Tuyển sinh năm 2023 có điểm gì mới?
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản vẫn giữ ổn định, áp dụng Quy chế tuyển sinh như năm 2022, các địa phương vẫn tiến hành tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng ổn định về phương thức, cải tiến về kỹ thuật.
Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan và đúng trình độ, năng lực của thí sinh, kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 có một số điều chỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cần tăng cường và đổi mới các phương pháp dạy học. Tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường THPT để đảm bảo sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trước thềm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, cũng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và xã hội về tầm quan trọng và định hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương cũng cần đề ra và xây dựng các ngân hàng câu hỏi để phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học trong trường THPT.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị sớm và xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn kết hợp với các phương án dự phòng để phòng tránh cũng như xử lý kịp thời những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi THPT. Đề ra các phương án để đảm bảo đầy đủ các điều kiện phục vụ cho kỳ thi diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Các địa phương cần triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định, yêu cầu trong văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, cần phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quản lý tổ chức kỳ thi.
Đa dạng các phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học
Để giúp cho các sĩ tử tăng thêm cơ hội vào các trường đại học, năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển cơ bản như xét học bạ, xét điểm thi THPT, xét tuyển kết hợp các chứng chỉ ngoại ngữ,... thì đến năm nay các phương thức xét tuyển còn mới như đánh giá kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đáng giá tư duy, hay xét tuyển hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn cũng ngày càng được nhiều bạn học sinh lựa chọn để có cho mình tấm vé vào các trường đại học.
Một số các trường đại học lớn trên cả nước đều có sự đa dạng trong việc đưa ra các hình thức xét tuyển, điều này không chỉ góp phần giúp các sĩ tử có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho bản thân mà còn giúp các trường đại học đánh giá được toàn diện chất lượng của học sinh qua nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển sinh 2.400 chỉ tiêu năm 2023, về cơ bản Học viện vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm trước. Năm 2023 nhà trường vẫn không tổ chức thi năng khiếu báo chí và xét tuyển theo 3 phương thức. Với phương thức xét tuyển học bạ và phương thức kết hợp xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ, nhà trường dành 15% chỉ tiêu. Đặc biệt, nhà trường dành số lượng cao nhất cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 70% chỉ tiêu.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có nhiều hình thức xét tuyển nhất. Năm 2023, Đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7985 chỉ tiêu xét tuyển với ba phương thức. Thứ nhất, xét tuyển tài năng chiếm 15-20% chỉ tiêu bao gồm các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT là những thí sinh đạt được thành tích cao trong các kỳ thi; xét tuyển theo các chứng chỉ Quốc tế kết hợp với học bạ đáp ứng đủ điều kiện; xét tuyển theo Hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn có đủ yêu cầu dự tuyển. Bên cạnh đó, nhà trường dành 85-90% cho phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.
Trường Đại học Ngoại thương năm 2023 cũng xét tuyển dưới 6 phương thức tuyển sinh bao gồm: xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật quốc gia và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên; đối với phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập, chứng chỉ năng lực quốc tế; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo các tổ hợp môn, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển thẳng (được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT).
Dưới áp lực của kỳ thi THPT thí sinh cần lưu ý những gì?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Năm nay, bởi nhiều trường mở rộng quy mô tổ chức và dành thêm chỉ tiêu cho phương thức này, dự đoán số thí sinh vào đại học bằng cách này sẽ tăng so năm trước.
Càng gần đến ngày thi THPT quốc gia, ngoài kiến thức vững vàng, các sĩ tử cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý ổn định để bước vào kỳ thi THPT và đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các thí sinh tham dự thi cũng cần nắm rõ các quy chế thi để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Sĩ tử cần có chiến lược trong việc đặt các nguyện vọng xét tuyển để đạt được hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, đối với việc đăng ký các hình thức xét tuyển, các thí sinh cũng cần phải lưu ý lựa chọn phương thức phù hợp nhất với năng lực của bản thân.
Dự kiến điểm chuẩn liệu có còn “chạm trần” như mọi năm?
Nhiều năm trước hầu như không có mức điểm chuẩn “khủng” như những năm gần đây. Điều này là do nhiều yếu tố hình thành nên, ngoài yếu tố đề thi hàng năm khác nhau thì còn có một số lý do khác đẩy điểm chuẩn của phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đó là các trường tuyển sinh rất nhiều phương thức nên chỉ tiêu còn lại dành cho việc xét điểm tốt nghiệp không nhiều. Đề chưa có sự phân hoá cao, chỉ tiêu ít khiến cho điểm chuẩn bị đẩy lên gần như tuyệt đối, ngoài ra cũng có một phần liên quan đến vấn đề cộng điểm ưu tiên.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT hàng năm. Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng này là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.
Chính sách cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học năm 2023 cũng có những quy định mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng quy định các mức điểm ưu tiên khác nhau về khu vực và đối tượng. Chẳng hạn, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
Trước vấn đề điểm cộng, chuyên gia chỉ ra với trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tuy nhiên, với trường top trên, chỉ 0.01 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt nên việc cộng điểm ưu tiên dù đã được điều chỉnh trong những năm qua vẫn cần tiếp tục điều chỉnh vì quyền lợi, công bằng của thí sinh.
Với những chính sách điều chỉnh mới được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như khó đỗ vào các ngành "hot" của trường top trên.
Năm 2023, điểm ưu tiên sẽ được tính theo công thức như sau: [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. |
Trang
6/5/2023 10:06:21 PM
Hay