Nhận diện những thông tin xấu độc
“Diễn biến hòa bình” là chiến lược của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt thông qua việc phát tán thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Chiêu trò này gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời, nó kích động bất ổn, phá hoại an ninh trật tự, vi phạm giá trị văn hóa, đạo đức, gây nhiễu loạn thông tin và tâm lý hoang mang trong xã hội.
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh. Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) tính tới tháng 9/2022 và là một trong 10 nước có lượng người dùng mạng xã hội Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động).
Tính từ năm 2018 đến 2023, các cơ quan chức năng của Quân đội đã xác định hơn 500 tài khoản mạng xã hội do phản động cầm đầu, 150 nhóm phản động chủ chốt. Qua theo dõi, các cơ quan chức năng của Quân đội phát hiện hơn 3.000 website, tài khoản mạng xã hội phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động phát hiện, bóc gỡ, vô hiệu hóa hơn 370 tài khoản và gần 3.000 bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Các thông tin xấu độc đang được phát tán trên các nền tảng lớn như Google, Facebook, YouTube với thủ đoạn tinh vi nhằm xuyên tạc, bịa đặt sự thật. Ban đầu, các quản trị viên của các trang web và diễn đàn này thường tổng hợp tin tức từ báo chí chính thống và nguồn tin nước ngoài uy tín để tạo lòng tin và thu hút người dùng. Sau khi đạt được lượng truy cập ổn định, họ dần cài cắm thông tin xấu độc với tần suất và mức độ xuyên tạc ngày càng tăng, đi kèm với các luận điệu phản động và sai trái.
Thế hệ trẻ - đối tượng tiếp nhận và tương tác với thông tin trên mạng nhiều nhất nên dễ bị ảnh hưởng bởi các chiêu trò này. Với một loạt các tiện ích của mạng xã hội cùng lượng thông tin khổng lồ mà nó cung cấp cho người sử dụng, rất nhiều bạn trẻ có thể ngồi lướt mạng cả ngày chỉ để mua sắm online, đọc các dòng trạng thái, bình luận, tán gẫu qua lại với bạn bè hay cả với những người không quen biết. Tình trạng "nghiện" mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt khi một bộ phận thanh niên dành phần lớn thời gian chìm đắm trong không gian ảo, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và các mối quan hệ trong đời sống thực tế. Nắm bắt được thực trạng này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã coi thế hệ trẻ là đối tượng dễ tiếp cận để tiến hành các hoạt động phá hoại. Chúng lợi dụng tâm lý của thanh niên với mong muốn thể hiện bản thân, khát khao tự do nhưng thiếu kinh nghiệm sống và sự chín chắn để phát tán thông tin độc hại. Những nội dung này thường mang tính chất xuyên tạc, kích động và lôi kéo nhằm làm suy yếu phẩm chất tốt đẹp của giới trẻ.
Hơn nữa, các phần tử phản động còn dùng mạng xã hội và diễn đàn để truyền bá quan điểm lệch lạc, phủ nhận lịch sử dân tộc và những thành quả cách mạng. Mục tiêu của chúng là thao túng tư duy, phá hoại niềm tin và tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chung tay đấu tranh trước những thông tin xấu độc
Việc nâng cao nhận thức về diễn biến hòa bình trên không gian mạng hiện nay đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch đang ngày càng lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các âm mưu phá hoại từ bên trong. Để đối phó với mối nguy hiểm ngày càng gia tăng từ các phần tử nguy hiểm này, việc chung tay đấu tranh trước những thông tin độc hại là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn là của toàn thể công dân. Thực tế đã cho thấy việc một lượng lớn thông tin sai lệch được lan truyền rộng rãi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của cá nhân mà còn có thể tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ – những đối tượng dễ bị tác động và thiếu nhận thức đầy đủ về giá trị chân chính của dân tộc.
Một trong những yếu tố quan trọng để đấu tranh với những thông tin xấu độc là tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho giới trẻ về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Chúng ta không thể để những thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu hiểu biết của thế hệ trẻ để thực hiện âm mưu phá hoại đất nước. Việc giáo dục về những giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị và sự hy sinh của các thế hệ đi trước sẽ giúp giới trẻ có cái nhìn rõ ràng hơn, từ đó tự bảo vệ mình trước những thông tin sai sự thật. Đây là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, xã hội và các tổ chức trong việc tạo ra một "lá chắn" bảo vệ nền tảng chính trị và xã hội khỏi những âm mưu phá hoại từ thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận và bảo vệ an ninh quốc gia. Để đối phó hiệu quả với thông tin sai lệch, các cơ quan báo chí và truyền thông từ Trung ương đến địa phương cần phát huy vai trò chủ động cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và kịp thời. Điều này giúp đảm bảo người dân không bị lôi kéo bởi các thông tin sai lệch từ những nguồn tin không chính thống. Quan trọng hơn, chính sách phòng ngừa "khoảng trống thông tin" cần được chú trọng để các thế lực xấu không thể lợi dụng tuyên truyền quan điểm sai trái.
Chỉ khi nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin chính thống, xã hội mới có thể đối phó một cách hiệu quả với các mối đe dọa từ thông tin xấu độc. Thông tin không chỉ đóng vai trò là một công cụ truyền tải dữ liệu mà còn là vũ khí chiến lược có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự ổn định của quốc gia. Do đó, việc bảo vệ và phòng ngừa thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến hòa bình là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược.
Nâng cao nhận thức cho sinh viên
Giáo dục kỹ năng phân tích và phản biện thông tin là giải pháp then chốt để nâng cao nhận thức cho sinh viên trước nguy cơ từ không gian mạng. Trong thời đại số, không phải tất cả thông tin trên mạng đều đáng tin cậy. Nhiều nội dung được tạo ra nhằm gây rối, chia rẽ và phá hoại lòng tin vào chính quyền, chế độ. Sinh viên cần được hướng dẫn cách tiếp cận thông tin chủ động, tránh rơi vào tình trạng động tiếp nhận. Điều này bao gồm kỹ năng phân biệt thông tin chính thống với tin giả, kiểm tra nguồn gốc trước khi tin tưởng hoặc chia sẻ.
Để đạt được điều này, các trường đại học cần tích cực tích hợp vào chương trình học các môn chuyên sâu về an toàn thông tin, kỹ năng sống và an ninh mạng. Việc thiếu những khóa học này đang tạo ra lỗ hổng lớn khiến sinh viên dễ trở thành mục tiêu của các thế lực thù địch. Nhà trường và giảng viên cần xây dựng môi trường học thuật hiện đại, trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản về bảo mật thông tin và kỹ năng nhận diện các mối đe dọa từ không gian mạng, giúp họ tự tin đối mặt với những thách thức thời đại số.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, tổ chức các chiến dịch truyền thông trong các trường đại học là bước đi cần thiết nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về các mối đe dọa trên không gian mạng. Những chiến dịch này không chỉ giúp cảnh giác trước thông tin sai lệch mà còn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp vào việc bảo vệ và lan tỏa thông tin chính thống. Các hoạt động như hội thảo, diễn đàn thảo luận hay các cuộc thi tìm hiểu về an ninh mạng có thể tạo ra môi trường tuyên truyền hiệu quả, giúp sinh viên tiếp cận thông tin một cách tích cực và hiệu quả.
Tham gia các chiến dịch truyền thông không chỉ nâng cao hiểu biết xã hội mà còn nuôi dưỡng tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Đây là nền tảng quan trọng giúp sinh viên tránh xa các luận điệu sai trái, không bị lôi kéo vào các hoạt động phản động. Thế hệ trẻ sẽ trở thành những người bảo vệ vững chắc không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng, trước những nguy cơ tiềm ẩn từ không gian mạng.
Phản hồi