Chị Nguyễn Thị Hữu cùng các thành viên trong dự án Magic of color. (Ảnh: NVCC)
PV: Được biết chị là người sáng lập ra dự án Magic of Color (MOC), chị hãy giới thiệu đôi chút về MOC?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Dự án “Magic of Color” ra đời xuất phát từ ý tưởng của một nhóm các bạn trẻ yêu thích văn hóa dân gian, đặc biệt là nét đẹp của các dòng tranh dân gian, cùng với đó là ấn tượng của công chúng về sự kỳ diệu của các sắc màu trong tranh. Dự án Magic of Color hiện nay bao gồm 10 thành viên, đến từ các trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thực hiện dự án bao gồm nhóm Nội dung, nhóm Truyền thông, nhóm phụ trách hỗ trợ các hoạt động như workshop, triển lãm,...
PV: Cảm hứng nào đã thôi thúc chị đến với việc sáng lập dự án Magic of Color và kết nối nó với tranh dân gian?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Là những người làm nghề nghiên cứu và tổ chức các hoạt động trải nghiệm mỹ thuật, chúng tôi nhận thấy rằng sự tham gia của các bạn trẻ sẽ tạo ra sự hòa quyện giữa kiến thức nghiên cứu, kiến thức chuyên môn và góc nhìn của người trẻ. Magic of Color ra đời với mong muốn đem đến các hoạt động tìm hiểu về tranh dân gian, góp phần đưa dòng tranh này đến gần hơn với công chúng.
PV: Trong thời gian đầu thực hiện dự án, nhóm đã gặp phải những khó khăn gì?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Dự án Magic of Color ra đời trong khoảng thời điểm dịch Covid-19, cùng với đó, thành viên nhóm phần lớn là các bạn sinh viên nên trong thời gian đầu, chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn. Thứ nhất, thời gian các bạn dành cho việc nghiên cứu, tìm tòi, đi thực tế chưa nhiều; chưa thể ngay lập tức nhận được sự ủng hộ và đồng hành của các nghệ nhân làng nghề,.... Tuy nhiên, với sự nhiệt tình và quyết tâm theo đuổi mục tiêu, chúng tôi đã dần thuyết phục được các nghệ nhân tham gia dự án như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế và gia đình ông, Nghệ nhân ưu tú Lê Đình Hiên, Nghệ nhân Đào Đình Chung. Từ đó, các khó khăn ban đầu đã được giải quyết.
Thứ hai, việc tìm được tiếng nói chung khi các bạn đến từ nhiều trường đại học, nhiều chuyên ngành khác nhau cũng là một thách thức. Vì vậy, chúng tôi đã phải dành một quá trình làm quen với công việc để tạo sự hòa đồng giữa các thành viên.
PV: Trong quá trình thực hiện dự án, chị nhận thấy sự thay đổi như thế nào trong cách các bạn trẻ nhìn nhận và tương tác với tranh dân gian nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Khi bắt đầu dự án, chúng tôi đã không kỳ vọng quá nhiều về sự yêu thích của giới trẻ đối với lĩnh vực văn hóa dân gian nói chung và tranh dân gian nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành dự án, chúng tôi thực sự bất ngờ khi hầu hết các bạn đều dành tình yêu rất lớn cho các loại hình văn hóa dân gian của Việt Nam, đặc biệt khi các bạn đắm chìm trong sáng tạo để làm nên các bức tranh vừa hơi thở của tuổi trẻ,vừa giữ được cái cốt của tranh truyền thống.
PV: Theo chị, tranh dân gian có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Mỗi bức tranh không chỉ là biểu hiện của thẩm mỹ, của giá trị mỹ thuật dân gian mà còn mang trong mình những thông điệp về cuộc sống. Tranh dân gian không chỉ tái hiện nếp sinh hoạt hàng ngày mà còn chứa đựng những triết lý, những điều răn dạy rất sâu sắc. Mặc dù cuộc sống hiện đại đã có rất nhiều hỗ trợ về công nghệ, tranh dân gian có thể qua các phiên bản mới, cách làm mới nhưng đối với chúng tôi, những giá trị cốt lõi ấy vẫn luôn tồn tại và bền vững qua mọi thời đại. Vai trò của tranh dân gian cũng không thay đổi bởi khi chúng xuất hiện thì mọi người vẫn biết đó là văn hóa truyền thống.
Tranh dân gian trên một số sản phẩm của Magic of Color. (Ảnh: Kim Dung)
PV: Vật liệu để tạo nên các sản phẩm của dự án đều từ chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, giấy dó. Các vật liệu này được cung cấp từ đâu?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Ngay từ khi nghiên cứu dự án, chúng tôi đã xác định rằng để giữ được các giá trị nguyên bản thì phải quan tâm đến chất liệu. Tre, giấy dó, gỗ đều thân thiện với môi trường và cũng là các vật liệu làm tranh được sử dụng từ bao đời nay.
Những vật liệu trên đến từ các làng nghề ở miền Bắc, ví dụ mây tre từ các xưởng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nam, Chương Mỹ; giấy dó từ Làng giấy dó Yên Thái hoặc Làng giấy dó Bắc Ninh. Về màu sắc, với sự hỗ trợ của các nghệ nhân làng nghề, chúng tôi đã có thể sử dụng màu hiện đại như acrylic, wat,... tùy thuộc vào không gian trưng bày trong nhà hoặc ngoài trời, miễn sao phù hợp với chất liệu giấy dó. Tuy nhiên, những màu sắc này không thể giữ được hoàn toàn nguyên bản tự nhiên, bởi quy trình tạo ra màu tự nhiên khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
PV: Như chị vừa chia sẻ, quá trình tạo ra màu sắc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Chị có thể kể rõ hơn về quá trình này?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Màu sắc của tranh dân gian Đông Hồ được các nghệ nhân thế hệ trước lấy hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Cụ thể, màu đỏ chiết xuất từ sỏi son, màu vàng từ hoa hòe và hoa dành dành, màu xanh từ lá cây tràm, còn màu đen được tạo ra bằng cách đốt lá tre rồi nghiền thành than, bột mịn nên rất lấp lánh và sâu. Khi màu sắc hòa quyện cùng chất liệu giấy gió, giấy điệp, tranh Đông Hồ truyền thống hiện lên với nét đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, quá trình chế tạo màu mất nhiều thời gian do trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Các nghệ nhân ngày xưa phải tỉ mỉ nghiền nguyên liệu thô, kết hợp với các chất kết dính tự nhiên như hồ gạo nếp, hoặc tiến hành đun nấu, thậm chí ủ kín trong chum để tạo ra màu sắc đạt chuẩn.
PV: Chị và nhóm có kế hoạch như thế nào để phát triển dự án MOC trong tương lai?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Trong giai đoạn đầu, nhóm tập trung đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng, khuyến khích sáng tạo và làm mới tác phẩm. Tiếp đó, tranh được ứng dụng vào các vật dụng như cốc, sổ tay, túi vải, đèn lồng, tạo nên sản phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật vừa có tính thực tiễn. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm đèn lồng làm từ tre và giấy gió, kết hợp cùng tranh dân gian Việt Nam để tôn vinh giá trị truyền thống.
Hiện tại, nhóm có không gian trưng bày sản phẩm thường xuyên tại số 75 Hàng Bồ và tổ chức workshop hằng tháng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các hoạt động được quảng bá qua Facebook, TikTok, Instagram, cùng sự kết nối từ sinh viên các trường đại học, giúp MOC được nhiều bạn trẻ biết đến. Không chỉ thu hút giới trẻ, MOC còn trở thành điểm đến quen thuộc của các gia đình. Đặc biệt, các sản phẩm thủ công từ workshop có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày.
PV: Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam không?
Chị Nguyễn Thị Hữu: Mỗi thời đại có một cách tư duy, cảm nhận và tiếp cận văn hóa khác nhau. Văn hóa không chỉ là nền tảng của bản sắc dân tộc mà còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Theo tôi, giới trẻ luôn dành tình yêu sâu sắc cho quê hương, đất nước, nhưng họ thể hiện tình yêu đó theo cách riêng, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hiện đại. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào từ nghệ thuật, thời trang đến lối sống, văn hóa vẫn có thể được tiếp cận và sáng tạo theo những góc nhìn mới mẻ. Điều quan trọng là không ngần ngại thể hiện tình yêu ấy, để văn hóa truyền thống không chỉ được gìn giữ mà còn tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hữu!
Phản hồi