Danh mục Thứ Ba, 28/01/2025

NEWS \

Náo nhiệt chợ phiên nón lá làng Chuông

22:01 26-11-2023
Từ 4h30 sáng ngày 26/11 (tức ngày 14 tháng 10 âm lịch), người dân từ khắp các làng xuôi ngược chở hàng hóa về phiên chợ tại đình làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội). Hàng trăm chiếc nón cùng mọi vật liệu làm nón được người dân bày bán khắp nơi.

Trải qua bao năm tháng, nghề làm nón đã trở thành một nghề thủ công truyền thống gắn với bao thế hệ người dân ở làng Chuông. Tới nay, làng Chuông vẫn giữ được phiên chợ nón họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. 

Phiên chợ diễn ra ngay tại đình làng Chuông, với hàng chục người mua kẻ bán, tạo ra khung cảnh vô cùng nhộn nhịp, tấp nập. Ai nấy đều nhanh tay lựa chọn thứ cần mua, chính vì thế, dù chợ bắt đầu từ 4 rưỡi sáng nhưng chỉ khoảng 7 giờ, chợ nón đã vãn người. 

  Chợ họp ngay trong sân chùa Chuông từ rạng sáng. Người đi chợ phải đi từ rất sớm để kịp lựa và mua hàng. (Ảnh: Vân Trang)
  Chợ phiên thu hút đông đảo người mua trong làng và cả người mua từ những vùng lân cận. Chủ yếu khách đến đây là khách mua buôn với số lượng lớn. (Ảnh: Vân Trang) 
 Các mặt hàng được bày bán vô cùng đa dạng, từ lá mo, guột, vòng nón, cước và kim chỉ, quai nón, khuôn làm nón và cả những chiếc nón đã hoàn chỉnh. (Ảnh: Vân Trang)
 Không thanh mảnh như “chiếc nón bài thơ” xứ Huế, nón làng Chuông dày dặn, cứng cáp mà vẫn thanh lịch, duyên dáng, đậm chất nông thôn đồng bằng Bắc bộ. (Ảnh: Vân Trang)

Cô Lan (47 tuổi) chở hơn 100 chiếc nón ra chợ bán từ 5 giờ sáng cho biết, giá bán nón thời điểm này dao động từ 30.000 - 130.000 đồng/ chiếc, tùy theo chất lượng. Cô chia sẻ: “Giá nón như vậy là khá rẻ, thông thường sẽ đắt nhất vào dịp hè vì nhu cầu sử dụng tăng cao”.

 Lá nón được bó lại theo chùm 50 hoặc 100 cành với giá cả dao động từ 65.000 - 120.000 đồng/bó. Cô Thuần đều đặn mỗi dịp chợ phiên đều đến mua lá cho biết: “Lá nón đẹp phải là loại lá trắng, đều và dày dặn”. (Ảnh: Vân Trang)

Lá mang về phải vò trong cát rồi đem phơi trong 2 - 3 ngày. Khâu phơi lá cũng đòi hỏi sự cẩn trọng vì nếu phơi dưới nắng gắt, lá sẽ không có được màu trắng ngà, phơi vào ngày trời hanh khô, lá sẽ dễ rách. Sau khi phơi xong, người dân sẽ đem hun lá với lưu huỳnh (diêm sinh) để lá đạt độ trắng nhất định. 

 Vành nón và các vòng nón được đan bằng tre cật, vót tròn nhẵn và đều. Các mối nối mịn, vuốt không gợn, không vấp để cho vành tròn thì nón mới đẹp. (Ảnh: Vân Trang) 

Sau khi nhập tre nứa về, người dân sẽ chẻ nhỏ để làm vòng nón với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau. Giá của vòng phụ thuộc vào chất lượng nứa, nứa đều thì có giá khoảng 50.000/ bó còn nứa to, thô thì dao động từ 12.000 - 40.000/ bó. 

 Nón làng Chuông còn cần một lớp lá mo sẫm màu lót giữa để tạo độ cứng cáp. Mo được mua từ Phú Thọ hoặc xa hơn là từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh mang về. (Ảnh: Vân Trang) 
Khách có thể trực tiếp xem những công đoạn làm nón dưới đôi bàn tay khéo léo của người dân. Từ khâu chọn lá, quay nón, khâu nón, khâu quai cho đến bước quang dầu đều được thực hiện kỹ càng. (Ảnh: Vân Trang) 

Bà Phạm Thị Mỳ (70 tuổi) đã bắt đầu học khâu nón từ năm lên 7 dưới sự hướng dẫn của mẹ. Với bà, khâu nón chính là khâu khó nhất và mất nhiều thời gian nhất. Mỗi ngày, bà chỉ hoàn thiện được 1 - 2 chiếc nón. Bà Mỳ chia sẻ: “Làm giàu từ nghề làm nón thì khó nhưng đây là nghề truyền thống của ông cha nên tôi vẫn muốn theo nghề, giữ gìn nghề”. 

Dẫu trên thị trường xuất hiện nhiều loại nón vải, nón nhựa nhưng nón làng Chuông vẫn luôn được người dân ưa chuộng bởi độ nhẹ, mát và bền theo thời gian. (Ảnh: Vân Trang)

Chợ nón làng Chuông ồn ào, náo nhiệt khi trời chưa kịp sáng nhưng nhanh chóng tan sau khoảng 2 tiếng. Ngày thường, người dân vẫn buôn bán tại nhà và tiếp tục chuẩn bị hàng hóa để đến phiên họp chợ lại mang đến đây. 

Phiên chợ nón làng Chuông luôn là niềm tự hào của người dân về nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng quê Bắc Bộ. Người dân trong làng vẫn thường nhắc lại câu ca dao xưa: “Muốn ăn cơm trắng, cá trê/ Muốn mua nón tốt thì về làng Chuông”. Dẫu thời gian chảy trôi, dậy sớm đi chợ phiên nón lá vẫn là thói quen của rất nhiều người. 
 

Vân Trang - Hà Trang

Phản hồi