Danh mục Thứ Tư, 04/12/2024

NEWS \

Sinh viên báo chí với nỗi lo thực tập nghiệp vụ

22:31 20-11-2023
Thời điểm này, nhiều sinh viên bắt đầu bước vào kỳ thực tập tại các cơ quan. Đây được coi là bước đệm để các bạn phát triển bản thân nhưng đồng thời lại ẩn chứa nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng với nhiều người khi phải loay hoay lựa chọn một cơ quan phù hợp với mình.

Phù hợp hay không phù hợp ?

Thực tập tại các cơ quan là một loại hình học tập rất bổ ích với sinh viên trên giảng đường đại học. Nhưng để lựa chọn một cơ quan phù hợp với bản thân đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đã có kinh nghiệm thực tập cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, bạn Thảo Quyên (20 tuổi) cho biết: “Với mình, muốn biết phù hợp hay không thì phải thử. Có thử mới biết đâu là đúng, đâu là sai, từ đó mà đưa ra được lựa chọn đúng đắn.”

Quyên còn chia sẻ thêm về cơ hội được viết bài cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh Phú Yên, cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Yên,… Từ những trải nghiệm ấy, cô bạn nhận thấy bản thân phù hợp với việc đi đây đi đó, được tiếp xúc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện và viết lách. Cô sinh viên biết rằng nghề báo là công việc phù hợp nhất để bản thân theo đuổi vào thời điểm này và chưa bao giờ hối hận với sự lựa chọn của mình. 

Thảo Quyên - sinh viên lớp Ảnh báo chí K41 trong thời gian tác nghiệp. (Ảnh: NVCC) 

Theo đuổi công việc mình ưa thích thì dễ nhưng lựa chọn một môi trường để học hỏi cũng là điều mỗi sinh viên đều phải suy nghĩ. Thảo Quyên bộc bạch: “Trước khi chọn, mình tự đặt câu hỏi mình muốn gì, mình cần gì? Điều đầu tiên mình ưu tiên là mình nhận được những gì tại cơ quan đó chứ không phải đi vì điểm số nên mình luôn chọn va vấp vào những cái khó nhằn hơn mọi người.”  

Khó khăn chồng chất khó khăn

Thực tập tại cơ quan là cơ hội để sinh viên vừa học hỏi kỹ năng, vừa chứng tỏ năng lực của mình nhưng bên cạnh đó những “bài toán khó” khi bước chân vào một môi trường mới là những điều không phải bạn trẻ nào cũng vượt qua được. Được tiếp xúc và hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập, nhà báo Vũ Lương - Báo Tiền Phong chia sẻ: “Khi các bạn đến đây thực tập, điều đầu tiên tôi nhận thấy được là hầu như các bạn chưa có những cái kỹ năng thực tế về nghề cho nên là phải mất một thời gian đầu đề làm quen và níu giữ lại các bạn. Coi như là các bạn đến đây để học những bước đầu tiên để mình bước vào nghề báo thế còn ở trong trường thì mới chỉ dạy về mặt lý thuyết thôi.”

Anh Lương cho biết thêm: “Ở tòa soạn chúng tôi có rất nhiều nguồn sinh viên thực tập. Trong đó sinh viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền chiếm khoảng 60%”. Tuy chiếm tỷ lệ khá cao, song nhiều sinh viên báo chí mới bước vào kỳ thực tập đã cảm thấy nản chí và không muốn tiếp tục gắn bó với công việc, với tòa soạn bởi nhiều lý do.”

Một buổi thực tập của sinh viên Viện Báo chí tại trụ sở Báo Tiền Phong. (Ảnh: Vũ Minh) 

Về những khó khăn trong quá trình thực tập, Thảo Quyên chia sẻ rằng bản thân cũng từng nhiều lần như thế. Cô nàng tâm sự: “Viết một bài báo không được đăng, đăng bài không đủ yêu cầu để nhận nhuận bút,…hỏi mà có nản không? Nản chứ… Nhưng sau những lần như thế, bạn phải tự hỏi xem bạn đã nhận được gì. Đó là kinh nghiệm, là mối quan hệ, là một phiên bản trưởng thành hơn, chững chạc hơn.”

Không chỉ thực tập nghiệp vụ mà công việc này còn ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai sau này của các bạn. Thực trạng phổ biến ngày nay là sinh viên ra trường làm trái ngành tương đối nhiều. Tưởng chừng như các tòa soạn báo sẽ quy tụ nhiều sinh viên báo chí nhưng điều này lại đúng với các cơ quan truyền thông hơn. Lý giải cho điều này, nhà báo Vũ Lương chia sẻ: “Nó có rất nhiều lý do. Thứ nhất là do bản thân người ta không muốn đi làm báo, người ta muốn có một cơ hội khác. Thứ hai nữa là việc đào tạo nguồn cung và nhân lực báo chí là nó cần sự chọn lọc không phải ai học báo chí cũng đi ra làm báo mà không phải ai học báo chí chúng tôi cũng nhận để làm việc.”

Đâu là lối đi sáng suốt ?

Từ góc độ chuyên môn, Nhà báo Vũ Lương muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ trong tương lai rằng: “Các bạn phải chọn theo cái niềm say mê của mình còn nếu bạn không say mê gì báo chí mà chỉ coi là thứ giải trí gì đối với mình thôi thì tôi nghĩ là phải tìm cho mình một cái lý do để có thể gắn bó với nó chứ còn cứ bắt mình phải làm thì 1-2 tháng các bạn sẽ chán thôi.”

Nhà báo Vũ Lương - Báo Tiền Phong đưa ra những bài học kinh nghiệm cho sinh viên khi thực tập tại cơ quan báo chí. (Ảnh: Vũ Minh) 

Dưới góc độ sinh viên, Thảo Quyên chia sẻ: “Cách duy nhất đề giải quyết là học hỏi không ngừng. Học từ thầy cô, anh chị, bạn bè, sách vở,.. Ngoài ra, bản thân sinh viên phải không ngại va chạm với thực tế để tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Lý do thì vô vàn, mỗi người sẽ có một câu chuyện, một lý do. Song chung quy lại cần hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ mục đích cần theo đuổi để định hướng cho mình một cách cụ thể, trách lệch lạc về sau.” 

Mỗi người đều có một định hướng riêng dành cho bản thân. Vì vậy, bản thân mỗi sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ đâu là thế mạnh, đâu là môi trường phù hợp với định hướng của mình. Sau đó, cần trau dồi những kỹ năng cần thiết bằng chính những trải nghiệm cá nhân để sau này sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Vũ Đức Minh - Báo in K41

Phản hồi