếp tập thể đạm bạc nên đã lén nấu ăn tại phòng ký túc xá để được no, ngon hơn, mặc dù nhà trường lúc đó cấm nấu ăn riêng trong trường. Cũng có những thầy cô ngại đi ăn bếp tập thể, đành sống bằng mì gói, bánh mì…Dù cuộc sống sinh hoạt còn kham khổ, nhưng cả thầy và trò vẫn có những giờ giảng hay, giờ học tốt”. Trong ký ức của PGS, TS Hà Huy Phượng, khoảng thời gian đồng hành cùng 3 lớp đại học báo chí tại TP. Hồ Chí Minh là những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp của mình - một khoảng thời gian đáng tự hào của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phản hồi