Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

NEWS \

Làng gốm cổ truyền - Nét đẹp hơn 500 năm tuổi

01:17 05-06-2023
Làng gốm Bát Tràng toạ lạc tại Gia Lâm - Hà Nội, là cái nôi lưu giữ nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Qua những biến động của thời gian, nơi đây đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển, trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách tìm hiểu về nghề gốm truyền thống

 Một góc hoàng hôn tại Làng gốm cổ truyền (Ảnh: Hương Giang)

Theo sử sách ghi lại, làng nghề truyền thống này được hình thành vào thế kỷ XIV - XV, vào thời nhà Lý. Sự di cư của các nghệ nhân lành nghề thuộc 5 dòng họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm về kinh thành Thăng Long đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi Bát Tràng thành một làng gốm nổi tiếng. Đến nay, tuy có nhiều đổi thay, Bát Tràng vẫn giữ riêng mình những giá trị độc đáo không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. 

Nhà cổ Vạn Vân

Nhà cổ Vạn Vân nằm tại một ngõ nhỏ gần chợ gốm Bát Tràng. Với tuổi đời hơn 200 năm, căn nhà mang đậm dấu ấn cổ kính thu hút du khách yêu thích kiến trúc cổ điển khi đến thăm Bát Tràng. Các mẫu hoạ tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng và bộ khuôn bản dập làm gốm đều tạo nên một vẻ đẹp độc đáo và phong phú cho ngôi nhà này.

Ngoài kiến trúc, không gian xung quanh ngôi nhà cổ cũng đơn giản và giản dị. Xung quanh khuôn viên có nhiều chỗ ngồi bằng tre để du khách có thể nghỉ ngơi, uống nước và thưởng thức cảnh quan trong lành. Với những điều đơn giản như vậy, Vạn Vân mang đến cảm giác cổ kính và yên bình.

Đình làng Bát Tràng 

Đình làng Bát Tràng là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh đặc biệt, một Di tích lịch sử kiến trúc Nghệ thuật. Đây là một trong những ngôi đình có kiến trúc đặc biệt và đại diện cho bản sắc văn hoá đặc trưng của làng Bát Tràng. Đình làng Bát Tràng còn liên quan mật thiết đến các truyền thuyết lịch sử.

Trên ngôi đình này, người ta thờ sáu vị thành hoàng, được dân làng gọi là lục vị nhà thánh, bao gồm ba vị thiên thần và ba vị nhân thần. Đình làng Bát Tràng không chỉ là nơi thờ cúng mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và truyền thống những tín ngưỡng tâm linh của người dân trong làng.

Cổng Đình làng Bát Tràng (Ảnh: Hương Giang)

Đình làng Bát Tràng được xây dựng với mặt tiếp giáp làng và hướng ra phía Tây, nơi con sông Hồng (trước đây gọi là sông Nhị Hà) chảy qua, mang theo những lớp phù sa phủ lên. Vị trí đặc biệt này tạo nên một không gian đẹp và thơ mộng cho đình, gắn liền với nguồn nước và sự sinh sôi của làng Bát Tràng.

Suốt hơn 300 năm tồn tại, ngôi đình trở thành một phần không thể thiếu, tô điểm thêm nét đẹp mộc mạc của ngôi làng cổ. Được xây dựng dựa trên vị trí đắc địa , đình làng Bát Tràng đã trở thành một biểu tượng tâm linh và văn hóa quan trọng, gắn kết với cuộc sống và truyền thống của người dân trong làng.

Lò Bầu Cổ

Lò bầu, một loại lò nung gốm sử dụng củi làm nguyên liệu đốt cháy, đã xuất hiện tại làng gốm Bát Tràng vào cuối thế kỷ XIX. Dưới sự phát triển của công nghệ, Bát Tràng đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều kiểu lò nung khác nhau như lò đàn, lò hộp, lò ga, lò điện... Tuy nhiên, lò bầu vẫn được giữ gìn và trở thành loại lò truyền thống của làng nghề này.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn tồn tại một chiếc lò bầu cổ có tuổi đời 100 năm tại Bát Tràng. Chiếc lò này đại diện cho một phần quan trọng trong lịch sử và là di sản nghề gốm của làng. Nó thể hiện sự  tài hoa trong kỹ thuật  nung gốm truyền thống của các thế hệ nghệ nhân nơi đây.

Lò Bầu Cổ với tuổi đời hàng trăm năm (Ảnh: Hương Giang)

Lò có diện tích rộng khoảng 1030m2, dài 15m và bao gồm 5 bầu với vòm cuốn liên tiếp, giống như vỏ sò úp nối vào nhau. Mặc dù không còn được sử dụng như trước đây, lò vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên vẹn mà không bị ảnh hưởng bởi sự tàn phai của thời gian.

Bên ngoài lò Bầu Cổ, có một không gian trưng bày sản phẩm gốm, nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật gốm sứ độc đáo. Bên trong, không gian này còn được sử dụng để sáng tạo và làm việc nghệ thuật.

Hương Giang - Phương Thảo

Phản hồi