Danh mục Thứ Sáu, 19/04/2024

Tuyển sinh \

Nghề báo - Vinh quang và trăn trở

10:15 22-06-2022
Nghề báo được xem là một nghề đặc biệt, bởi nó có thể đem lại cho người viết nhiều vinh quang nhưng cũng lắm chông gai. Để làm lên “thương hiệu” của một nhà báo không chỉ đơn giản là họ có tuổi đời, tuổi nghề bao lâu mà quan trọng nhất họ phải để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng độc giả và những “sản phẩm” của họ chứa đựng nhiều giá trị cho cuộc sống.

Để các bạn sinh viên có thể hiểu rõ hơn về khía cạnh này, phóng viên Trang tin điện tử Truyền thông trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô về những vinh quang và trăn trở khi trở thành một nhà báo.

Thưa ông, ông đã gắn bó với nghề báo được bao nhiêu năm? Nghề báo đã đem lại những giá trị tốt đẹp như nào trong suốt chặng đường làm nghề của ông?

Ông Ngô Vương Tuấn: Tôi gắn bó với nghề báo đến nay đã 21 năm. Quá trình thực tế trải nghiệm, tôi hiểu rằng nghề báo là một nghề đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt hơn các nghề khác, thậm chí gặp không ít hiểm nguy nhưng càng dấn thân vào nghề lại càng say mê. Nếu ai đó nghĩ làm nghề báo là sướng, là oai phong thì họ chưa thực sự hiểu và đồng cảm, chỉ có những người trong nghề mới thấy hết được nỗi vất vả, nhọc nhằn của phóng viên.

Gắn bó với nghề báo 21 năm, tôi có nhiều cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, được học hỏi nhiều điều mới lạ và từ đó cũng mở ra nhiều mối quan hệ mới giúp ích rất nhiều trong công việc. Được làm nghề, gắn bó với nghề giúp tôi trưởng thành nhanh hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ông Ngô Vương Tuấn, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Biên tập phát biểu  chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhiều người nhận xét rằng: “Nghề báo là một nghề nhọc nhằn, nhiều vất vả, khắc nghiệt nhưng cũng lắm vinh quang”. Vậy ông nhận định như nào về quan điểm này?

Ông Ngô Vương Tuấn: Có thể nói, nghề báo là một nghề đặc thù, yêu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề là rất cao. Bên cạnh đó, áp lực của nghề báo rất lớn, đơn cử như việc triển khai thực hiện tin, bài do Ban Biên tập phân công, hoặc có những bài viết mang tính thời sự được lãnh đạo chỉ định, gắn với yêu cầu hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Song không phải nghề báo chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, mà nó còn đem lại cho người làm báo trải nghiệm mới và những cái “được” không phải nghề nào cũng có.

Cái được lớn nhất là người viết được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, từ đó hiểu biết xã hội được nâng cao. Tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy nhưng những người làm báo còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và của các cấp, bộ ngành.

Ngoài ra, còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, nhà báo lại có những tác phẩm được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi do Trung ương, địa phương và các bộ ngành phát động… Hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, mỗi nhà báo chính là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội.

Do đó, nghề báo dù có nhọc nhằn nhưng cũng rất vinh quang. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công.

Thưa ông, được biết báo Tuổi trẻ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, báo có lượng độc giả đông đảo và được công chúng, bạn đọc biết tới bởi có nhiều cây viết trẻ xuất sắc. Xin ông cho biết, yếu tố quan trọng để trở thành một nhà báo được đông đảo độc giả biết đến và yêu quý là gì?

Ông Ngô Vương Tuấn: Trước tiên, muốn làm tốt nghề báo thì phải có đủ thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có những đề tài ấp ủ rất lâu, điều tra, sưu tầm kỹ tư liệu rồi mới viết. Trong một vấn đề, nhà báo không phải là người biết đầu tiên nhưng nhà báo là người đầu tiên đưa vấn đề đó ra công luận, phải tạo được dư luận tốt thì mới có khả năng thay đổi được cách nghĩ, cách làm. Cái đích cuối cùng của mỗi tác phẩm báo chí là đem đến những hiệu ứng tốt đẹp hơn cho hiện thực.

Trong nghề báo, không chấp nhận sự hời hợt, sự cẩu thả, không có khái niệm “hình như” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải luôn có sự khảo sát thực tế, có những chứng cứ xác đáng, chắc chắn và đa chiều, lật đi lật lại vấn đề một cách kỹ lưỡng. Chỉ khi người viết thực sự yêu nghề, say nghề, muốn cống hiến cho đời những giá trị tốt đẹp thì những nhà báo đó mới được công chúng, bạn     đọc yêu quý và trân trọng.

Ông Ngô Vương Tuấn đại diện Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận giải loạt bài “In đậm dấu ấn cấp uỷ trong thực hiện “nhiệm vụ kép””. (Ảnh: tuoitrethudo.com.vn) 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, báo chí Việt Nam cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với yêu cầu của thời đại công nghệ số. Vậy đối với các nhà báo, phóng viên, họ cần làm gì để thích nghi với những vấn đề này, thưa ông?

Ông Ngô Vương Tuấn: Có thể thấy rằng, sự phát triển của công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội để mỗi người đều có thể trở thành một "nhà sản xuất nội dung", trực tiếp đăng tải trên các nền tảng số. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi thì tồn tại không ít thách thức, khi thời gian qua, không ít các thông tin giả, tin chưa được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội. Điều này đã phần nào tạo ra những làn sóng tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh internet, mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, giúp người dùng kết nối với nhiều nguồn tin, báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền mà bị đặt vào thế cạnh tranh, khi vừa phải bảo đảm tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, với vô vàn tin giả, tin chưa được kiểm chứng, báo chí phải có giá trị thông tin, thông tin được xác minh, kiểm chứng và toàn cảnh. Như vậy, cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác để có thể cạnh tranh với mạng xã hội về tính pháp lý, độ tin cậy của thông tin.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo hiện nay cần nỗ lực không ngừng để cập nhật kiến thức làm báo trong thời đại công nghiệp 4.0, sẵn sàng đón nhận thách thức, đồng hành cùng xu thế, để lớn mạnh và trưởng thành, đồng thời vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng.

Nhọc nhằn và vinh quang - đó là những gì mỗi phóng viên cảm nhận được khi làm báo. Mang danh nhà báo dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi nguyện không ngừng vươn lên, tìm tòi, học hỏi, nỗ lực cống hiến hết mình để sáng tạo những tác phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Lan Chi - CJC

Phản hồi