Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

NEWS \

“Tết Ở Làng Địa Ngục” – tương lai của dòng phim kinh dị Việt?

22:27 09-12-2023
Vào tháng 10 vừa qua, bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” được công chiếu đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Thành công của bộ phim hứa hẹn là khởi đầu cho một tương lai tươi sáng của dòng phim kinh dị Việt Nam.

Ở các nền điện ảnh phát triển, phim kinh dị đã trở thành một dòng phim vô cùng phổ biến, được sản xuất hàng loạt bởi kinh phí không quá cao như các bộ phim bom tấn và nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Phim kinh dị theo nghĩa gốc, là những tác phẩm điện ảnh có nội dung khơi gợi nỗi sợ ở khán giả bằng những hình ảnh, tạo hình đáng sợ hay hù doạ bất ngờ nhằm mục đích giải trí. Có thể ví phim kinh dị giống như một... quả sầu riêng: người thích thì thích đến độ “ghiền”, mà người chê thì chê đến “tận cùng vực thẳm”! Song, dù khen hay chê, trong tiềm thức của công chúng vẫn luôn có chỗ đứng nhất định cho các bộ phim kinh dị.

Nằm trong “quy luật” đó, khán giả Việt Nam đã không còn quá xa lạ với những “Vòng tròn định mệnh” (The Ring), “Ám ảnh kinh hoàng” (The Conjuring); với những búp bê Anabelle hay ác quỷ ma sơ Valak... Dòng phim kinh dị tại Việt Nam, tuy đã bắt đầu mạch vận động của nó từ những năm 70 của thế kỉ trước, song vẫn chưa thực sự phát triển mạnh và nhận được sự quan tâm của công chúng. Chỉ đến khi ra mắt “Tết ở làng Địa Ngục” – series kinh dị cổ trang đầu tiên, được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Thảo Trang, dòng phim này mới thật sự nhận được thêm những ánh nhìn từ công chúng Việt.

1. Sự đầu tư chỉn chu vào các yếu tố văn hoá

Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, hoà chung với nhiệm vụ giữ gìn bản sắc dân tộc; điện ảnh Việt vừa cần học hỏi những nét đẹp văn hoá quốc tế, song lại ngày càng phải chú trọng đầu tư những khía cạnh thuộc về văn hoá Việt Nam như: bối cảnh, trang phục, hoá trang, đài từ... để có những bộ phim “thuần Việt”. Khán giả Việt Nam hôm nay, với lòng tự tôn dân tộc sẵn có từ bao đời và tư duy thẩm mỹ ngày càng nâng cao; đang dần nói “không” với những bộ phim có tính lai căng và ủng hộ những bộ phim “thuần Việt”. Và “Tết ở làng Địa Ngục” là một bộ phim “thuần Việt” như thế.

Trước hết, bối cảnh làng Địa Ngục - bối cảnh chính của phim được chọn tại làng Sảo Há (tỉnh Hà Giang). Bối cảnh này đậm đà chất Việt với núi rừng bát ngát, mây mù bao phủ; với những rừng tre, ruộng ngô; những ngôi nhà cổ ma mị, trái bếp vùng cao, phiên chợ Tết, hình nhân giấy.... Khi khán giả không cảm thấy bối cảnh chung của một bộ phim xa lạ hoặc sai lệch với đời sống của họ, điều đó thể hiện phim đã 50% thành công về khía cạnh văn hoá. 

 Bối cảnh, phục trang của phim được đầu tư chỉn chu. (Ảnh: K+ Cinema)

Song, đó mới chỉ là 50% “cần”. 50% “đủ” còn lại chính là tất cả những yếu tố chủ quan: trang phục, hoá trang, ngôn ngữ được sử dụng trong phim, các chi tiết lịch sử... Phải thoả mãn 50% này thì sự thành công về văn hoá của phim mới được trọn vẹn. Nếu không, thì 50% thành công đến từ bối cảnh sẽ là “về mo”, và thất bại là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”! Có thể nhận thấy “bài học xương máu” này qua một bộ phim lấy bối cảnh Nam Bộ thời kì chống Pháp. Bối cảnh của bộ phim này được dàn dựng tốt và sát với thực tế đời sống, nhưng tiếc thay: trang phục, cách hành xử của nhân vật hay tên gọi của các hội nhóm... lại làm người ta liên tưởng đến... người Hoa nhiều hơn là người Việt. Những chi tiết lịch sử có thật trong bộ phim này cũng được cho là bị làm lu mờ, sai lệch sự thật lịch sử. Đây là hậu quả tất yếu của việc xây dựng nhân vật không phù hợp với bối cảnh. 

Thật may mắn vì “Tết ở làng Địa Ngục” đã thoả mãn 50% còn lại. Phần trang phục của phim được đầu tư chỉn chu và sát với mẫu trang phục truyền thống của người Việt xưa, với những chiếc áo giao lĩnh, chiếc nón ba tầm hay các bộ váy áo của đồng bào dân tộc vùng cao... Phần hoá trang được thực hiện hoàn toàn thủ công, nhằm tái hiện sinh động những chi tiết kinh dị thân quen nhất với người Việt như: vẻ rách rưới cùng đôi mắt đỏ ngầu của lão ăn mày què khi nhìn ông Thập trưởng làng, khuôn mặt đầy lỗ khi linh hồn bà Phong xuất hiện, hay gương mặt nổi những nốt như mụn nước thuỷ đậu của cô Hạch... Qua hai yếu tố trang phục và hoá trang, có thể nói phim đã bước đầu đáp ứng tốt cả hai yếu tố “kinh dị” và “cổ trang” theo đúng thông điệp được truyền thông là “bộ phim kinh dị cổ trang đầu tiên tại Việt Nam”.

Nói thêm về yếu tố “cổ trang”, nội dung phim tuy là sự hư cấu, nhưng là hư cấu dựa trên một sự kiện lịch sử có thật; và sự hư cấu này không làm sai lệch sự thật lịch sử. Đó là bối cảnh truông Nhà Hồ - vùng giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xưa kia là nơi hoạt động của một băng cướp khét tiếng mà mãi đến thời chúa Nguyễn, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng mới dẹp được. Chi tiết hư cấu bắt đầu từ đây: một vài mầm mống còn sót lại của băng cướp chạy trốn về phía Bắc và sống ẩn dật trong một ngôi làng - ấy chính là làng Địa Ngục. Những câu chuyện quỷ dị bắt đầu sau gần một thế kỉ, khi hậu duệ của băng cướp năm nào đã tưởng như có một cuộc sống bình yên trong ngôi làng này.

 Nhân vật ông Thập trưởng làng Địa Ngục - ngôi làng hậu duệ của băng cướp truông nhà Hồ. (Ảnh: K+ Cinema)

Lại phải bàn thêm về yếu tố “kinh dị”. Một điểm đặc trưng của dòng phim kinh dị phải kể đến độ gần gũi về văn hoá với tệp khán giả. Có một sự thật: nếu nền văn hoá được truyền tải trong bộ phim càng gần với nền văn hoá của khán giả, thì cảm giác sợ hãi và rùng rợn càng tăng lên. Người Việt sẽ không sợ những Anabelle hay Valak bằng những lá bùa ngải, những búp bê Kumanthoong của Thái Lan – nơi mà nền văn hoá của nó mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam hơn là văn hoá Mỹ. Và chắc chắn không gì đáng sợ hơn khi bối cảnh là một ngôi làng trên rẻo cao Tây Bắc, với những người Việt nói tiếng Việt, mặc trang phục Việt, và dĩ nhiên: ma cũng... Việt nốt! Có thể khẳng định, đây là một lợi thế lớn của “Tết ở làng Địa Ngục”, và yếu tố văn hoá Việt Nam được đầu tư chỉn chu chính là mấu chốt khiến công chúng Việt “mở lòng” hơn với phim kinh dị Việt nói riêng và điện ảnh Việt nói chung! 

2. Những “hạt sạn” còn tồn tại

Dù có những điểm cộng đáng ghi nhận và mang tính bước tiến cho dòng phim kinh dị Việt Nam, nhưng “Tết ở làng Địa Ngục” vẫn tồn tại những điểm trừ lớn. 

Một điểm trừ lớn của phim là việc lạm dụng các hiệu ứng kinh dị. Giới mộ điệu từ lâu đã quen thuộc với những cú “jumpscare” (tạm dịch: cú doạ bất ngờ, gây hoảng sợ và hồi hộp cho khán giả). “Jumpscare” vốn là cách làm hiệu quả để khai thác tối đa sự sợ hãi trong sâu thẳm tiềm thức con người, nhưng với điều kiện nó phải được cài cắm đúng chỗ, đúng lúc và với tần suất vừa đủ. Nếu không, phim kinh dị sẽ bất đắc dĩ trở thành một bộ... phim hài!

“Tết ở làng Địa Ngục” khai thác sự kinh dị trong những cái chết liên tiếp của dân làng Địa Ngục. Cái chết nào cũng được dàn dựng bằng hình ảnh rất ghê rợn, song vì diễn ra quá liên tục, nên tình tiết trở nên dễ đoán và không còn quá đáng sợ với khán giả.

Cộng thêm với đó, việc lạm dụng ánh sáng đỏ và các hiệu ứng âm thanh kinh dị cũng như “đổ dầu vào lửa” cho vấn đề nói trên. Người xem có thể dễ dàng đoán biết khi nào sắp có cảnh “đáng sợ” khi bối cảnh chuyển sang màu đỏ, cũng như cả tá âm thanh rùng rợn như tiếng hú hét, tiếng khóc, tiếng chim lợn kêu, tiếng nhạc dồn đồng loạt vang lên... Khi để khán giả đoán biết được như vậy, vô hình trung đạo diễn đã dần biến những cảnh chết chóc thành những “liều kháng sinh”. Một liều, hai liều... thì ổn, nhưng cả chục liều một lúc thì không những không hiệu quả, mà còn phản tác dụng, khiến khán giả như bị “nhờn thuốc”. 

 Những yếu tố kinh dị trong phim bị lạm dụng đã có đôi phần phản tác dụng. (Ảnh: K+Cinema)

Điểm trừ lớn tiếp theo là kịch bản phim được chuyển thể khá sơ sài và mơ hồ so với cốt truyện của tiểu thuyết gốc. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong nửa cuối bộ phim. Không ai chỉ xem phim mà hiểu hết về gốc gác, khả năng của nhân vật Thập Nương (oan hồn của người phụ nữ duy nhất trốn thoát trong vụ cướp). Cũng không ai chỉ xem phim mà hiểu vì sao mà Thập Nương lại “hết tiền” khi đã lấy đủ 192 mạng người trong khi chưa lấy được ba mạng còn lại của dân làng Địa Ngục (điều này được lí giải trong truyện là do Thị Thập mang thai ba, nên khi lấy mạng Thị Thập là lấy đến tận bốn mạng, đó là đủ 192 mạng mà Thập Nương đã giao kèo với quỷ canh rượu sọ người). Bản thân nhân vật Thập Nương (Lan Phương thủ vai) lẽ ra phải có nhiều đất diễn nhất trong vòng 4 tập cuối; nhưng thực tế chỉ có vài cảnh khắc hoạ mờ nhạt: phim chỉ lặp đi lặp lại vỏn vẹn vài cảnh trốn thoát, luyện cổ thuật và gào thét nguyền rủa băng cướp truông nhà Hồ. 

Những điểm trừ nói trên được ví như những “hạt sạn” trong một bát cơm. Cơm càng nhiều sạn thì người ta càng chẳng thiết tha ăn. Điều đó cũng tương tự đối với phim ảnh – một dạng “món ăn tinh thần” được nhiều người yêu thích. Song, cũng có thể thông cảm với những lỗi sai, có thể do sự bỡ ngỡ của êkip sản xuất trong bối cảnh dòng phim kinh dị tại Việt Nam chưa thịnh hành. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần lấy những “hạt sạn” này làm bài học, là động lực để phát triển; để chất lượng các bộ phim tỉ lệ thuận với thị hiếu và tư duy thẩm mỹ ngày càng được nâng cao của công chúng.

3. Tương lai của dòng phim kinh dị Việt

Trong bối cảnh dòng phim kinh dị tại Việt Nam chưa phổ biến và chưa phát triển mạnh, phải khẳng định “Tết ở làng Địa Ngục” chính là khởi đầu của một sự bứt phá. Với chủ đề mới mẻ, có tính thuần Việt (không mượn cốt truyện hay các chi tiết kinh dị ngoại lai như phần lớn các phim kinh dị Việt trước kia), “Tết ở làng Địa Ngục” chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ trong cách làm; là sự đầu tư kĩ lưỡng, tỉ mỉ. Có thể coi đây là “giáo cụ trực quan” đầu tiên cho bài học: phải luôn tìm những chủ đề mới gắn chặt với văn hoá Việt, đời sống Việt và đầu tư một cách chỉn chu, kĩ lưỡng về mọi mặt. 

     Tết Ở Làng Địa Ngục là mở đầu cho sự khởi sắc của dòng phim kinh dị. (Ảnh: K+ Cinema)

Bài học này chính là “kim chỉ nam” cho các nhà làm phim kinh dị, để rồi từ đó quyết định sự tồn tại và phát triển của dòng phim này trong tương lai. Phim kinh dị có chinh phục được công chúng trong tương lai hay không, tất cả là nhờ “cái tâm, cái tài” của các êkip sản xuất. Có thể “cái tài” thể hiện trong “Tết ở làng Địa Ngục” chưa được thể hiện trọn vẹn, nhưng “cái tâm” – được nhìn nhận qua những sự đầu tư kĩ lưỡng của êkip trong đó – đã phần nào giúp khán giả Việt mở lòng hơn với phim kinh dị. Nếu các nhà sản xuất học tập và phát triển tư duy làm nghề theo hướng này, chắc chắn “Tết ở làng Địa Ngục” sẽ là mở đầu cho chuỗi các bộ phim kinh dị hay hơn, đặc sắc hơn, đáng sợ hơn được đưa đến khán giả.
 

Đình Dũng - Truyền hình K41

Phản hồi