Danh mục Thứ Sáu, 04/10/2024

Báo in \

Báo in không chỉ là … báo in

09:00 11-05-2023
Báo in đang là một trong những chuyên ngành thu hút nhiều sự chú ý của các bạn trẻ nhiệt huyết và có niềm đam mê viết lách. Tuy nhiên, song song với những bước tiến vượt bậc của công nghệ thông tin, có không ít nhận định sai về sự phát triển cũng như cơ hội việc làm của ngành nghề này như học Báo in ra chỉ có thể “in báo”, “bán giấy”... Nhưng học Báo in, có phải chỉ để “in báo” như định kiến của nhiều người?

Báo in và định kiến 

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Báo in ngày càng trở nên “lạc hậu”, “lỗi thời” trong mắt công chúng. Điều này khiến nhiều bạn trẻ phải trăn trở khi lựa chọn Báo in là nơi gửi gắm tương lai của mình. Trò chuyện cùng phóng viên, bạn Vũ Thị Phương Dung, sinh viên lớp Báo in K42, Viện Báo chí, chia sẻ: “Sau khi mình đăng ký và đỗ chuyên ngành Báo in thì gia đình, người thân thường có những câu hỏi về ngành học của mình như “học báo in để in báo hả cháu?”, “giờ ai còn đọc báo in nữa”, … Mình thấy đây là  khó khăn lớn nhất của mình trong quãng thời gian học và chọn ngành, nhưng mình nghĩ rằng thời gian cũng như kết quả của mình sau khi học báo in tại trường Báo sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng những suy nghĩ của mọi người là sai lệch về ngành mình đang theo đuổi.” Những định kiến này không chỉ là câu chuyện của riêng Phương Dung, mà còn là rào cản của nhiều sinh viên chuyên ngành Báo in khác.

Trong cuốn sách “Báo chí - Truyền thông”, phần: “Những điểm nhìn từ thực tiễn”, TS. Lê Thị Nhã, giảng viên Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng bày tỏ: “Chỉ một thời gian ngắn sau khi có sự xuất hiện của báo mạng điện tử, người ta đã quen với khá nhiều từ ngữ mạnh, sốc dành cho báo in như: sụt giảm, đình bản, sa lầy, khai tử,... Một số tác giả khi bình luận về sự suy thoái của báo in đã dùng những câu từ ví von hoa mỹ, xót xa: bên bờ vực thẳm, cái chết của báo in, thời vàng son đã xa, gã hành khất về thời vang bóng,...”   

Với lịch sử phát triển lâu đời của mình, liệu Báo in có thực sự đi vào bế tắc?

Vị thế và xu hướng phát triển của Báo in trong thời đại 4.0

Thời đại 4.0 là thời đại mà kỹ thuật số lên ngôi, là thời đại mà chúng ta có thể tiếp cận vô vàn thông tin chỉ với một cái nhấp chuột. Nhưng cũng chính vì được cập nhật với số lượng lớn trong thời gian ngắn nên thông tin truyền đi thường không được chắt lọc một cách tỉ mỉ và có chiều sâu. Giữa bối cảnh ấy, Báo in, với yêu cầu cao về sự chính xác, chất lượng và uy tín, vẫn có những lợi thế và hướng phát triển riêng.

Báo in đóng vai trò quan trọng với báo chí hiện đại. (Ảnh: Nguyễn Thu Hiền TTĐPT K42)

 

Sau 1 năm được tìm hiểu sâu về Báo in và được gặp mặt nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng, bạn Phương Dung khẳng định: “Mình nghĩ là Báo in vẫn sẽ là một thể loại báo không thể mai một được vì những giá trị mà nó mang lại. Báo in vẫn mang trong mình những lợi ích, giá trị riêng của nó. Vì là thể loại báo viết trên giấy nên những vấn đề được viết ra đều được phân tích một cách kỹ càng. Ưu điểm lớn nhất của báo in là đưa thông tin chính xác, phản ánh đúng mọi mặt, mọi khía cạnh của lĩnh vực được nói tới khiến cho người đọc nhớ lâu. Là một sinh viên chuyên ngành Báo in, mình tin rằng cơ hội việc làm của chúng mình vẫn sẽ luôn có, quan trọng là năng lực của chúng mình tới đâu. Hơn thế nữa, học báo in không chỉ viết báo giấy, những kiến thức mà chúng mình được dạy hoàn toàn có thể áp dụng để chúng mình tác nghiệp ở những thể loại báo khác.”

Vũ Thị Phương Dung, sinh viên lớp Báo in K42, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ phỏng vấn.

(Ảnh: Vũ Hoàng Yến Giang TTĐPT K42)

 

Khi được hỏi về giá trị của Báo in nói riêng và các sản phẩm in ấn nói chung trong tương lai gần, TS. Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Khi sách điện tử ra đời, người ta lo ngại về sự tồn tại của sách in. Khi quảng cáo nghe nhìn ra đời, người ra lo ngại quảng cáo in ấn không cần thiết. Khi phim chiếu nền tảng online ra đời, người ta lo ngại điện ảnh và rạp chiếu phim biến mất. Nhưng trên thực tế, các loại hình, sản phẩm in ấn hay phương thức tiếp nhận trực tiếp vẫn có những giá trị riêng, công chúng riêng và phát triển tốt.”          

            

Đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng, báo giấy có thể có sự suy giảm nhưng sẽ không biến mất, đặc biệt là đối với các tờ báo lâu đời và tạo dựng được chỗ đứng trong lòng độc giả. Bên cạnh lợi thế chỉn chu về mặt hình thức, Báo in cũng được nhiều độc giả tin tưởng vì những bài báo có chiều sâu, được biên tập và kiểm duyệt chặt chẽ. Nhận thức được lợi thế của báo in, dù đang tập trung chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí vẫn tiếp tục duy trì kênh báo in như một kênh thông tin quan trọng. Khi đưa tin về một vấn đề, một sự kiện thời sự, các tin bài ngắn, nhỏ, cập nhật sẽ được ưu tiên đăng tải trên trang báo mạng. Những bài viết có tính khái quát, có góc khai thác hấp dẫn, phân tích sâu sắc hơn sẽ được xuất bản báo in.  

Chia sẻ về xu hướng phát triển của Báo in trong tương lai, TS Lê Thị Nhã tin tưởng: “Các chuyên gia cho rằng, tương lai của Báo in là tạp chí và giải pháp hiện tại của một số tờ báo, tạp chí là tổ chức chuyên đề chuyên sâu. Theo quy hoạch báo chí được Thủ Tướng phê duyệt, báo in, tạp chí vẫn có số lượng và vị trí quan trọng. Điều đó cũng tạo ra nhu cầu, đòi hỏi một đội ngũ nhà báo có khả năng viết bài chuyên sâu cho báo in và tạp chí đáp ứng đòi hỏi về nhân lực hiện nay.”

Hiện tại, Báo in vẫn đang trên con đường đổi mới và phát triển để đảm bảo mang lại những giá trị cốt nhất đến với công chúng. Ông Peter Copeland, cựu Biên tập viên của Scripps Howard News Service đã từng nhận định: “Tôi nghĩ rằng Báo in đang bước vào một thời kỳ mới. Đó không phải sự diệt vong, đó chỉ là một giai đoạn trong vòng đời của Báo in.”  Sự phát triển của các loại hình báo khác có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực nhưng cũng là động lực thúc đẩy báo in bảo vệ và củng cố những giá trị của mình.

Học Báo in để làm gì?

Báo in vẫn là một ngành có nhiều cơ hội phát triển nếu người học chủ động nắm bắt những xu thế của thời đại. Nắm bắt được nhu cầu đó, chương trình học chuyên ngành Báo in của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường xuyên cập nhật những xu thế mới, mời những chuyên gia, nhà báo lâu năm trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm.
TS. Lê Thị Nhã, giảng viên Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Các cơ quan báo chí hiện nay đều phát triển theo xu hướng đa phương tiện, có các loại hình báo chí khác nhau. Do vậy, mục tiêu của chương trình đào tạo báo chí nói chung là hướng tới đào tạo các phóng viên đa năng, có tư duy đa phương tiện. Trong chương trình đào tạo báo in, sinh viên được học các môn đào tạo kỹ năng sáng tạo tác phẩm cho báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình …Tóm lại, học chuyên ngành Báo in, ngoài kỹ năng viết, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng chụp ảnh, làm video, audio…  sản xuất được các tác phẩm, sản phẩm báo chí đa phương tiện; các kỹ năng tương tác, tổ chức và hướng dẫn bạn đọc tham gia vào quá trình sản xuất tin tức.” 

Một buổi đi thực tế của sinh viên Viện Báo chí tại Báo Hà Nội mới. (Ảnh: TS. Lê Thị Nhã)

 

Khi so sánh cơ hội việc làm của  ngành Báo in so với các chuyên ngành khác, TS Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã khẳng định :“Ở bất cứ lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào, những người giỏi, sáng tạo, tâm huyết sẽ luôn có tâm thế, vị thế tốt.” 

Khi theo học chuyên ngành Báo in tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người học không chỉ học những kiến thức chuyên ngành về cách viết báo giấy mà còn được tiếp thu những kỹ năng tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí nói chung; có nhiều cơ hội tiếp cận với những công việc khác nhau tại các cơ quan báo chí - truyền thông chuyên nghiệp. 
Bên cạnh việc học lý thuyết, chương trình học chuyên ngành Báo in còn tạo cơ hội để sinh viên tham gia hoạt động thực tế xã hội, hướng đến mang lại những trải nghiệm hữu ích cho quá trình học tập cũng như công việc trong tương lai.

Sau 1 năm học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phương Dung tự tin: “Nếu được lựa chọn lại thì mình nghĩ là mình vẫn sẽ lựa chọn Báo in thôi, vì mình tin Báo in sẽ cung cấp cho mình đầy và đủ kiến thức mình cần có về báo chí và truyền thông, giúp củng cố cho kiến thức và giúp mình có nhiều cơ hội hơn để trưởng thành và tìm kiếm công việc trong tương lai.” Sự phong phú và tính thực tiễn trong chương trình học của ngành Báo chí nói chung và chuyên ngành Báo in nói riêng sẽ là nền tảng vững chắc để Dung và nhiều bạn trẻ khác tiếp tục theo đi xa hơn trên con đường theo đuổi nghề viết, nghề sáng tạo. 

 

Vũ Hoàng Yến Giang - TTĐPT K42

Phản hồi